Xét xử các bị cáo trong đường dây làm giả thuốc tân dược

Phong Vân| 28/02/2023 16:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 28/2, TAND TP.HCM đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, ngụ tại Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (SN 1960, ngụ tại TP.HCM) cùng 7 năm tù; Nguyễn Thị Kim Tuyến (SN 1971, ngụ tại TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH In Hải Âu) 2 năm 6 tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Đồng thời phạt bổ sung các bị cáo từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

HĐXX cho rằng hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, hành vi các bị cáo có tính chất đồng phạm, trong đó Thuận có vai trò cầm đầu.

Sáng 20/8/2021, Nguyễn Đức Thuận chở 150 hộp thuốc tân dược, giả nhãn hiệu Terpincodein của công ty USA-NIC Pharmaceutical (Lô 11D, đường C, KCN Tân Tạo, TP.HCM) đi tiêu thụ, bị Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM phát hiện bắt quả tang, thu giữ tang vật và phương tiện.

Cơ quan chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Đức Thuận, tại địa chỉ số 63/14/19 Lê Văn Sỹ, phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM, thu giữ 100 vỉ Neo-Codien; 200 viên thuốc thành phẩm nhãn hiệu Fugacar; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu; 05 lọ thuốc thành phẩm chứa viên nang, nhãn hiệu Dianfagic; 50kg vô hộp, tem, hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc Terneurine H.500, Neutrivit 5000, Fugacar, Vincozyn, Neo-Tergynan, Tanganil 500mg, Neo-Codion, Dianfagic, Terpincodein; 02 máy ép nhiệt, 01 máy đóng date, 03 cây son, 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu.

Tiếp tục khám xét khẩn cấp tại nhà của Dương Quốc Chính, địa chỉ số 231/40A5 Lưu Hữu Phước, Phường 15, Quận 8, TP.HCM, Cơ quan CSĐT thu giữ 40 hộp (loại 2 vi X 10 viên/hộp) thuộc thành phẩm nhãn hiệu Neo- Codion; 36 hộp (loại 10 vi X 4 viên/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Efferalgan Codeine; 30 hộp (loại 2 vi X 7 viên/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Augmentin; 150 hộp (loại 10 viên/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Zinnat Tablets 500mg; 250 hộp (loại 06 ống/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Laroscorbine; 45 hộp (loại 01 viên/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Fugacar; 495 hộp (loại 12 ống/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Becozyme; 30 hộp (loại 30 viên/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Coversyl; 95 hộp (loại 04 ống/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệuTerneurine; 1335hộp thuốc thành phẩm nhãn hiệu Vitamin C Kabi; 990 hộp (loại 12 ống/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Vincozyn Plus, 30 hộp (loại 20 viên/hộp) thuốc thành phẩm nhãn hiệu Solupred; 2,5kg vỏ hộp thuốc nhãn hiệu Fugacar; 03kg vỏ hộp thuốc nhãn hiệu Becozyme; 01 kg vỏ hộp thuốc nhãn hiệu Neo-Codien; 01kg vỏ hộp thuốc nhãn hiệu Laroscorbine; 01kg vỉ nhựa; 01 chậu nhựa và 01 cái chăn dùng để sản xuất thuốc tân dược giả.

Xét xử các bị cáo trong đường dây làm giả thuốc tân dược

Các bị cáo Nguyễn Thị Kim Tuyến, Nguyễn Đức Thuận và Dương Quốc Chính tại tòa

Khám xét khẩn cấp nơi sản xuất in bao bì nhãn mác của Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc TNHH In Công ty Hải Âu (số 4, đường Bàu Cát 8, phường 14, quận Tân Bình) thu giữ 01 ổ cứng (CPU) máy vi tính; 05 tem nhãn hiệu có tên Terpincodein; 04 tem nhãn hiệu có tên Dianfagic; 90 tem nhãn hiệu có tên Becozyme F0965; 60 tem nhãn hiệu có tên Becozyme F1142; 30 tem nhãn hiệu có tên Laroscorbine; 01 vỏ hộp có nhãn hiệu Becozyme. Đồng thời, Nguyễn Thị Kim Tuyến tự nguyện giao nộp một ổ cứng máy vi tính (CPU) có chứa dữ liệu liên quan đến việc in ấn bao bì cho Nguyễn Đức Thuận.

CQĐT xác định, Nguyễn Đức Thuận là người tổ chức, đặt mua thuốc trôi nổi, đặt in bao bì, tem, nhãn mác của Tuyến, sau đó trực tiếp và thuê Dương Quốc Chính sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh gồm 150 lọ thuốc thành phẩm giả nhãn hiệu Terpincodein, trị giá hơn 8,2 triệu đồng; 05 lọ thuốc thành phẩm chứa viên nang giả nhãn hiệu Dianfagic, hơn 341.000  đồng; 250 hộp thuốc thành phẩm giả nhãn hiệu Laroscorbine, trị giá hơn 41 triệu đồng; 245 hộp (loại 01 viên/hộp) thuốc thành phẩm giả nhãn hiệu Fugacar, trị giá hơn 4,6 triệu đồng. Tổng cộng gần 55 triệu đồng, thu lợi bất chính cho cá nhân và đồng phạm. Nguyễn Đức Thuận với vai trò chủ mưu, chịu trách nhiệm chính.

Đối với Dương Quốc Chính, đã có hành vi bóc, tách nhãn hiệu của Công ty CP Fresenins Kabi Việt Nam, dán nhãn của Công ty Bayer để tạo thành thuốc thành phẩm, thực hiện gia công, sản xuất, bảo quản thuốc thành phẩm, bao bì các nhãn hiệu thuốc giả cho Nguyễn Đức Thuận và đối tượng Trần Văn Vũ, gồm 250 hộp (loại 06 ống/hộp) thuốc thành phẩm giả nhãn hiệu Laroscorbine trị giá hơn 41 triệu đồng; 45 hộp (loại 01 viên/hộp) thuốc thành phẩm giả nhãn hiệu Fugacar, trị giá hơn 847 ngàn đồng; 495 hộp (loại 12 ống/hộp) thuốc thành phẩm giả nhãn hiệu Becozyme, trị giá hơn 89 triệu đồng; 40 hộp thuốc thành phẩm giả nhãn hiệu Neo-Codion, trị giá 4,6 triệu đồng; 150 hộp thuốc giả nhãn hiệu Zinnat Table 500mg, trị giá gần 34 triệu đồng. Tổng cộng là 170,3 triệu đồng, Chính phạm tội với vai giúp sức cho Nguyễn Đức Thuận.

Đối với Nguyễn Thị Kim Tuyến, trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021 đã có hành vi trực tiếp giao dịch liên hệ với Nguyễn Đức Thuận về việc đặt, giao nhận hàng; thực hiện việc in, cung cấp bao bì, tem, vỏ hộp nhãn hiệu Dianfagic, Terpincodein, Laroscorbine, Becozyme; không ký hợp đồng, không xuất hóa đơn theo quy định; Vi phạm Điều 21, Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính Phủ đối với việc in bao bì, nhãn, sản phẩm hàng hóa là dược phẩm, hóa dược, thuốc chữa bệnh là cần phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, được cơ quan quản lý Nhà nước về y tế có thẩm quyền cấp phép. Hành vi của Tuyến phạm tội với vai giúp sức cho Nguyễn Đức Thuận, thu lợi bất chính 10,5 triệu đồng.

Đối với Trần Văn Vũ, do chưa xác định được nơi cư trú để ghi lời khai, làm rõ hành vi sản xuất buôn bán hàng giả liên quan đến Dương Quốc Chính, vì vậy, CQĐT tách hành vi của Trần Văn Vũ để tiếp tục xác minh, xử lý khi đủ căn cứ theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử các bị cáo trong đường dây làm giả thuốc tân dược