Một trong những nguyên tắc quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta là đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác gắn liền với nguyên tắc tự chủ kinh tế. Sự phụ thuộc lớn vào một vài thị trường nhất định đều có nguy cơ rủi ro.
Xây dựng ý thức tự chủ về kinh tế
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng gia tăng, các nước trên thế giới đều rất coi trọng đến khả năng độc lập tự chủ về kinh tế nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc trong cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt và để xác lập một vị thế chính trị nhất định trên trường quốc tế.
Tự chủ kinh tế có quan hệ biện chứng với tự chủ về chính trị, văn hóa, xã hội và các vấn đề khác, củng cố sự độc lập, tự chủ và sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Sự phụ thuộc một chiều, quá lớn và kéo dài vào dòng hàng nhập siêu từ một số nước, dù với cơ cấu và lý do nào, đều ẩn chứa những yếu tố không bình thường, làm tăng độ rủi ro và tính dễ tổn thương của nền kinh tế, thậm chí có thể bị áp đặt những điều kiện kinh tế, chính trị, gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc.
Về bản chất, tự chủ kinh tế ngày nay không có nghĩa là duy trì hoặc tăng tính tự cung, tự cấp và tự mình “làm tất - ăn cả”, bất chấp hiệu quả kinh tế; mà ngược lại, mỗi quốc gia và doanh nghiệp cần tích cực tham gia quá trình phân công và hợp tác lao động quốc tế, dựa trên các lợi thế so sánh phù hợp từng giai đoạn và bối cảnh lịch sử; tham gia đảm nhận ngày càng nhiều và vững chắc hơn những công đoạn có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu và hiệu quả lớn trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đồng thời, ngày càng tiếp cận và hài hòa các yêu cầu chuẩn chung về môi trường, quản trị chất lượng sản phẩm và bảo đảm điều kiện kinh doanh công bằng khác.
Ngành dệt may đang đạt mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm
Quá trình chủ động hội nhập trong thời gian qua là một lợi thế trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ. Các đối tác lớn đều quan tâm đến Việt Nam và rất nhiều khối kinh tế, kể cả Liên hiệp châu Âu (EU), các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều muốn đàm phán và thỏa thuận các hiệp định hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Việc củng cố được nội lực và đưa nền kinh tế phát triển đang được Chính phủ quan tâm hơn bao giờ hết. Gần đây nhất, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg (ngày 14/6/2014), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, ngành và địa phương cần tính đến các nhân tố gây căng thẳng và bất ổn khu vực khi xây dựng các kịch bản kế hoạch phát triển cho thời gian tới, với mục tiêu tăng cường hơn nữa tính tự chủ về kinh tế và giảm thiểu các thiệt hại do phụ thuộc quá nhiều và một chiều vào một thị trường, một đối tác…
Tự chủ trong cuộc chơi đa phương
Khi bàn về vấn đề tránh rủi ro trong phát triển kinh tế nếu quá phụ thuộc vào một số thị trường (tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” diễn ra ngày 3/7/2014 tại Hà Nội), TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập sâu rộng, bằng cách xây dựng những khung pháp lý toàn diện gắn với sự uyển chuyển của cơ chế thị trường. Ngoài việc linh hoạt chuyển hướng trên thị trường quốc tế, chủ động tìm nguồn cung và thị trường xuất khẩu mới, Việt Nam nên đẩy nhanh quá trình ký kết các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Việt Nam - EU và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay và năm sau.
Để tránh bị phụ thuộc lớn vào một thị trường, một đối tác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất, chính sách nhập khẩu cần phải cân đối tỷ lệ từ 8% - 10% đối với kim ngạch xuất/nhập khẩu của từng nước, điều này nhằm tạo ra các đối trọng trong các mối quan hệ thương mại quốc tế. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong kiến nghị giải pháp hạn chế nhập siêu cũng như giảm ảnh hưởng nhập khẩu từ một vài thị trường lớn. Chiến lược tổng thể và dài hơi cần được xác định là ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và có chính sách hợp lý đối với xuất/nhập khẩu qua đường biên mậu để gia tăng hoạt động chính ngạch.
Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân thông qua việc sử dụng hàng nội, đồng thời thúc đẩy hun đúc ý chí vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.
Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần có kế hoạch khai phá thị trường mới, tận dụng lợi thế của những thị trường đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu. Về lâu dài, doanh nghiệp trong nước cần tìm cách để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, cần nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm và hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
Lấy ví dụ về ngành dệt may, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, song vẫn chủ yếu nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Ngành dệt may lâu nay đặt mục tiêu tăng nội địa hóa bằng cách kêu gọi đầu tư vào những ngành đang yếu như dệt, nhuộm hoàn tất. Trong hội nhập, phụ thuộc kinh tế lẫn nhau, không thể nói tự túc 100% nên phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi tham gia vào chuỗi này, Việt Nam sẽ có vai trò và lợi thế tốt hơn. Nếu tạo được sự khác biệt về sản phẩm tức là chúng ta sẽ đứng vững trong quan hệ với các đối tác.
Mặt khác, với vị trí của nhà nhập khẩu thì doanh nghiệp Việt cũng nên biết cách bảo vệ mình, phát huy hết quyền hạn của bên mua hàng để phòng tránh tình trạng bị ép giá, làm giá từ đối tác quốc tế nói chung. Cùng với đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp và cơ quan Việt Nam cần tăng cường đặt hàng, sử dụng nguyên liệu và sản phẩm của nhau... như là những việc làm thiết thực của lòng yêu nước, góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, vững mạnh.
Đối với Việt Nam, việc đánh giá tác động hai chiều của quá trình hội nhập lên nền kinh tế đã được nhìn nhận từ rất sớm và khá toàn diện. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) đã xác định nhiệm vụ, “tạo bước ngoặt về hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại” và chỉ ra “từng doanh nghiệp phải khẩn trương đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh”.