Trước Tết Nguyên đán, nỗi lo gia tăng các trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn do ăn tiết canh lợn vẫn luôn thường trực.
Tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh mùa Lễ hội và Tết Nguyên đán năm 2019, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nhiều dịch bệnh dễ bùng phát trong dịp Tết, như sởi, tay chân miệng, liên cầu khuẩn lợn hay cúm gia cầm động lực cao.
Đặc biệt là bệnh liên cầu lợn, mặc dù chỉ ghi nhận rải rác, lẻ tẻ quanh năm chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, nhưng thường vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch bệnh có xu hướng gia tăng. Bởi trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cho may mắn. Vì thế, số ca mắc liên cầu lợn thường tăng lên ở thời điểm này.
Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân M.V.M (61 tuổi) sinh sống tại TP Hạ Long. Theo gia đình cho biết, khoảng 2 ngày trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, sau 1 ngày xuất hiện mệt mỏi, sốt, đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Bác sĩ chẩn đoán ông M. bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi do liên cầu lợn.
Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được bác sĩ xử trí bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực: thở máy, bù dịch, điện giải, thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, rối loạn đông máu. Tuy nhiên do khi nhập viện, bệnh nhân đã diễn biến quá nặng nên dù đã tích cực hồi sức nhưng tình trạng sốc, suy đa tạng không cải thiện, bệnh tiến triển ngày càng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Các ca nhiễm liên cầu khuẩn do ăn tiết canh thường xuất hiện nhiều vào dịp Tết
Nhiễm khuẩn do liên cầu lợn ở người là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Bệnh liên cầu lợn nguyên nhân do vi khuẩn liên cầu ký sinh ở lợn gây nên. Khi mắc bệnh diễn biến cấp tính, thời gian điều trị kéo dài và rất tốn kém với nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm màng não mủ… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, không mua bán, giết mổ lợn ốm hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Sau khi chế biến cần phải rửa sạch tay. Ngoài ra, người dân không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy nên có các phương tiện phòng hộ.
Khi có dấu hiệu bệnh như sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ... có thể khó thở cần tới bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong. Đáng nói, ngay cả lợn khỏe cũng có thể nhiễm khuẩn liên cầu lợn, do vậy tuyệt đối không ăn tiết canh lợn.