Ngày 22/10, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã làm việc với TANDTC về một số vấn đề giải quyết khiếu nại hành chính có liên quan đến Tòa án.
Đoàn công tác có đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Lê Thế Hào, Lê Thị Thủy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và đại diện các đơn vị chức năng của Thanh tra Chính phủ. Về phía TANDTC có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TANDTC; đại diện lãnh đạo Tòa Hình sự, Dân sự, Hành chính, Ban Thư ký, Ban Thanh tra, Viện Khoa học xét xử, Vụ Kế hoạch - Tài chính TANDTC…
Giải quyết khiếu nại hành chính có liên quan đến Tòa án
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì năm 2013 và quý I năm 2014, đã có 900 lượt công dân đến trụ sở Thanh tra Chính phủ khiếu nại liên quan đến Tòa án, trong đó chủ yếu là khiếu nại về việc không nhất trí với nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Nội dung khiếu nại hành chính có liên quan đến Tòa án phần lớn là các vụ việc có nội dung khiếu nại về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất; tranh chấp, đòi lại đất đai, nhà ở, cơ sở tôn giáo… mà cơ quan hành chính đã thụ lý và giải quyết, nay hướng dẫn công dân khởi kiện ra Tòa án. Hiện nay, có 125 vụ việc khiếu nại có liên quan đến trách nhiệm của TAND các cấp; trong đó có 55 vụ việc khiếu nại đã được cơ quan hành chính giải quyết, nay công dân không đồng ý và tiếp tục khởi kiện ra Tòa án; có 70 vụ việc công dân khởi kiện ra Tòa án và Tòa án đã thụ lý để xét xử, nhưng công dân vẫn khiếu nại đến cơ quan hành chính.
Còn theo báo cáo của TANDTC thì Ban Thanh tra TANDTC được Chánh án TANDTC giao chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân tại trụ sở để tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo nộp trực tiếp tại Tòa án; thanh tra giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức Tòa án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phẩm chất đạo đức; thanh tra kiểm tra công tác xét xử, thi hành án hình sự… Vì vậy, việc khiếu nại đối với các bản án, quyết định của TAND do các Tòa chuyên trách của TANDTC giải quyết theo thẩm quyền. Đối với các đơn vừa có khiếu nại, vừa có tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức mà thuộc trách nhiệm giải quyết của Ban Thanh tra thì sau khi các Tòa chuyên trách giải quyết dứt điểm thì chuyển các tài liệu liên quan để Ban Thanh tra xem xét giải quyết tiếp. Ban Thanh tra đã kiểm tra thấy chưa nhận được trường hợp nào tố cáo cán bộ, công chức của Tòa án có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quá trình giải quyết vụ án hành chính do Thanh tra Chính phủ chuyển đến. Đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo (Thanh tra Chính phủ đã thống kê) chưa thể hiện cụ thể về nội dung khiếu nại nên chưa thể xác định trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết đối với từng vụ việc (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước khác). Do đó, TANDTC đề nghị Thanh tra Chính phủ cần thống kê lại theo từng nội dung khiếu nại để phân loại các trường hợp tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức Tòa án để giao cho Ban Thanh tra TANDTC xem xét, giải quyết. Các khiếu nại theo thủ tục tố tụng sẽ do Tòa Hành chính TANDTC hoặc TAND các cấp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Những vướng mắc trong quá trình giải quyết
Hiện tại, các vụ việc khiếu nại đã được cơ quan hành chính giải quyết hết thẩm quyền, nay công dân tiếp tục khiếu nại đến cơ quan hành chính và khởi kiện tại Tòa án nhưng phần lớn các vụ việc này đã hết thời hiệu khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính nên Tòa án không thụ lý. Việc cơ quan hành chính không giải quyết hay Tòa án không thụ lý giải quyết là đúng pháp luật, nhưng có vụ việc công dân không hiểu nên tiếp tục khiếu kiện kéo dài đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì buổi làm việc
Mặt khác, một số quy định của pháp luật còn bất cập, không thống nhất, cụ thể là Điều 42 Luật Khiếu nại quy định: “Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 37 của Luật này mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn Tòa án chỉ thụ lý đối với: “Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính được hướng dẫn tại điểm a khoản này”. Trên thực tế, nhiều vụ việc có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của UBND cấp tỉnh có nội dung thống nhất với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND huyện (không có sửa đổi, bổ sung, thay thế hay hủy bỏ quyết định giải quyết lần đầu). Khi công dân không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, nhưng Tòa án sẽ không thụ lý vì không thuộc trường hợp được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Ngoài ra, khi công dân khởi kiện về nội dung của quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước (như quyết định thu hồi đất, bồi thường…) ra Tòa Hành chính và đã được Tòa án thụ lý để xét xử. Trong một số trường hợp, Tòa án tuyên hủy quyết định của cơ quan hành chính vì không đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục (xem xét về hình thức) mà không xem xét và tuyên xử gì về nội dung quyết định của cơ quan hành chính. Việc này dẫn đến khi thực hiện bản án, cơ quan hành chính chỉ sửa về hình thức chứ không sửa về nội dung của quyết định. Chính vì vậy, công dân hiểu là quyết định hành chính sai về nội dung, nên không chấp hành quyết định sau đó của cơ quan hành chính, đồng thời vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài.
Xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan
Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Về điểm b khoản 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo Viện Khoa học xét xử TANDTC trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn bổ sung. Vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, TANDTC đang tiến hành tổng kết thực hiện Luật Tố tụng hành chính.
Ngoài ra, để TANDTC và Thanh tra Chính phủ làm tốt chức trách của mình, Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị TANDTC và Thanh tra Chính phủ xây dựng quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, hướng dẫn công dân khiếu nại, khởi kiện, xử lý đơn thư. Theo đó, TANDTC có thể cung cấp số liệu hàng tháng hàng quý và trao đổi thông tin xây dựng dữ liệu; trên cơ sở đó có thể trao đổi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong lĩnh vực tiếp công dân, hai bên cần hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định; trong đó, Tòa án có trách nhiệm hướng dẫn công dân đến trụ sở tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ để giải quyết theo thẩm quyền và ngược lại, đồng thời thực hiện việc chuyển đơn cho nhau để giải quyết đúng quy định. Bên cạnh đó, Báo Công lý (cơ quan của TANDTC) và Báo Thanh tra (cơ quan của Thanh tra Chính phủ) cần có sự phối hợp để tuyên truyền việc giải quyết đơn thư của TANDTC và Thanh tra Chính phủ. Cổng thông tin TANDTC và Cổng thông tin Thanh tra Chính phủ cần mở các chuyên mục trao đổi, hỏi đáp trực tuyến để công dân biết được vụ việc của mình sẽ được giải quyết ra sao…
Kết luận buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhất trí với việc TANDTC cùng Thanh tra Chính phủ xây dựng quy chế phối hợp công tác trong tiếp công dân, hướng dẫn công dân khiếu nại, khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền; phối hợp cung cấp, trao đổi các thông tin về các vụ việc, vụ án khiếu nại hành chính; phối hợp trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng. Dựa trên quy chế này, hai cơ quan sẽ có thêm cơ sở để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình giải quyết các khiếu nại hành chính có liên quan đến Tòa án.