Thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân vùng đồng bào DTTS. Qua đó, giúp người dân hiểu và nhận thức rõ các hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế vi phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tỉnh Kon Tum có tới 54% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Nơi đây có đường biên giới dài, tiếp giáp với hai nước Lào và Campuchia nên tình hình tội phạm ma túy, buôn lậu diễn biến phức tạp.
Xác định rõ điều đó, thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Kon Tum đã phối hợp tốt với các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi sở tại làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại các thôn, làng nơi biên giới…
Trước khi phiên tòa lưu động diễn ra, Thẩm phán sẽ dành thời gian 30 đến 45 phút để tuyên truyền pháp luật đến với người dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện các hương ước, quy ước tại khu dân cư. Bên cạnh đó, Thẩm phán cùng Hội thẩm nhân dân chủ động lồng ghép để tuyên truyền phổ biến pháp luật các nội dung liên quan đến vụ án giúp người dân hiểu sâu, hiểu rõ, góp phần đấu tranh phòng ngừa tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân, đặc biệt là người dân vùng DTTS nơi biên giới.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hành – Chánh án TAND huyện biên giới Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), cho biết: Với nhiệm vụ chính trị được giao, thời gian qua, cán bộ TAND huyện đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân vùng DTTS và các xã biên giới Bờ Y, Saloong…, giúp người dân hiểu rõ pháp luật, phòng ngừa được âm mưu của các đối tượng xấu lợi dụng người dân vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và hàng cấm.
“Trong năm nay, TAND huyện đã tổ chức được 1 phiên tòa xét xử lưu động, 5 phiên tòa trực tuyến và tham gia tuyên truyền pháp luật tại các thôn làng ở xã Sa Loong. Các thẩm phán, cán bộ tòa án đã làm tốt nhiệm vụ được giao, đưa luật pháp đến với người dân, giúp dân nghe, dân hiểu, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật xảy ra trong vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS sinh sống”, ông Hành nói.
Theo số liệu từ TAND tỉnh Kon Tum, thời gian gần đây, tình hình tội phạm về ma túy tại tỉnh có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ án vận chuyển trái phép ma túy qua vùng biên giới (Việt Nam – Lào - Campuchia) có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, định lượng ma túy nhiều, các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi và lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân đồng bào DTTS để vận chuyển ma túy.
Trước thực trạng này, cấp ủy và chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo TAND tỉnh Kon Tum nhận thấy cần thiết phải đưa ra xét xử lưu động nhiều vụ liên quan đến ma túy tại các xã giáp biên giới, xã có đông người DTTS sinh sống nhằm tuyên truyền, phố biến pháp luật tới Nhân dân trên địa bàn.
Mới đây nhất, TAND thành phố Kon Tum đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” diễn ra tại Hội trường UBND xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum, thu hút được rất nhiều người dân đến tham gia phiên tòa.
Ông Ka Rô Chinh – Bí thư Đảng ủy xã Chư Hreng cho biết, việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương là hết sức thiết thực và cần thiết. Qua phiên tòa sẽ giúp bà con, thanh niên trong thôn làng hiểu biết được pháp luật, lấy mức án của các bị cáo để răn đe, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất việc người dân vi pháp pháp luật, đặc biệt là vi phạm về tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Tiến Tăng – Phó Chánh án TAND tỉnh Kon Tum cho biết, việc tuyên truyền pháp luật qua các phiên tòa lưu động đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, biện pháp thiết thực, hiệu quả.
“Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” tuyên truyền xuyên suốt thông qua phiên tòa và cùng chính quyền địa phương hướng dẫn, phổ biến pháp luật đã thu hút được sự quan tâm đông đảo bà con. Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của bà con vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là vùng biên giới. Qua đó, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương”, ông Tăng nói.