Suốt nhiều năm qua, người dân xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) không chỉ choáng váng trước hàng loạt các khoản phí, quỹ, do xã và thôn đưa ra, mà còn bức xúc trước việc trẻ vừa mới sinh ra cũng phải đóng góp.
Trẻ vừa sinh đã phải đóng góp
Ngay sau khi Báo Công lý phản ánh về tình trạng người dân nghèo vùng bãi ngang ven biển xã Nga Thủy luôn vất vả, lao đao vì mùa màng thất bát, thế nhưng họ vẫn phải còng lưng gánh thêm hàng loạt loại quỹ, phí, do thôn và xã đưa ra suốt nhiều năm, người dân xã này tiếp tục phản ánh đến cơ quan báo về tình trạng trẻ sơ sinh cũng phải gánh trên vai những khoản thu phí của thôn.
Tại thôn 4, xã Nga Thủy, từ nhiều năm nay ngay cả trẻ sơ sinh, chỉ cần có tên trong hộ khẩu là phải đóng nộp như một nhân khẩu bình thường. Cụ thể, trong năm 2018, trẻ sơ sinh phải đóng góp cho thôn các loại quỹ như: quỹ làng 30.000 đồng/khẩu, quỹ trẻ thơ 30.000 đồng/khẩu, thu trả nợ đường bê tông 200.000 đồng/khẩu.
Người dân Nga Thủy "oằn mình" đóng góp nhiều khoản thu vô lý
Một người dân thôn 4 bức xúc: “Cháu nhỏ nhà tôi vừa mới sinh, khi đi làm giấy khai sinh có tên trong sổ hộ khẩu là phải đóng góp ngay các khoản quỹ cho thôn. Năm nay cháu tôi đã 2 tuổi mà đã 2 lần đóng tiền xây dựng đường cho thôn với tổng số tiền 450.000 đồng rồi. Tôi cứ nghĩ cháu đang được Nhà nước bảo trợ mà cũng phải đóng góp như người lớn thì thật không công bằng”.
Càng vô lý hơn, khi lãnh đạo thôn đưa ra quy định hộ dân nào nợ đọng tiền làm đường giao thông thì phải chịu lãi suất 1.5%/tháng. Nhiều người dân không khỏi băn khoăn cho rằng, các khoản đóng góp này là sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân mà phải chịu lãi suất thì có đúng quy định hay không?
Theo tìm hiểu của PV, ngoài thôn 4, nhiều thôn trong xã Nga Thủy cũng đã áp dụng cách vận động trẻ sơ sinh cũng phải đóng góp khiến nhiều người dân bức xúc. “Nhà tôi 2 cháu nhỏ 3 tuổi và 4 tuổi nhưng năm nào cũng phải đóng góp tất cả các loại quỹ của thôn như điện đường, quỹ làng, quỹ tuổi thơ,…Thôn đưa ra các khoản thu đóng góp thì người dân cứ thế mà nộp”, một người dân thôn 6 cho hay.
Trước đó, Báo Công lý đã phản ánh về tình trạng suốt nhiều năm qua, cả xã và thôn đưa ra gần 15 khoản phí, quỹ để vận động người dân đóng góp. Càng bức xúc hơn, nếu không đóng các loại quỹ do xã, thôn đưa ra, khi người dân cần chứng thực các loại giấy tờ thì UBND xã không đồng ý.
Từ thực trạng thu các khoản đóng góp của nhân dân tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại các khoản thu tại xã, phường, thị trấn theo đúng Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 16/7/2010 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, bãi bỏ ngay các khoản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định hiện hành. Dừng ngay việc huy động đóng góp các qũy đã được bãi bỏ.
Đối với các khoản huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong điều kiện cả nước chung tay để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc huy động nguồn lực trong nhân dân theo hình thức xã hội hóa là cần thiết để huy động nguồn lực cho phát triển xã hội.
Công sở UBND xã Nga Thủy hoành tráng, bề thế
Tuy nhiên, việc huy động đóng góp của nhân dân thực hiện chương trình nông thôn mới phải thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế dân chủ được quy định tại Pháp lệnh số 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và phải phù hợp với sức dân. HĐND và UBND các cấp không được ra các văn bản đóng góp bắt buộc.
Đồng thời, việc huy động đóng góp phải theo dự án, công khai phương án thu, mức thu; thực hiện đúng mục đích và quyết toán công khai, đúng quy định. Không chia đều theo số khẩu đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người già cả neo đơn và các đối tượng chính sách.
Đối với các khoản huy động mang tính chất xã hội, từ thiện như: Quỹ khuyến học, qũy vì nạn nhân chất độc da cam, quỹ hỗ trợ người nghèo, quỹ hỗ trợ đồng bào bão lụt... phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, không được giao thu bắt buộc.
Chủ tịch xã “cố đấm ăn xôi”?
Sau khi phản ánh, ngày 26/11/2018 của Chủ tịch UBND xã Nga Thủy Nguyễn Văn Hưng có Văn bản số 01/UBND cho rằng báo phản ánh chưa chính xác, ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của địa phương.
Tuy nhiên, theo chỉ thị số 24/2007/CT-TTg vào ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đưa ra vận động thu 2 khoản, đó là quỹ Quốc phòng – An ninh (40.000 đồng/hộ) và quỹ phòng chống thiên tai (15.000 đồng/lao động). Trong khi đó, theo văn bản thông báo thu của xã Nga Thủy nhiều năm qua, cả xã và thôn đưa ra hàng loạt loại quỹ, huy động từ sự đóng góp của người dân, năm nào cũng trên dưới 15 khoản đóng góp.
Theo người dân phản ánh, những khoản thu đó, xã, thôn có đưa ra thì người dân mới biết mà đóng góp. Trên thực tế, trong cuộc họp thôn, người dân được thông báo là theo chủ trương của UBND xã, thôn nên người dân cứ biết thế mà đóng, chỉ cần có ý kiến không đồng ý thì sợ sẽ bị trù dập.
Chẳng hạn, năm 2014, UBND xã Nga Thủy đưa ra 8 khoản thu, thôn 4 đưa ra 6 khoản thu (trong đó có khoản thu người dân cho rằng vô lý đó là xây dựng trường mầm non: 120.000 đồng/khẩu, trẻ vừa sinh ra, có tên trong hộ khẩu cũng phải đóng góp). Năm 2016, xã Nga Thủy đưa ra 9 khoản thu, thôn 4 đưa ra 6 khoản thu. Năm 2017, xã tiếp tục đưa ra 9 khoản thu tương tự, thôn 4 đưa ra 6 khoản thu.
Trong đợt thu vào tháng 7/2018, người dân thôn 4, người dân phải đóng 16 loại quỹ, phí. Trong đó, UBND xã thu 12 loại, được phân chia thành 2 quỹ: Quỹ theo quy định và quỹ đóng góp tự nguyện. Các quỹ theo quy định bao gồm: Quỹ quốc phòng - an ninh, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ đền ơn đáp nghĩa, phí vệ sinh môi trường 72.000 đồng/khẩu và đóng góp làm thủy lợi 50.000 đồng/lao động. Các quỹ đóng góp tự nguyện gồm: Quỹ phụng dưỡng người cao tuổi, quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ trẻ em và quỹ ngày vì người nghèo.
Việc các hội đặc thù vận động người dân tham gia đóng góp tự nguyện nhưng lại đưa ra mức thu, sau đó UBND xã Nga Thủy đưa hàng loạt loại quỹ, phí vào văn bản “Thông báo các khoản thu…”, có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND và đóng dấu đỏ là hoàn toàn trái tinh thần tự nguyện.
Các khoản đóng góp năm 2018, UBND xã Nga Thủy đưa khoản thu “đóng góp làm thủy lợi 50.000 đồng/lao động” vào khoản thu quy định là không đúng theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa, Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân cho rằng, thôn, xã thiếu minh bạch trong hạch toán thu chi, nên việc thu khoản “làm đường bê tông” (250.000 đồng/khẩu năm 2016, tiếp tục thu 250.000 đồng/khẩu năm 2017, năm 2018 lại thu trả nợ đường bê tông 200.000 đồng/khẩu). Càng vô lý hơn, thôn quy định hộ dân nào nợ tiền làm đường bê tông thì phải trả lãi suất 1,5%/tháng. Đây là khoản thu vận động sự đóng góp từ nhân dân (theo Pháp lệnh 34), tại sao người dân lại phải trả lãi suất nếu nợ đọng.
Trong văn bản của UBND xã Nga Thủy đổ lỗi cho thôn chia nhỏ các khoản thu, thế nhưng lãnh đạo xã này vẫn ký, đóng dấu phê duyệt, buộc người dân phải đóng. Nhiều trường hợp người dân do nợ tiền đóng góp của thôn, khi họ lên UBND xã làm giấy tờ chứng thực để cháu/con họ nhập học thì bị cán bộ xã từ chối, yêu cầu về đóng tiền cho thôn, sau đó mới chứng thực các hồ sơ, giấy tờ.
Dân kêu trời vì quá nhiều khoản đóng góp nhưng do chạy đua thành tích và làm quá sức mình, chính quyền xã Nga Thủy cho rằng mình đã họp dân, phát huy dân chủ là quá khiên cưỡng.