Điểm lại một số vụ án xét xử gần đây cho thấy, ngành Tòa án quyết tâm chống tham nhũng theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... trong những năm qua, ngành Tòa án đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng xét xử, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp.
Những “đại án” được dư luận quan tâm
Như Báo Công lý phản ánh, sáng 12/12/2013, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đối với 10 bị cáo. Đây là một trong 10 đại án tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Chiều 16/12, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên: Bị cáo Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông - Vận tải) và bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines bị kết án 10 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 9 năm tù về tôi “Cố ý làm trái”, mức án chung là 19 năm. Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, chịu mức án 22 năm tù.
Bị cáo Dương Chí Dũng (đứng giữa) nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông - Vận tải) và đồng phạm trong phiên tòa xét xử được dư luận đặc biệt quan tâm
Bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines bị phạt 4 năm tù, Mai Văn Khang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, lĩnh án 7 năm tù, Lê Văn Dương, nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, chịu mức án 7 năm tù. Bị cáo Huỳnh Hữu Đức, nguyên Phó Cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa), kiêm Phó Chánh Văn phòng Cục Hải quan Khánh Hòa; Lê Ngọc Triện, nguyên Đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong; Lê Văn Lừng, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, mỗi bị cáo chịu hình phạt 8 năm tù.
Ngoài ra, bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, mỗi bị cáo phải bồi thường thiệt hại 110 tỷ đồng cho Nhà nước…
HĐXX kiến nghị, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục làm rõ sai phạm của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Citibank, nếu có dấu hiệu hình sự phải khởi tố để xử lý. Tổng Cục Hải quan phải kiểm điểm trách nhiệm trong vụ án này.
Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (đứng giữa) cùng đồng phạm trong phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vifon Việt Nam
Một “đại án” tham nhũng khác được dư luận quan tâm là vụ án tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Ngày 15/11, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm vụ án hình sự đối với 11 bị cáo: Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty ALC II và bị cáo Đặng Văn Hai, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh phải chịu mức án tử hình; Nguyễn Văn Tài, 54 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc ALC II chịu mức án 14 năm tù; 8 bị cáo khác nguyên là cán bộ của ALC II và giám đốc của một số doanh nghiệp tư nhân phải nhận từ 3 đến 14 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Hai buộc phải bồi thường 133 tỷ đồng, bị cáo Hảo bồi thường 8,8 tỷ đồng cho ALC II. Đồng thời, hai bị cáo phải liên đới bồi thường thêm 33 tỷ đồng cho công ty này.
Vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon Việt Nam) cũng được dư luận hết sức quan tâm. Từ năm 2002 - 2006, lợi dụng giai đoạn chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, bị cáo Nguyễn Thanh Huyền và Nguyễn Bi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lấy tiền của Nhà nước và cổ đông để đưa vào huy động vốn cá nhân rồi sau đó rút ra chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Nhà nước và các cổ đông số tiền 18,2 tỷ đồng. Các bị cáo Đàm Tú Liên, Dương Thị Mẫn, Ka Thị Thu Hồng biết làm sai nguyên tắc nhưng do tin tưởng và chấp hành mệnh lệnh cấp trên, đã có hành vi làm trái trong việc lập và ký nhiều chứng từ giả thu, giả chi tạo điều kiện để bị cáo Nguyễn Thanh Huyền chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Sáng 27/11/2013, HĐXX sơ thẩm vụ án hình sự TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án: Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vifon Việt Nam lĩnh án 30 năm tù; Nguyễn Bi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc lĩnh án 22 năm tù; Đàm Tú Liên, nguyên Kế toán trưởng lĩnh án 8 năm tù; Dương Thị Mẫn, nguyên Kế toán thanh toán lĩnh mức án 7 năm tù và Ka Thị Thu Hồng lĩnh mức án 7 năm tù.
HĐXX cũng đề nghị VKSNDTC xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Bên, nguyên Tổng Giám đốc Vifon Việt Nam.
Qua các phiên tòa xét xử những “đại án” nêu trên, dư luận đánh giá cao tính nghiêm minh của HĐXX, bởi các bị cáo phải chịu hình phạt tương xứng với tội lỗi do mình gây ra, điều đó thể hiện sự quyết tâm của ngành Tòa án trong công tác phòng chống tham nhũng.
Tòa án là biểu tượng của công lý
Để thực hiện tốt hơn công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay, ngày 6/11/2013, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ra Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo. Theo đó, từ ngày 15/12/2013, các Tòa án sẽ không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ.
Bị cáo Vũ Quốc Hảo (ngồi giữa), nguyên Tổng Giám đốc Công ty ALC II cùng đồng phạm trong phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại ALCII
Về công tác nâng cao chất lượng xét xử, vừa qua, trả lời chất vấn trước Quốc hội và với vai trò lãnh đạo ngành Tòa án, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã thể hiện quyết tâm của ngành Tòa án trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng. Cụ thể, ngành Tòa án từ nhiều năm nay đã phát động phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kết hợp với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình với phương trâm: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”; “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn giỏi, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, với nhân dân, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.
Mới đây, tại buổi làm việc với TAND tỉnh Tiền Giang, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chỉ đạo: Trong thời gian tới, ngành TAND tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng để nâng cao chất lượng xét xử, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế mức thấp nhất án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan, án tuyên không rõ ràng. Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa để làm rõ bản chất của vụ án, để Tòa án là biểu tượng của công lý.
Qua những việc làm cụ thể, có thể nói, ngành Tòa án đang cùng hệ thống chính trị và toàn thể xã hội thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng.
Tùng Lâm