Sáng nay (15/1), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm tiếp tục được diễn ra ở phần tranh tụng, đại diện Viện KSND đã trả lời câu hỏi của các luật sư đưa ra.
Theo đó, vị đại diện Viện KSND cho rằng tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV khai việc chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Chính phủ về phát huy nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đưa ngành dầu khí thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên Chính phủ không có bất cứ văn bản nào đồng ý cho PVN chỉ định thầu mà yêu cầu PVN lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực.
Nói về năng lực tài chính, để đánh giá tình hình tài chính PVC, đại diện Viện KSND cho rằng phải xét đến các chỉ số thanh toán, nguồn vốn đầu tư, trả nợ, không chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh. PVC đã bị áp lực trả nợ ngắn hạn, đến năm 2011 vẫn chưa thể trả nợ gốc cho PVN nhưng vay tiếp PVN 400 tỷ đồng để đầu tư vào công ty con.
Theo đó, Viện KSND cho rằng như vậy, ngay từ năm 2010 PVC đã gặp khó khăn về vốn. Sau khi tiền tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng từ Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc PVN chuyển về PVC đã bị các ngân hàng tự động thu nợ.
Từ đó, Viện KSND, khẳng định điều này cho thấy PVC gặp khó khăn về tài chính trong năm 2011.
Tiếp tục nói về kinh nghiệm của nhà thầu, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa nhận định: “PVC không đáp ứng kinh nghiệm của một nhà thầu, trong số các hợp đồng cung cấp không có hợp đồng thiết kế cho dự án, 2 hợp đồng liên quan đến Nhiệt điện là Vũng Áng và Nhơn Trạch 2, PVC chỉ thi công xây dựng, không làm hợp đồng thiết kế. Do đó việc đánh giá hồ sơ đáp ứng yêu cầu là không có cơ sở”.
Câu hỏi đặt ra là liệu có thể đưa PVC lên làm tổng thầu theo mục tiêu ưu tiên Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam?
Ngày 14/1/2011, Nguyễn Quốc Khánh ký quyết định thay đổi công nghệ của dự án. Ngày 28/2, PVC và PV Power ký HĐ 33 trong điều kiện thiếu một loạt căn cứ cần thiết. Nhiều nội dung trong HĐ không có thật. Ngày 13/5/2011, Nguyễn Quốc Khánh đã thay mặt PVN ký HĐ 4194 với PVC thực chất là chuyển đổi chủ đầu tư về PVN.
Do vậy, Viện KSND cho rằng Hợp đồng số 33 thực chất chỉ là “phù phép” để chuyển tiền về PVC.
Việc PVC thu hồi 1.240 tỷ đồng tính đến 13/9/2016 là thu hồi nội bộ tại PVC không liên quan đến số tiền PVN tạm ứng cho PVC. Trong thời hạn PVC tạm ứng tiền cho đến khi PVN có công văn thu hồi tiền tạm ứng, PVC đang chiếm dụng của PVN 1.115 tỷ đồng. Không có căn cứ nào cho rằng PVC đã thu hồi thừa tiền tạm ứng như các luật sư đã nêu.
Số tiền tạm ứng được PVC góp vốn vào các công ty con và thanh toán trả nợ ngân hàng.
Đại diện Viện KSND đối đáp tại phiên xử sáng nay. Ảnh: Hải Đăng
Nói về xác định thiệt hại hơn 119 tỷ đồng, đại diện Viện KSND cho rằng thiệt hại xảy ra từ 2011 - 2012, chủ đầu tư không thu hồi tiền tạm ứng do PVC chiếm dụng. Cơ sở tính thiệt hại bằng lãi tiền gửi ngân hàng, theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong vụ án này, việc xác định thiệt hại căn cứ vào khoản 3, Điều 608 là lợi ích gắn liền với thiệt hại.
Trong số tiền tạm ứng, tính đến ngày 30/8/2011, toàn bộ số tiền này đã không còn và bị sử dụng sai mục đích 1.100 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2011 chỉ sử dụng cho dự án 169 tỷ đồng, cả năm 2012 chỉ sử dụng khoảng 1,5 tỷ đồng cho dự án, chủ yếu là chi phí quản lý vì chưa có thiết kế kỹ thuật.
Như vậy, số tiền PVC chiếm dụng không có lãi tức là 1.115 tỷ đồng, trong khi vốn tạm ứng là vốn đầu tư phát triển của PVN. Do đó không có cơ sở để tạm ứng cho PVC trong điều kiện bình thường. Việc tính lãi suất theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn là hoàn toàn hợp lý. Viện KSND cho rằng số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng là có căn cứ.
Bên cạnh đó, đại diện Viện KSND cũng nhắc đến vấn đề xét theo các mối quan hệ cho thấy, Vũ Đức Thuận và Đinh La Thăng có vai trò quyết định trong việc về PVC và được cất nhắc để nắm giữ vị trí chủ chốt. Bị cáo Đinh La Thăng đã bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu của dự án. Qua đó cho thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm tại đây.
Đại diện Viện KSND trả lời các câu hỏi của Luật sư. Ảnh: Hải Đăng
Trước đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bị cáo Thăng không chỉ đạo nên không có lỗi. Tuy nhiên, trong phần đối đáp sáng nay, xét hành vi của bị cáo Đinh La Thăng, Viện KSND cho rằng: “PVN là Công ty TNHH MTV do Nhà nước thành lập, phải kinh doanh có lãi, bảo toàn vốn tại PVN và các doanh nghiệp khác. Đối với bị cáo Đinh La Thăng, CT HĐTV là sự lựa chọn chính xác của nhà nước, toàn bộ tài sản đều được nhân dân ủy thác cho bị cáo nhằm phát huy tài sản của người dân góp vào PVN. Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, các căn cứ pháp luật chứng minh bị cáo đã chỉ định thầu, ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin chỉ định thầu cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, gửi danh mục các dự án; từng bước tiếp cận để lựa chọn nhà thầu”.
Theo đó, cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trích dẫn lại lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận: PVC chưa từng làm tổng thầu cho dự án nào, chưa có kinh nghiệm. PVC là nhà thầu không đủ năng lực, chưa có kinh nghiệm.
Liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, các nội dung đều được đưa ra bàn bạc, các bị cáo đều khai làm theo chỉ đạo của Tập đoàn, của Chủ tịch HĐTV PVN. Tại các cuộc họp đều báo cáo khó khăn trong Hợp đồng số 33, các thành viên dự họp đều biết nhưng vẫn phải làm theo chỉ đạo của PVN. Vị đại diện Viện KSND nói: “Về việc đôn đốc, ép tiến độ, chỉ đạo các đơn vị, tôi thấy rất buồn khi trong vụ án này, cấp dưới thừa nhận sai phạm, cấp trên lại không thừa nhận".
Phiên tòa sẽ được làm việc trở lại vào 13h30' chiều nay.