Sản phụ mang tam thai trên vết mổ cũ "vượt cạn" thành công

Chí Tâm| 19/04/2018 07:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, vừa phẫu thuật thành công một trường hợp tam thai vết mổ cũ.

Theo đó, sản phụ là chị L.P.D.Ph. (32 tuổi, ngụ tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), được Trung tâm Y tế huyện Châu Thành (Hậu Giang), chuyển đến trong tình trạng đau bụng, vết mổ cũ, chưa chuyển dạ sinh.

Sau khi thăm khám, xác định sản phụ Ph. nằm trong nhóm thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ mang tam thai 37 tuần, con lần hai, vết mổ cũ, hai bánh nhau, ba buồng ối.

Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và ra quyết định xử trí với sự phối hợp sẵn sàng của các bác sĩ chuyên khoa gồm: sản khoa, gây mê hồi sức, huyết học truyền máu, sơ sinh… để có kế hoạch can thiệp một cách nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ và sơ sinh.

Sản phụ mang tam thai trên vết mổ cũ

Bác sĩ thăm khám cho các bé sau phẫu thuật

Sau 40 phút ca phẫu thuật “mẹ tròn con vuông” với sự chào đời của 3 bé gái xinh xắn có cân nặng lần lượt là 2.500 gam, 2.700 gam và 2.900 gam trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình sản phụ Ph. và các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ. Sau sinh, 3 bé gái được tiếp xúc da kề da với mẹ và kẹp dây rốn muộn.

Hiện tại, tình hình sức khỏe của mẹ và 3 bé ổn định. Mẹ có các chỉ số sinh hiệu tốt, cả 3 bé gái da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt và đang được thực hiện phương pháp Kangaroo cùng với sự hỗ trợ của gia đình tại Khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức tích cực - chống độc.

BS.CKII Đỗ Thị Minh Nguyệt - Phó trưởng khoa Sản bệnh chia sẻ, trường hợp tam thai tự nhiên rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/8000 ca. Thai kỳ đa thai luôn là một thai kỳ nguy cơ cao. Người mẹ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật; tăng nguy cơ tai biến do diện nhau bám rộng làm đờ tử cung, băng huyết…

Đa thai cũng thường dẫn đến sinh non, nguy cơ đối với trẻ non tháng là ngạt sau sinh, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da sơ sinh, nhiễm trùng, bệnh lý võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất, trí tuệ,…

“Chăm sóc những trường hợp đa thai khá giống những trường hợp đơn thai. Tùy từng trường hợp mà sẽ có lịch khám thai, nội dung khám và xử trí cụ thể. Tuy nhiên, trường hợp mang đa thai cần được lưu tâm nhiều hơn để phát hiện và xử trí kịp thời khi có những dấu hiệu bất thường.

Vì thế, quá trình mang đa thai sản phụ cần được theo dõi định kỳ, khám thai đều đặn để đánh giá sự phát triển của thai nhi, sức khỏe của mẹ cũng như phát hiện được sớm các nguy cơ để xử trí kịp thời”, BS Nguyệt lưu ý.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phụ mang tam thai trên vết mổ cũ "vượt cạn" thành công