Ngày 6/8, phiên tòa xét xử 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, tiếp tục với phần luận tội và đề nghị mức án của VKS TP. HCM.
Theo vị đại diện VKS, bị cáo Trần Kỳ Hình bị đề nghị 18-19 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt đề nghị từ 23-25 năm tù.
Với vị trí là Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam nên bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án về những sai phạm xảy ra tại Cục đăng kiểm, phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm. Từ đó bị cáo này bị VKS đề nghị mức án 20 năm về tội “Nhận hối lộ”.
Còn bị cáo Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị đề nghị 4-5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Trần Lập Nghĩa (Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm 62-03D - Long An; 71-02D - Bến Tre; 83-02D - Sóc Trăng) bị đề nghị mức án từ 28-30 năm tù về ba tội: “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” và “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.
Theo cáo trạng, trong số các trung tâm đăng kiểm thuộc khối D (tư nhân), bị cáo Trần Lập Nghĩa sở hữu nhiều trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh thành như Trung tâm Đăng kiểm 62-03D tại tỉnh Long An, 71-02D tại tỉnh Bến Tre, 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng(ngoài ra còn Trung tâm 84-02D tại tỉnh Trà Vinh và 66-02D tại tỉnh Đồng Tháp.
Bị cáo Nghĩa là người chỉ đạo, điều hành toàn bộ Ban giám đốc, đăng kiểm viên và nhân viên tại các trung tâm, là người hưởng lợi toàn bộ lợi nhuận từ các trung tâm và thụ hưởng toàn bộ số tiền do phạm tội mà có.
Bị cáo này chỉ thuê người lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Nghĩa và được hưởng lương định kỳ. Quá trình hoạt động, vì hưởng lợi, Nghĩa đã chỉ đạo nhân viên thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật.
Cụ thể, Nghĩa chỉ đạo lãnh đạo, Đăng kiểm viên và nhân viên các Trung tâm 62-03D và 83-02D nhận hối lộ với tổng số tiền là 1,66 tỉ đồng, nhận số tiền 350 triệu đồng là tiền của bị cáo Lê Thị Diễm Mi (nhân viên của Nghĩa) thu của các phương tiện đến đăng kiểm đưa hối lộ, nên tổng số tiền Trần Lập Nghĩa hưởng lợi là 2,01 tỉ đồng.
Ngoài hành vi nhận hối lộ bị cáo này còn phải chịu trách nhiệm đối với 975 chữ ký giả Đăng kiểm viên, từ đó các Trung tâm đã cấp 45.045 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ thu lợi bất chính 12,7 tỉ đồng; đồng thời chịu trách nhiệm đối với hành vi sử dụng phần mềm FORM1 (MDO.exe) để chỉnh sửa thông số, dữ liệu đăng kiểm.
Bị cáo Trần Anh Quân (Trưởng phòng VAR) bị đề nghị mức án 17-18 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Theo đại diện VKS, thời điểm này một số đăng kiểm viên được phân công thẩm định hồ sơ thiết kế gặp Quân báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.
Từ tháng 3/2019 đến cuối tháng 9/2022 Quân đã tham gia bàn bạc, thống nhất chủ trương nhận tiền hối lộ, chia tiền hối lộ với 12 đăng kiểm viên trong phòng VAR.
Hàng tháng, các đăng kiểm viên sẽ giao cho Quân 700 nghìn đồng/hồ sơ, gồm: Phần của Quân, phần tiếp khách và chi cho lãnh đạo cục là Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà. Như vậy, vào khoảng thời gian này, mỗi tháng Quân chia cho Trần Kỳ Hình 60 triệu đồng (tổng cộng 1,6 tỷ), Đặng Việt Hà 20 triệu đồng.
Đại diện VKS đang tiếp tục đề nghị mức án đối với các bị cáo khác trong vụ án.