Sáng 24/7, TAND TP. HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm, 11 Trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM, và 3 Trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo thuộc nhóm lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới (phòng VAR) đã tham gia xét hỏi nhóm các bị cáo này. Tiếp đó, HĐXX xét hỏi nhóm các bị cáo thuộc 5 Trung tâm đăng kiểm của Trần Lập Nghĩa.
Ngoại trừ bị cáo Đặng Việt Hà, tất cả các bị cáo còn lại khi xét hỏi đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.
Theo đó, tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đặng Việt Hà, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu nhưng phủ nhận cáo buộc phạm tội và nêu nhiều dẫn chứng về nỗ lực phòng, chống tiêu cực trong ngành thời điểm bị cáo còn làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm.
Cụ thể, số tiền hơn 40 tỉ đồng mà cáo trạng cáo buộc bị cáo Hà chịu trách nhiệm chung trong vụ án này, bị cáo Hà bày tỏ không đồng ý. Bị cáo cho rằng, không chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ, điều này đã khẳng định tại cơ quan điều tra thế nhưng vẫn bị buộc tội.
Về cuộc họp với các lãnh đạo Phòng VAR, bị cáo Hà thừa nhận có tổ chức họp mặt sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục Đăng kiểm. Tuy nhiên, bị cáo không thừa nhận các tiêu cực như cáo buộc.
Bị cáo khai rằng, bị cáo nhận thức được mình người đứng đầu và chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động của Cục, nhất là những vấn đề phòng, chống tham nhũng. Bị cáo không hề có đòi hỏi cũng không đưa ra một mức nào về quyền lợi của bị cáo như cáo trạng đã truy tố.
Bị cáo Hà nại rằng, để thể hiện trách nhiệm trong việc phòng, chống sai phạm trong ngành đăng kiểm, bị cáo đã thiết lập các đường dây nóng, có lịch tiếp công dân hàng tuần để nhận tất cả những phản ánh của người dân về các hiện tượng tiêu cực.
Bên cạnh đó, bị cáo đã phổ biến toàn bộ Nghị quyết và các Chỉ thị của Đảng về phòng, chống tham nhũng, việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành giao thông vận tải...
Bị cáo còn chỉ đạo xây dựng hệ thống phần mềm, cải cách và sửa đổi phần mềm kiểm định xe cơ giới nhằm bịt những lỗ hổng về an ninh, đảm bảo về an toàn thông tin, vừa giúp cho doanh nghiệp vừa chống tiêu cực trong số liệu, đặc biệt là mảng đăng kiểm xe cơ giới.
Bị cáo Hà cho biết, Cục Đăng kiểm đã cung cấp toàn bộ các cơ sở dữ liệu này cho Cục CSGT để phục vụ cho tuần tra, kiểm soát và 63 Sở Giao thông vận tải trên toàn quốc để cùng hỗ trợ, giám sát việc chống tiêu cực ở các Trung tâm đăng kiểm địa phương.
Theo cáo trạng, bị cáo Đặng Việt Hà chịu trách nhiệm về hành vi "Nhận hối lộ" với tổng số tiền là hơn 40 tỉ đồng, trong đó, cá nhân ông Hà hưởng lợi số tiền 8,5 tỉ đồng.
Theo đó, từ tháng 8/2021, Trần Kỳ Hình nghỉ hưu và Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng. Trong cuộc họp với lãnh đạo Phòng VAR, Đặng Việt Hà đã yêu cầu Phòng VAR hàng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, với mục đích phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất. Quân và những người tham gia trong cuộc họp đều hiểu rằng khi nhận tiền trong quá trình thẩm định thiết kế thì phải chia cho Hà tỷ lệ cao nhất.
Sau cuộc họp trên, Trần Anh Quân gặp và hội ý với Nguyễn Đức Toàn, Đặng Trần Khanh, Trịnh Bình Dương về yêu cầu của Đặng Việt Hà và thống nhất mảng thẩm định thiết kế do Quân phụ trách nên Quân đã triệu tập tất cả các Đăng kiểm viên để bàn bạc và cùng thống nhất cách thức chia tiền theo tỷ lệ như sau: Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ, Trần Anh Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các Phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ, đưa vào quỹ ngoại giao 140.000 đồng/hồ sơ, cho các nhân viên văn phòng mỗi người 40.000 đồng/hồ sơ. Số tiền còn lại Đăng kiểm viên được hưởng.
Sau khi thống nhất chủ trương, quy ước chia tiền nêu trên, các bị cáo đã triển khai và đều đặn đưa hối lộ cho Cục trưởng Đặng Việt Hà đến lúc bị bắt.