Giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh nhờ khám, chữa bệnh từ xa

Chí Tâm| 19/09/2020 07:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Kiến thức và trình độ của bác sĩ ở tuyến trên được khai thác, phát huy triệt để”, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết.

Ngày 18/9, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức Lễ khai trương Trung tâm khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) kết nối với các điểm cầu tại nhiều tỉnh phía Bắc.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc chẩn đoán chưa đúng, dẫn tới xử trí muộn khiến cho sản phụ đối diện với nhiều nguy cơ về tính mạng là điều đáng tiếc của ngành Sản khoa, đặc biệt là ở những cơ sở y tế tuyến dưới.

Xuất phát từ thực tế đó nên thời gian qua Ban lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã khẩn trương, nỗ lực cao nhất phối hợp với các cơ quan liên quan đưa vào vận hành hệ thống khám chữa bệnh từ xa nhằm hỗ trợ cho y tế tuyến dưới một cách hiệu quả trong tư vấn, chăm sóc thai kỳ cho các sản phụ, nâng cao hiệu quả điều trị, hội chẩn các ca bệnh khó giúp cứu sống nhiều sản phụ mắc các tai biến sản khoa phức tạp, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh nhờ khám, chữa bệnh từ xa

Đại diện Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cắt băng khai trương Trung tâm Khám chữa bệnh từ xa. 

“Ví dụ trong trường hợp song thai truyền máu cho nhau, nếu để lại biến chứng, đứa bé bị biến chứng vào tim, gây suy tim, suy não, dù được đưa lên bệnh viện tuyến trên, bác sĩ nếu có phẫu thuật, cũng không còn cơ hội để cứu sống. Nhưng nếu tuyến dưới cùng với chúng tôi chẩn đoán, chuyển lên ngay thì sẽ có cơ hội cứu sống đứa bé. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ của tuyến trên và tuyến dưới”, PGS Ánh nói.

Để phát huy hiệu quả khám chữa bệnh từ xa theo PGS Nguyễn Duy Ánh, không chỉ cần nỗ lực cao của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mà các cơ sở y tế tuyến dưới cũng cần chủ động, thường xuyên học tập cập nhật kiến thức để tiếp nhận được các kỹ thuật chuyển giao từ tuyến trên.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng tin tưởng rằng, hệ thống khám chữa bệnh từ xa chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả tối đa, tuyệt đối tránh tình trạng có công cụ mà không dùng đến.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Hưng Thái chia sẻ, thực hiện khám chữa bệnh từ xa sẽ là dấu mốc khởi đầu quan trọng trong việc chuyển đổi số trong ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới tham gia khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng chung hệ thống công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện. Giảm chi phí khám, chữa bệnh bao gồm cả chi phí bảo hiểm y tế và chi phí người dân phải chi trả thấp nhất. Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, khó khăn…

Ngay sau khai trương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành hội chẩn trực tuyến với 8 điểm cầu tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, Bệnh viện đa khoa Gia Lâm, Bệnh viện đa khoa Đan Phượng, Bệnh viện đa khoa Ba Vì.

Các chuyên gia về sản phụ khoa có mặt tại điểm cầu chính để tham gia hội chẩn các ca bệnh, phân tích các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cùng với bác sĩ 8 điểm cầu có ca bệnh báo cáo, từ đó đưa ra kết luận về chẩn đoán và phương pháp điều trị. Theo kế hoạch, Trung tâm Tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ hoạt động định kỳ mỗi tuần một buổi kết nối với các điểm cầu tuyến dưới.

Như vậy, đến nay cả nước đã có hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương kết nối với 1.000 điểm cầu trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh nhờ khám, chữa bệnh từ xa