Môi trường

Xe chở đất 'tung hoành' khiến người dân bất an

Minh Quân 28/06/2024 - 14:46

Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe tải “khủng” chở đất từ mỏ đất Tân Lập đổ ra các tuyến đường dân sinh ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) khiến đường bể nát, ô nhiễm môi trường. Người dân sống cạnh bất an khi nguy cơ tai nạn rình rập, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thời gian gần đây, người dân ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) “kiêu trời” khi mỗi ngày phải chứng kiến hàng trăm lượt xe tải chở đất (loại 3 chân, 4 chân) liên tục thay nhau “cày ải” trên tuyến đường dân sinh và tuyến DH51 từ xã Hành Nhân đi huyện Minh Long (Quảng Ngãi), khiến tuyến đường bể nát, ổ voi ổ gà xuất hiện dày đặc, bụi bay mù mịt, cuộc sống của người dân bị đảo lộn và bất an mỗi khi ra đường.

2(4).jpg
Xe tải nặng chở đất từ mỏ Tân Lập ra chiếm trọn lòng đường, khiến người dân đi lại bất an

Theo người dân, trước đây nhu cầu sử dụng đất ít nên tình trạng xe chở đất từ mỏ Tân Lập (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) cũng ít, đa phần là xe tải nhỏ. Tuy nhiên, trong khoảng gần 1 năm trở lại đây, do nhu cầu cần đất để phục vụ các công trình trên địa bàn, nên mỗi ngày người dân nơi đây phải chứng kiến hàng trăm lượt xe tải nặng chạy liên tục.

Cũng theo người dân thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân cho biết, kể từ khi dàn xe khủng xuất hiện khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, việc tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Bởi hàng ngày dàn xe liên tục nối đuôi nhau chạy với tốc độ cao, bóp còi inh ỏi, đất cát vương vãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể đến dàn xe tải trọng lớn, hoạt động với tần suất cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của các tuyến đường mà đoàn xe ngang qua.

3(6).jpg
Xe tải chở đất nối đuôi nhau từ mỏ Tân Lập ra đường dân sinh

“Mỗi ngày chúng tôi phải chứng kiến cả đoàn xe có khi lên đến gần 20 chiếc nối đuôi nhau liên tục chạy qua, lại, bụi bay mù mịt, có khi cả ngày chúng tôi phải đóng kín cửa từ sáng sớm cho đến chiều tối. Đáng nói tài xế những xe tải này chạy rất ẩu, tranh nhau vượt vô tội vạ, mỗi khi ra đường gặp xe này, chúng tôi phải dừng hẳn lại để họ đi qua xong mới dám lưu thông”.

6(2).jpg
Bất lực người dân đành phải mang vật cản để trước mặt nhà để hạn chế tốc độ xe tải chở đất

“Nhiều đoạn quanh co, che khuất tầm nhìn, dàn xe tải trọng lớn lại chạy nườm nượp khiến người dân vô cùng lo lắng, bất an, vì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngày nắng cả tuyến đường bụi bay mù mịt, những lúc mưa gió đường nhão nhoét, việc đi lại hết sức khó khăn, bất tiện”, một người dân bức xúc phản ánh.

Để tìm hiểu những phản ánh từ người dân, ngày 27/6, chúng tôi có mặt tại tuyến đường DH51 chạy vào mỏ đất Tân Lập (thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành). Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tuyến đường nhỏ hẹp, hai bên là dân lại phải gánh hàng trăm lượt xe tải có tải trọng trên dưới 20 tấn thay nhau “cày ải”.

8(1).jpg
Mỗi ngày người dân ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân phải chứng kiến hàng trăm lượt xe tải chở đất "tung hoành" khiến người dân nơm nớp lo sợ

Tại mỏ đất Tân Lập, có thời điểm lên đến khoảng 30 đến 40 chiếc xe tải đứng chờ để được múc đất lên thùng đưa đến nơi san lấp, bên trong mỏ có nhiều chiếc xe máy múc đang hoạt động hết công suất.

Dọc theo tuyến đường xe tải này đi qua là hình ảnh những tấm biển tạm bợ cắt từ thùng carton với những dòng chữ "đề nghị chạy chậm", "xe tải nên chạy chậm", "chạy chậm"… được người dân dán trước cổng nhà sát bên lề đường, như thể hiện sự bất lực trước tình trạng dàn xe này đua nhau tranh chuyến.

4(4).jpg
Cao điểm mỏ đất Tân Lập lên đến 40 đến 50 chiếc xe tải chờ để múc đất lên thùng đưa đi tiêu thụ

“Chúng tôi liên tục phản ánh tình trạng xe chở đất chạy nhanh, vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân và gây hư hỏng mặt đường lên chính quyền địa phương, nhưng tình trạng này không được cải thiện”, một người dân cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Báo Công lý, ông Trịnh Xuân Dũng - Chủ tịch UBND xã Hành Nhân thừa nhận, tình trạng xe chở đất đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân và chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần mời chủ mỏ đất Tân Lập và đơn vị vận tải lên làm việc, nhưng rồi đâu lại vào đấy.

5(2).jpg
Đoàn xe nối đuôi nhau vào mỏ đất

“Khi có phản ánh từ người dân, chúng tôi đã mời các đơn vị liên quan như công ty Phú Điền (Đơn vị chủ mỏ đất - PV) và các đơn vị vận tải đến làm việc, nhưng họ lại đổ lỗi cho nhau. Khi yêu cầu căng lắm họ mới dùng xe tưới nước đường cho khỏi bụi, chứ trước kia đoạn nào có nhà dân thì họ tưới cho có như kiểu nước mắm chan cơm”, ông Dũng thông tin.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỏ đất Tân Lập được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp không qua đấu giá cho Công ty TNHH Phú Điền vào tháng 1/2020, với diện tích 11,87ha, trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác là 796.651m3, công suất khai thác 190.000m3/năm, mức sâu khai thác thấp nhất đến Cos +27m, trong thời hạn 4,5 năm kể từ ngày được cấp phép.

7(1).jpg
Mỏ đất Tân Lập đã từng bị Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xử phạt số tiền lên đến 238 triệu do hàng loạt vi phạm

Ban đầu, địa chỉ chế biến, tiêu thụ sản phẩm của mỏ đất này là Khu dân cư Nghĩa Điền, Khu nghỉ dưỡng Bãi Dừa (phần mở rộng) và cung cấp nguyên liệu cho hai nhà máy sản xuất gạch tuynel Phú Điền 1 và Phú Điền 2. Tất cả những dự án, cơ sở sản xuất vật liệu này đều do Công ty TNHH Phú Điền làm chủ.

Đến tháng 1/2023, mỏ đất này được UBND tỉnh Quảng Ngãi bổ sung Phụ lục 3, để cung cấp đất san lấp cho tuyến chính cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và 23 khu tái định cư phục vụ dự án.

Vừa qua, cũng từ mỏ đất Tân Lập, Công ty TNHH Phú Điền đã bị chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xử phạt với số tiền lên đến 238 triệu đồng. Lý do, công ty này đã thực hiện 4 hành vi vi phạm gồm: Không lập hoặc không cập nhật bản đồ hiện trạng hoặc mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác quá 6 tháng theo quy định. Không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác.

Đồng thời, doanh nghiệp này lập báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản nhưng nội dung không đầy đủ thông tin theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định. Cùng với đó là không lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe chở đất 'tung hoành' khiến người dân bất an