Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định thời điểm hiện tại, vắc xin phòng bệnh dại vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị tiêm chủng.
Trước đó, ngày 5/4, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng người dân bị chó cắn, đi tiêm phòng dại tại một số Trung tâm tổ chức tiêm chủng trên địa bàn TP.HCM đã không được đáp ứng vì loại vắc xin này hết hàng hoặc nguồn cung bị gián đoạn.
Tại Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và một số trung tâm Y tế dự phòng trên địa bàn TP những ngày qua liên tục thông báo hết vắc xin phòng dại.
Theo lý giải của nhà cung ứng vắc xin, tình trạng khan hiếm vắc xin dại Verorab (Pháp) xảy ra trên toàn thế giới, nếu sớm nhất thì cũng phải đến tháng 5/2018 loại vắc xin này mới cung ứng trở lại. Với vắc xin phòng dại Abhayrab (Ấn Độ) cũng rơi vào cảnh “cháy hàng” do không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam. Nhà phân phối của hãng này cho biết phải mất tối thiểu 6 tháng nữa mới có thể điều tiết theo hướng tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu của người bệnh tại Việt Nam.
Bệnh nhân tiêm vắc xin phòng bệnh dại
Liên quan tới tình trạng khan hiếm vắc xin phòng dại tại TP.HCM, ông Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, thời điểm hiện tại, vắc xin phòng bệnh dại vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị tiêm chủng.
Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay trên thị trường có 2 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam là Verorab và Abhayrab.
Để đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin phòng dại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở cung ứng và các đơn vị sử dụng vắc xin để có kế hoạch nhập khẩu, dữ trữ vắc xin hợp lý.
Đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho biết trong trường hợp nơi nào thiếu thiếu cục bộ vắc xin dại cần thông báo để Cục sớm xem xét nguyên nhân, chỉ đạo việc điều phối, cung ứng vắc xin đảm bảo công tác tiêm phòng cho nhân dân.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, trung tâm còn 300 liều vắc xin ngừa dại loại Verorab (Pháp), nhưng do nhiều cơ sở tiêm ngừa hết vắc xin nên người có nhu cầu đổ dồn về trung tâm, tăng áp lực về vắc xin.
Theo ông Cảm, số vắc xin dại hiện có Trung tâm sử dụng chính cho những người tiêm chưa đủ mũi, còn người mới đến chuyển sang sử dụng vắc xin của Ấn Độ.