Ngày mai, 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ chính thức khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm với 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại tỉnh Phú Thọ liên quan đến 2 cựu tướng Công an.
Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ - Ngô Tố Dụng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, Tòa đã hoàn thành cơ sở vật chất, phòng xử án để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử sơ thẩm với các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại tỉnh Phú Thọ liên quan đến 2 cựu tướng Công an vào ngày mai.
Theo đó, dự kiến 7h30' ngày mai (12/11/2018), TAND tỉnh Phú Thọ sẽ khai mạc phiên sơ thẩm xét xử với Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng C50) và 90 đồng phạm về các tội: “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Khu vực làm việc của HĐXX và thư ký phiên tòa
Chánh án Ngô Tố Dụng cho biết, đây là vụ án có tính chất phức tạp và có số bị cáo đông kỷ lục được xét xử tại Phú Thọ. Do đó, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng xử án lưu động (tại trụ sở sân tòa) để chuẩn bị cho việc xét xử mất khoảng 60 ngày. Tòa cũng bố trí khoảng 120 băng ghế, chuẩn bị phòng xét xử tôn nghiêm để phục vụ hàng trăm người tham gia tố tụng.
Theo quan sát của phóng viên, khoảng sân rộng chừng 1.000 m2 nằm giữa ba tòa nhà xếp hình chữ U được lợp mái tôn sẽ là phòng xử án lưu động trong 20 ngày.
Lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ cũng cho biết thêm, việc bố trí phòng xử án phải tính đến phương án đảm bảo an ninh, trật tự bởi số người tham gia tố tụng rất đông và để phục vụ xét hỏi 92 bị cáo, HĐXX đã gửi giấy mời 73 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và ba điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ).
Toà bố trí khu vực để cho báo chí tác nghiệp. Ngoài ra, các phóng viên còn được bố trí một phòng rộng chừng 50 m2 với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ tác nghiệp. Ngoài ra, lối ra vào cũng được thiết kế giống ở phòng xét xử bình thường. Nền của sân được TAND tỉnh Phú Thọ trải nhựa như mặt đường.
Phòng xử được sắp xếp một cách khoa học và hợp lý
Ngoài ra, phía Viện KSND tỉnh Phú Thọ cũng phối hợp với Tòa để đặt hai màn hình lớn ở hai bên, mỗi cái rộng chừng 15 m2. Khu vực của HĐXX được trải thảm, hệ thống loa phóng thanh được trang bị đầy đủ.
Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cũng cho biết thêm, sức khoẻ các bị cáo đều ổn định để sẵn sàng tham dự phiên tòa sơ thẩm.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán - chủ tọa trong vụ án này là bà Nguyễn Thị Thùy Hương. Thẩm phán còn lại là ông Đỗ Ngọc Tuấn và ông Tạ Văn Thành được phân công thẩm phán dự khuyết và có 4 thư ký (trong đó có 2 dự khuyết). Đại diện Viện Kiểm sát gồm có 4 kiểm sát viên: Ông Lê Xuân Lộc, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Quang Hồng và bà Phạm Thị Bích Liên. Tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 30 luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa.
Theo đó, 92 bị cáo sẽ hầu tòa bao gồm: Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao - CNC), Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an), Phan Sào Nam (cựu Giám đốc CTCP VTC trực tuyến) cùng các đồng phạm.
Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là 2 cựu tướng Công an liên quan trong vụ án
Theo cáo trạng, vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao, có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được Nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen, các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại, theo đó đã lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến; Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là 9.853.227.342.109đ nên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.