Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Luật sư của người mang án tử nêu quan điểm

Mạnh Hùng| 13/01/2018 13:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (13/1), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm đã bước sang ngày thứ 6. Trong phiên tòa sáng nay, các luật sư vẫn tiếp tục phần tranh luận.

Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Luật sư của người mang án tử nêu quan điểm

Mở đầu phần tranh luận sáng nay, luật sư Lê Đình Ứng, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN nêu quan điểm bào chữa. Trước đó, đại diện VKSND xác định bị cáo Sơn vi phạm trong việc PVC được chỉ định thầu tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Bị cáo Sơn cũng cho PVC ứng 1.312 tỷ đồng sai quy định dẫn đến thất thoát gần 120 tỷ đồng của Nhà nước mà PVN là đại diện. Vì vậy, VKSND đề nghị Tòa tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn 10 - 11 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, trong phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), ông Sơn (từng giữ chức TGĐ OceanBank) đã bị tuyên án tử hình về các hành vi Tham ô, chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Tại Tòa, luật sư Ứng cho biết, ở giai đoạn lấy lời khai, bị cáo Sơn không mời luật sư vì cho rằng làm đúng quy định của PVN nên đã tự bào chữa cho mình. Sau đó, do sức khỏe không đảm bảo, thấy cần có luật sư để giúp mình trình bày rõ hơn về vụ án, bị cáo Sơn đã mời luật sư.

Luật sư Lê Đình Ứng nêu quan điểm “Chủ trương xây dựng Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được lập trước khi ông Sơn về PVN, các tài liệu chứng cứ đã thể hiện điều này. Bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ PVN cũng đã khai nhận rõ bị cáo Sơn không được tham gia đàm phán, phê duyệt dự án”. Về việc này, luật sư Ứng khẳng định HĐTV, Chủ tịch HĐTV và TGĐ của PVN đã phân công cho Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó TGĐ PVN phụ trách, hoàn thiện hợp đồng chuyển đổi từ Hợp đồng EPC số 33 (để thực hiện dự án Thái Bình 2) sang Hợp đồng 4194 (chuyển chủ đầu tư từ công ty con về PVN).

Luật sư Ứng nói thêm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không được biết sai phạm tại Hợp đồng EPC số 33 nói trên bởi trong ban chuyên theo dõi về điện, than không có bị cáo Sơn (ông Sơn phụ trách tài chính kế toán). Vị luật sư này nói: “Xuyên suốt các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì ngay trong bản cáo trạng cũng không hề có nội dung nào thể hiện bị cáo Sơn biết Hợp đồng EPC số 33 có sai sót. Cũng không có nội dung nào về việc ai báo cáo cho bị cáo Sơn việc sai sót này”.

Về việc cho PVC ứng tiền theo Hợp đồng EPC số 33, luật sư Ứng khẳng định Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do ông Vũ Hồng Chương làm Trưởng ban và có quy chế quản lý tài chính riêng. Bị cáo Sơn không trực tiếp ứng tiền cho PVC, chỉ chuyển cho Ban quản lý dự án. Luật sư Ứng nói: “Căn cứ vào cuộc họp tại công trường ngày 3/6/2011, theo thông báo ý kiến của Chủ tịch HĐTV (ông Đinh La Thăng) đã có chỉ đạo ứng vốn cho PVC 10% nhưng hiệu lực Hợp đồng 33 vẫn giữ như cũ… bị cáo Sơn thực hiện đúng theo nhiệm vụ được phân công”.

Luật sư Lê Đình Ứng cũng cho rằng, việc bị cáo Sơn chuyển tiền từ PVN sang Thái Bình 2 thực chất là chuyển từ túi này sang túi kia, hoàn toàn theo quy chế tài chính của PVN và theo quy định hiện hành.

Từ những luận cứ nêu trên, luật sư Ứng đề nghị HĐXX xem xét cho thân chủ của mình: “Việc truy tố bị cáo Sơn về tội Cố ý làm trái là không đúng, có chăng đây là sự thiếu trách nhiệm, đề nghị Tòa áp dụng hết các tình tiết có lợi cho bị cáo Sơn. Nên xem xét bị cáo Sơn trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án, bản thân bị cáo Sơn cũng rất ăn năn, hối cải. Mong Tòa xem xét tổng thể, toàn cảnh vụ án trong bối cảnh cách đây 10 năm. Bị cáo Đinh La Thăng cũng chỉ mong muốn đẩy nhanh tiến độ nên thúc ép ông Sơn cũng như các cán bộ trong vụ án này”.

Cũng trong buổi sáng nay, luật sư Đỗ Ngọc Quang, luật sư bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định lại. Luật sư này cho rằng cách tính lãi với mức lãi suất 13,33%/năm đối với tổng số tiền PVN đã tạm ứng cho PVC để triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là không có căn cứ.

Thiệt hại do việc tạm ứng gây ra cho PVN là số tiền lãi tối thiểu 51 tỷ đồng theo mức lãi suất 13,33%/năm. Luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng việc tính lãi suất theo tỷ lệ tiền gửi trên không thể áp dụng với số tiền hơn 1.300 tỷ đồng. Luật sư Quang nói: “Số tiền này được coi là tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cách tính này là không đúng, không phù hợp với thực tế trong việc sử dụng tiền của doanh nghiệp. PVC là công ty con của PVN, dù PVC sử dụng sai mục đích thì cũng không thể mất, sau đó PVC bù đắp bằng khoản tiền khác, do vậy không có hậu quả nghiêm trọng”.

Do thiếu các chứng cứ chứng minh tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi gây ra, Luật sư Quang cho rằng cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định lại. Trong khi đó, việc bị cáo Quỳnh chuyển tiền tạm ứng cho PVC thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 diễn ra trong bối cảnh tình hình cấp bách, phải nhanh chóng xây dựng nhà máy đúng tiến độ.

Vị luật sư này cũng chỉ rõ, tại biên bản lấy lời khai trước Cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó TGĐ PVN khai bị cáo Đinh La Thăng tỏ ra sốt ruột với tiến độ của dự án nên đã gọi Sơn và Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó TGĐ PVN lên phòng và quát: “Không triển khai thì biến đi”.

Từ đó luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng, việc thân chủ của ông tạm ứng cho PVC là do sức ép từ cấp trên. Lời khai của Quỳnh tại Cơ quan điều tra: “Sau khi anh Thăng nói phải lo bằng được vốn, tôi rất lo, dù anh Thăng có chỉ đạo bằng miệng thì cũng phải làm, vì với tính cách của anh Thăng có thể cách chức cấp dưới bất kỳ lúc nào”.

Cũng trong phiên tòa sáng nay, luật sư Hoàng Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC cho biết, trước khi bị khởi tố về hành vi tham ô, Thuận đã tự khai ra hành vi của mình và đề nghị gia đình khắc phục hậu quả 800 triệu đồng (là số tiền tham ô từ PVC trong việc lập 4 hồ sơ khống), hành động này đến trước khi bị khởi tố bị can về tội Tham ô nên được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, luật sư Tuấn cũng cho rằng bị cáo Thuận là người đại diện theo pháp luật của PVC, hành động như vậy cũng chỉ vì lợi ích hợp pháp của PVC, do vậy cần phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại này. Vị luật sư này nói: “Nếu PVC không chịu trách nhiệm về những thiệt hại do người đại diện vì mình mà gây ra, chắc chắn chúng tôi sẽ khởi kiện PVC”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Luật sư của người mang án tử nêu quan điểm