GS.TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, các nhà khoa học của trường đang chuẩn bị đưa vắc xin trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam.
Đây là nghiên cứu trọng điểm trong chuỗi các hoạt động nhằm phòng chống bệnh ung thư của Trường Đại học Y Hà Nội sắp được triển khai.
Theo GS Tạ Thành Văn, thông thường mọi người đều nghĩ rằng, vắc xin chỉ có tác dụng phòng bệnh. Tuy nhiên, loại vắc xin này của Nhật Bản khác các loại thông thường khác ở chỗ dùng để điều trị bệnh chứ không phải phòng bệnh.
Để tạo ra miễn dịch dịch thể, các nhà khoa học sẽ tạo ra vắc xin bằng cách lấy kháng nguyên chính khối u của bệnh nhân, tách chiết rồi truyền trở lại cho người bệnh giúp ra tạo kháng thể tiêu diệt tế bào ung thư của chính họ.
GS.TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho hay, phương pháp điều trị ung thư bằng vắc xin ở Nhật Bản chưa được Cục Dược phẩm và Thiết bị Y tế (PMDA) công nhận.
Lý giải điều này, GS Tạ Thành Văn nói, điều đó không có nghĩa phương pháp này không hiệu quả và an toàn. Vì bản quyền (khi PMDA thông qua, toàn bộ quy trình phải công bố), một số viện tại Nhật Bản chỉ thực hiện phương pháp này tại viện. Liệu pháp này chỉ cần thông qua Hội đồng y đức của bệnh viện và thử nghiệm trong bệnh viện và đem lại hiệu quả với một số nhóm bệnh ung thư.
"Khi về Việt Nam, được Bộ Y tế thông qua, chúng tôi sẽ triển khai”, GS Văn nói.
Liên quan đến các phương pháp điều trị ung thư, PGS.TS Trần Huy Thịnh - Phó Trưởng Bộ môn Hóa - Sinh, Đơn vị Tế bào trị liệu, Đại học Y Hà Nội cho hay, cơ sở đang tiến hành chương trình thử nghiệm liệu pháp miễn dịch trên người bệnh ung thư phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng… Các bệnh nhân tham gia chủ yếu mắc ung thư ở giai đoạn 3 và 4.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang đánh giá tình trạng bệnh nhân trước và sau điều trị để có nhận định lâu dài, trước mắt cuối năm nay kết thúc đánh giá, sau đó xem xét có ứng dụng rộng rãi với bệnh nhân hay không. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, cuối năm 2019, đề tài nghiên cứu về gen trị liệu hỗ trợ điều trị ung thư thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội sẽ hoàn tất để báo cáo Bộ Y tế trước khi đưa ra ứng dụng rộng rãi.
Việc ứng dụng gen trị liệu hỗ trợ điều trị ung thư đã cho những kết quả đáng khích lệ về thời gian sống và chất lượng sống của bệnh nhân.