Theo HĐXX, không có căn cứ để thay đổi tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như từ tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Tham ô tài sản”.
Chiều ngày 9/2, TAND TP HCM đã tuyên bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP HCM) tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt cùng Bản án phúc thẩm số 02 ngày 7/01/2015 của Tòa phúc phẩm TANDTC tại TP HCM là mức án chung thân; bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank Chi nhánh TP HCM) mức án 7 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt cùng Bản án phúc thẩm số 02 ngày 7/01/2015 của Tòa phúc phẩm TANDTC tại TP HCM là 27 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Tuấn trách nhiệm liên đới cùng với bị cáo Huyền Như trả lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên 200.169.459.665 đồng của Công ty Hưng Yên. Bị cáo Huyền Như có trách nhiệm trả lại cho 4 công ty gồm: 170.350.000.000 đồng của Công ty An Lộc; 380.000.000.000 đồng của Công ty Phương Đông; 124.988.994.500 đồng của Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu; 209.971.126.369 đồng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya.
Các bị cáo Huyền Như và Anh Tuấn bị dẫn giải về trại giam
Trước đó, trong phần đối đáp lại quan điểm luận tội của đại diện VKS, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho bị cáo Huyền Như) cho rằng, qua quá trình điều tra giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vụ án, tài liệu điều tra đã có căn cứ xác định: Về bản chất hành vi phạm tội, quá trình phạm tội của Huyền Như từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội, giai đoạn phạm tội và giai đoạn kết thúc tội phạm, chiếm đoạt được tài sản, đủ căn cứ xác định hành vi Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 công ty, đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, hành vi này đã được xem xét trong bản án đã có hiệu lực pháp luật. Khi điều tra lại, CQĐT và VKS cho rằng không có căn cứ để thay đổi tội danh từ lừa đảo sang tham ô như bản án phúc thẩm đặt ra, vì 5 công ty có lỗi khi thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định của Nhà nước; không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản trong việc quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật của Như.
Do đó kết luận Như có ý thức chiếm đoạt ngay từ đầu đến khi tội phạm hoàn thành, nên hành vi của bị cáo Như chỉ là hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Từ đó, CQĐT đề nghị Viện KSNDTC có văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để xét xử lại từ giai đoạn phúc thẩm đối với Huyền Như hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của 5 công ty, và được Võ Anh Tuấn giúp sức chiếm đoạt 200 tỉ đồng của công ty Hưng Yên theo tội danh 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Vụ án được TAND TP.HCM thụ lý theo trình tự sơ thẩm và theo quy định của pháp luật, Toà án chỉ xem xét phần nội dung bị Tòa phúc thẩm TAND tuyên hủy để điều tra lại như trên. Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.HCM đã 2 lần trả hồ sơ làm rõ tội danh 'tham ô tài sản' với bị cáo này. Nhưng do không có căn cứ để thay đổi tội danh của Như từ tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' sang tội 'tham ô tài sản' như bản án phúc thẩm đặt ra. Vì vậy, luật sư Thi đề nghị HĐXX chấp thuận hoàn trả hồ sơ cho VKSNDTC kiến nghị cấp Giám đốc thẩm xem xét theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho Như) đồng quan điểm khi cho rằng, Huỳnh Thị Huyền Như bị truy tố, xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng tội. Bị cáo đã có hành vi gian dối, làm chứng từ giả để chiếm đoạt tài sản. Vì lãi suất vượt trần cao, các công ty đã làm theo sự sắp đặt của Huyền Như, tạo điều kiện cho bị cáo rút được tiền. Đây là hình thức cho thuê, cho mượn tài sản.
"Như là nạn nhân của tín dụng đen và bị cáo đã nhận ra hành vi sai trái. Bị cáo là mẹ đơn thân, sinh con trong trại giam. Hiện, con của bị cáo phải nương tựa bà ngoại. Mẹ Như đã già phải cưu mang con của bị cáo và cả con của chị gái Như, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt dưới mức đề nghị của VKSND”, luật sư Ngoan nói.
Đại diện VKSND TP HCM vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Theo đó, về mặt tội danh của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, vị đại diện cho rằng, Như lâm vào nợ nần. Trước sự khủng hoảng cá nhân, bị cáo đã nảy ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Bị cáo đã chuẩn bị trước (bàn bạc, con dấu giả, đưa ra các thông tin để nhiều người tin mình…). Đây chính là ý thức phạm tội của bị cáo. Sau đó, có chuỗi hành vi dẫn dụ các pháp nhân gửi tiền.
Như lợi dụng pháp nhân chứ không phải “dùng quyền” để chiếm đoạt tài sản. Các công ty không quan tâm đến tài sản của mình, đó là sơ hở để Như lợi dụng. Về tội danh, Như đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vietinbank không biết Như lừa dối các nguyên đơn dân sự. Ai chiếm đoạt thì phải có nghĩa vụ bồi hoàn. Ngoài ra bị cáo sử dụng dấu giả của Vietinbank CN Nhà Bè để làm giả hợp đồng.
Tại công ty SBBS, Bảo hiểm toàn cầu, việc ủy thác đầu tư dẫn đến thất thoát tài sản. Do đó, không có căn cứ để thay đổi tội danh của Huyền Như từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Tham ô tài sản” như Bản án phúc thẩm đặt ra.
Bị cáo Như nói lời sau cùng tại phiên tòa
Được nói lời sau cùng, Huyền Như nói rất ân hận về hành vi của mình. Bị cáo đã gây ra thiệt hại lớn cho các bị hại và ảnh hưởng đến uy tín Vietinbank. Bị cáo gửi lời xin lỗi lãnh đạo, và những anh chị em Vietinbank trong vụ án này. Như cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Võ Anh Tuấn vì Tuấn bị bị cáo lợi dụng.
Vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2 là một trong những vụ án kinh tế lớn trong lịch sử tố tụng Việt Nam với số tiền bị Như chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Bản án sơ thẩm nêu rõ: trong thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con con dấu của các đơn vị, công ty. Sau đó, Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của của tổ chức, cá nhân rồi chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4 ngàn tỷ đồng. Cùng bị tuyên án cùng vụ án với Huyền Như là 22 bị cáo khác, với mức án từ 1 năm án treo đến 20 năm tù giam. Sau bản án sơ thẩm, ngày 11/2/2014 Viện KSND tối cao đã có kháng nghị tăng hình phạt vì cho rằng, án sơ thẩm còn nhẹ chưa tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Huỳnh Thị Huyền Như ngày 9/2/2014 cũng có đơn kháng cáo xin được giải tỏa kê biên và trả lại cho mẹ bị cáo căn biệt thự H2 The Nam Hai thuộc khu Bắc Trà My (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 20 bị cáo trong vụ án cũng kháng cáo kêu oan, xin hưởng án treo, xem xét lại tội danh và hình phạt. 32 kháng cáo của 9 nguyên đơn dân sự và 23 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đề nghị tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/1/2015, HĐXX đã bác kháng cáo của Huyền Như về căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng. Bác kháng cáo của Ngân hàng ACB, NaviBank và VIB. Đối với 5 công ty là công ty Chứng khoán Toàn Cầu, Hưng Yên, An Lộc, SBBS và Phương Đông, tại bản án sơ thẩm đã tuyên Huyền Như trả số tiền cho 5 Cty này trên 1 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm cho rằng 5 công ty này giao dịch hợp pháp tại VietinBank, có cơ sở khẳng định bị cáo Huyền Như là người có chức vụ quyền hạn nên đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm điều tra lại. Sau đó VKS đã hoàn tất cáo trạng, chuyển Tòa xét xử theo trình tự sơ thẩm nội dung bị tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của nhóm 5 công ty kể trên (công ty CP chứng khoán SaigonBank Berjaya (210 tỷ đồng), công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (125 tỷ đồng), công ty An Lộc (170 tỷ đồng), công ty CP chứng khoán Phương Đông (380 tỷ đồng) và công ty Hưng Yên (hơn 200 tỷ đồng). VKS cho rằng Huỳnh Thị Huyền Như đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty nói trên. Tuy nhiên TAND TPHCM đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng Huỳnh Như tham ô tài sản như nói trên. Ngay sau khi nhận lại hồ sơ, Cơ quan điều tra đã tiếp tục điều tra và chuyển VKS truy cứu hành vi của Huyền Như là “Lừa đảo tài sản”. |