Xét xử Nguyễn Thành Tài và đồng phạm: Khi đất công là “chùm khế ngọt” khiến hàng loạt cán bộ vướng vào lao lý

Nguyễn Văn| 16/09/2020 13:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị cáo Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã tự biến mình thành “con rối” cho người khác điều khiển khiến bản thân lẫn thuộc cấp phải làm những việc trái với chủ trương và các quy định pháp luật, đẩy nhiều cấp dưới dính vòng lao lý.

Con voi chui lọt lỗ kim!

Khu nhà, đất số 8-12 đường Lê Duẩn (Quận 1) có tổng diện tích gần 5.000m2 thuộc sở hữu nhà nước. Năm 1994, UBND TP.HCM giao cho Công ty Quản lý Kinh doanh (QLKD) nhà TP.HCM quản lý và cho thuê. Sau đó, 4 công ty gồm: Công ty Kim khí, Công ty Thiết bị Phụ tùng, Công ty Hóa chất vật liệu điện và Công ty Vitaco được thuê 2 khu đất có vị trí đắc địa này.

Ngày 20/11/2007, UBND TP.HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố quyết định phải tìm bằng được đơn vị uy tín, có năng lực để thực hiện dự án quan trọng này, nhất quyết không áp dụng hình thức liên doanh.

Sau đó, Công ty Cổ phần Hòn Ngọc Viễn Đông đã được thành lập với 100% vốn nhà nước gồm: Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM, Công ty Vàng bạc đá quý TP.HCM, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn góp vốn để thực hiện sứ mệnh đầu tư dự án. Bốn công ty thuê đất trước đó bị yêu cầu di dời, trả lại mặt bằng để thực hiện dự án nhưng các công ty này không chịu mà tìm mọi cách kéo dài để đòi quyền lợi nhưng không được UBND TP.HCM chấp thuận.

Xét xử Nguyễn Thành Tài và đồng phạm: Khi đất công là “chùm khế ngọt” khiến hàng loạt cán bộ vướng vào lao lý

Bị cáo Nguyễn Thành Tài.

Thế nhưng đến ngày 6/10/2009, ông Nguyễn Thành Tài lại ký Văn bản số 5206/UBND-ĐTMT chấp thuận chủ trương cho Công ty QLKD nhà TP.HCM liên doanh liên kết với 4 công ty thuê đất bấy lâu để thực hiện dự án với tỷ lệ: Công ty QLKD nhà TP.HCM chiếm 50%, 4 công ty còn lại mỗi công ty chiếm 12,5%. Với việc chấp thuận này, Công ty Hòn Ngọc Viễn đông bị giải thể vì không còn chức năng làm chủ đầu tư như các quyết định ban đầu của UBND TP.HCM.

Được “bật đèn xanh”, Nguyễn Thị Thu Thủy- Giám đốc Công ty QLKD nhà TP.HCM ký văn bản đề xuất UBND TP.HCM thành lập Công ty cổ phần và huy động thêm vốn để thực hiện dự án thì được ông Nguyễn Thành Tài – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM lúc bấy giờ chấp thuận.

Không biết vô tình hay đã có sự “dọn đường” sẵn từ vị Phó Chủ tịch Thường trực mà ngay sau đó ngày 6/8/2010, Lê Thị Thanh Thúy- một nữ doanh nhân vừa ngoài 30 tuổi trong lĩnh vực nhà hàng đã gửi văn bản cho Công ty QLKD nhà thành phố tự giới thiệu là Công ty Hoa Tháng Năm có năng lực tài chính và xin được tham gia dự án, trong khi thực tế công ty này mới được thành lập cách đó vỏn vẹn 4 tháng và chưa hề thực hiện dự án bất động sản nào.

Dù là một công ty mới ra đời chưa có kinh nghiệm nhưng bà Nguyễn Thị Thu Thủy- Giám đốc Công ty QLKD nhà Thành phố ký văn bản đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm hợp tác đầu tư, góp 30% vốn của dự án trong tỷ lệ góp vốn 50% của Công ty QLKD nhà Thành phố.

Thần tốc theo kiểu bất chấp vì tình cảm riêng

Quay trở lại mối quan hệ giữa ông Nguyễn Thành Tài với nữ doanh nhân trẻ Lê Thị Thanh Thúy, quá trình điều tra thể hiện: Do có mối quan hệ tình cảm cá nhân và sự tác động của Lê Thị Thanh Thúy nên Nguyễn Thành Tài đã ra các quyết định và chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước.

Cụ thể, ngày 17/8/2010, Nguyễn Thành Tài tổ chức họp chấp thuận đề xuất của Công ty QLKD nhà Thành phố để Công ty Hoa Tháng Năm của cô Lê Thị Thanh Thúy tham gia góp vốn trái với chủ trương của UBND TP.HCM. Trên cơ sở chấp thuận của ông Nguyễn Thành Tài, sau đó vài tuần, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Công ty Hoa Tháng Năm 30%, Công ty QLKD nhà Thành phố 20%, còn lại chia đều cho 4 công ty đang thuê đất tại đây. Người đại diện theo pháp luật kiêm luôn chức Chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue mới toanh này không ai khác là bà Lê Thị Thanh Thúy.

Điều đặc biệt hơn khiến dư luận dậy sóng chính là sau khi vừa thành lập tham gia góp vốn được 19 ngày thì toàn bộ 4 công ty thuê đất tại đây đã đồng loạt “cuốn gói” khỏi Công ty Lavenue  để chuyển nhượng cổ phần sang cho Công ty Kido với tổng giá trị 250 tỷ đồng. Trước đó ít ngày, 4 công ty này đã vay tổng cộng của Công ty Kido 50 tỷ đồng để góp 50% vốn điều lệ của Công ty Lavenue. Vậy là chỉ sau 19 ngày, số tiền góp vốn của 4 công ty đã tăng lên gấp 5 lần, đưa về túi mỗi công ty 50 tỷ đồng chỉ trong nháy mắt.

Có “bảo bối” trong tay, Lê Thị Thanh Thúy làm hết đề xuất này đến đề xuất khác gửi đến Thường trực UBND Thành phố- nơi mà ông Tài là người đứng đầu. Từ đây, vị Phó Chủ tịch Thường trực lại chỉ đạo cho cấp dưới phải nhanh chóng xem xét, giải quyết cho doanh nghiệp của “bà hoàng” này khiến những người phải làm theo “sức ép” của quan lớn cũng vướng vòng lao lý.

Theo đó, Trương Văn Út - chuyên viên Phòng Quy hoạch sử dụng đất lập Tờ trình để Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng ký duyệt, trình Giám đốc Sở TNMT Đào Anh Kiệt. Sau đó, ông Kiệt đã ký văn bản gửi UBND TP.HCM chấp thuận những yêu sách của Công ty bà Thúy, dù biết rằng trái với quy định.

Xét xử Nguyễn Thành Tài và đồng phạm: Khi đất công là “chùm khế ngọt” khiến hàng loạt cán bộ vướng vào lao lý

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy.

Ngày 30/5/2011, Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty QLKD nhà TP.HCM ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM cho Công ty Lavenue thực hiện nghĩa vụ tài chính, xem xét giao đất và cho thuê đất tại vị trí 8-12 Lê Duẩn. Và chỉ sau đó 2 ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài đã có chỉ đạo Sở Tài chính khẩn trương hoàn tất thủ tục, trình UBND TP.HCM duyệt giá khu đất nói trên; đồng thời chỉ đạo Sở TNMT TP.HCM gấp rút lập thủ tục để giao và cho thuê khu đất nói trên cho Công ty của bà Lê Thị Thanh Thúy.

Trên cơ sở chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Tài, cấp dưới không dám “chống lệnh” nên đành nhắm mắt làm liều. Theo đó, Trương Văn Út đã dự thảo tờ trình để Nguyễn Hoài Nam dịch, trình Đào Anh Kiệt ký ban hành Công văn số 3426/TNMT-QHSDĐ ngày 10/6/2011 đề xuất cho Công ty Lavenue được áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất chỉ định, không qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất vàng trên.

Cũng chỉ trong nháy mắt, ngày 14/6/2020, ông Nguyễn Thành Tài đã ra Quyết định số 3030/QĐ-UBND giao đất tại số 8 Lê Duẩn với tổng số tiền hơn 621 tỷ đồng và cho thuê đất tại số 12 Lê Duẩn với đơn giá hơn 3,5 triệu đồng/1m2/năm cho Công ty Lavenue. Cũng với tinh thần hết sức thần tốc, chỉ 2 tuần sau, hai lô đất vàng này đã chính thức về tay tư nhân khi mà Sở Tài nguyên và Môi trường chính thức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Lavenue của Lê Thị Thanh Thúy.

Động trời hơn, khi đất vừa về chưa nóng tay thì bà Thúy lại được bà Thu Thủy ký văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép thanh lý luôn nhà đất số 12 Lê Duẩn, thay vì chỉ cho thuê như Quyết định cách đó ít hôm cũng của chính ông Nguyễn Thành Tài ký.

Dư luận đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi thấy vị Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM lại trở thành “con rối” để bà Lê Thị Thanh Thúy có thể điều khiển. Ngày 11/7/2011, bà Thu Thủy của Công ty QLKD nhà Thành phố đề xuất. Lập tức, ngày 12/7/2011, ông Nguyễn Thành Tài đã ký văn bản chấp thuận cho thanh lý nhà đất số 12 Lê Duẩn. Như vậy, hết lần này đến lượt khác, ông Nguyễn Thành Tài đã tự làm trái chính các quyết định của mình trước đó, cũng như đã cố ý làm trái với các quy định của pháp luật.

Việc làm của ông Nguyễn Thành Tài cùng các đồng phạm đã gây thất thoát, lãng phí cho nhà nước với tổng số tiền gần 2.000 tỷ đồng (Tổng số tiền định giá tại thời điểm khởi tố vụ án là 2,575 ngàn tỷ đồng – 647 tỷ đồng Công ty Lavenue đã nộp).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Nguyễn Thành Tài và đồng phạm: Khi đất công là “chùm khế ngọt” khiến hàng loạt cán bộ vướng vào lao lý