Lần đầu tiên ghép phổi thành công từ người cho chết não

Thảo Nguyên| 16/03/2018 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 huy động tới 60 người, tham gia trực tiếp vào 4 kíp mổ song song nhau để vừa thực hiện lấy tạng, chuyển tạng xuyên Việt và thực hiện ca ghép phổi đầu tiên.

Sáng 16/3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức họp báo về việc thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.

Trung tướng, GS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, từ người hiến đa tạng là một người cho chết não, bệnh viện cũng đã thực hiện điều phối ghép tạng xuyên quốc gia. Bệnh viện thực hiện lấy tim và thận, điều phối cho Bệnh viện Chợ Rẫy, ghép tim cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối và một thận ghép cho bệnh nhân suy thận. Bệnh viện đã thực hiện điều phối một giác mạc cho Bệnh viện Mắt Trung ương ghép cho một bệnh nhân.

Lần đầu tiên ghép phổi thành công từ người cho chết não

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép phổi từ người chết não đầu tiên ở VN. Ảnh: BVCC

Theo đó, bệnh nhân được ghép phổi là ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, ở Nam Định), còn người cho phổi là một bệnh nhân nam 45 tuổi bị chết não.

Bệnh nhân Hanh bị tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị suy hô hấp thường xuyên phải cấp cứu tại bệnh viện, có những đợt phải thở máy, oxy liên tục. Tình trạng chung của bệnh nhân ngày càng suy sụp, đe dọa tử vong bất cứ lúc nào.

Cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi. Vì thế, ngay khi có nguồn phổi hiến từ người cho chết não, các chỉ số hòa hợp, các bác sĩ đã quyết định ghép phổi để cứu người bệnh.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã huy động hơn 60 y bác sĩ tham gia lấy tạng hiến, thực hiện cùng lúc ca ghép phổi, thận, giác mạc vào ngày 26/2. Riêng 20 y bác sĩ tham gia ca ghép phổi với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi của Pháp, Bỉ. Một ê kíp chuẩn bị cho người hiến tạng, lấy phổi, cắt lọc và bơm rửa phổi đã lấy; ê kíp khác chuẩn bị cho bệnh nhân được ghép.

"Sau khi kíp phẫu thuật lấy tim của người hiến, Trung tâm điều phối đã chuyển tim vào hộp đựng chuyên biệt đưa lên máy bay đi TP.HCM, sau đó quả thận được chuyển tiếp đi chuyến bay sau đó. Việc phối hợp phải được tính toán từng phút vì tim và phổi không để quá 6 giờ sau khi lấy khỏi cơ thể người hiến. Thận để được lâu hơn nhưng không quá 18 giờ", ông Bàng cho biết.

Lần đầu tiên ghép phổi thành công từ người cho chết não

Bệnh nhân Hanh hồi phục sức khỏe sau ca ghép phổi

Đến nay, 16 ngày sau ca ghép phổi, bệnh nhân ghép phổi đã đi lại loanh quanh trong phòng, có thể tự thở, thỉnh thoảng mới cần hỗ trợ thở oxy, các xét nghiệm ổn định, ăn cháo, sinh hoạt ở trạng thái tương đối ổn định.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, bệnh viện đã thực hiện ghép phổi thực nghiệm trên động vật (15 cặp động vật) với tỉ lệ thành công cao, các tạng hoạt động tốt. Bệnh viện cũng đã cử hơn 30 BS, phẫu thuật viên, điều dưỡng học tập tại các bệnh viện và trung tâm hàng đầu thế giới về ghép tạng. 20 kíp kỹ thuật được cử học tập, đào tạo tại các bệnh viện có kinh nghiệm ghép tạng như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ tất cả các khâu, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, bệnh viện trên nền tảng chuyên môn kĩ thuật cao đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong chuyên ngành ghép tạng của bệnh viện, cứu sống nhiều bệnh nhân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên ghép phổi thành công từ người cho chết não