Tiêu chảy là bệnh xảy ra quanh năm và mọi người đều có thể mắc nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh hơn. Khi bị tiêu chảy, trẻ có nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng.
Vì sao trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy?
TS. BS. Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa dễ gặp ở trẻ em là tiêu chảy cấp do virus, vi khuẩn, trong đó mùa đông - xuân thường gặp do rotavirus. Nguyên nhân do sự mất nước điện giải, trẻ nôn trớ khi ăn, giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể và hấp thu chất dinh dưỡng cũng yếu đi.
Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi T.Ư luôn có bệnh nhân tiêu chảy đến khám và điều trị
Tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ vì hệ miễn dịch chưa trưởng thành, sức đề kháng của trẻ còn kém. Bên cạnh đó, đường tiêu hóa của bé chưa ổn định cộng với chế độ ăn có nhiều thay đổi (từ sữa, ăn bổ sung...) khiến trẻ không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh.
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Việt Hà, tiêu chảy được phân chia theo nhiều loại như tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài (tùy thuộc vào thời gian bệnh nhân mắc bệnh dài hay ngắn); tiêu chảy phân nước và tiêu chảy phân máu (theo mức độ nghiêm trọng của bệnh lý)...
Có thể tử vong do tiêu chảy mất nước
Nếu không được bù nước và điện giải cơ thể sẽ lâm vào tình trạng mất nước và điện. Các công trình nghiên cứu về bệnh tiêu chảy đã chứng minh có tới 70% số tử vong là do mất nước. Số còn lại do các nguyên nhân nhiễm độc, viêm phổi... Ngoài ra, trẻ tiêu chảy dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng, vì trong khi tiêu chảy các chất dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ do trẻ chán ăn, hơn nữa do gia đình thường mắc sai lầm là không cho trẻ ăn vì sợ ăn vào sẽ tăng tiêu chảy. Hậu quả khi trẻ khỏi bệnh tiêu chảy thì lại bị suy dinh dưỡng
Mùa đông xuân là giai đoạn cao điểm của bệnh tiêu chảy
Nhận biết trẻ bị mất nước do tiêu chảy: có 3 mức độ
Mất nước nhẹ: trẻ khát nước và đòi uống. Ở trẻ nhỏ chưa biết nói chỉ biết quấy khóc chỉ khi cho uống nước đủ mới hết khóc.
Mất nước vừa: ngoài khát nước trẻ có biểu hiện khô mắt, niêm mạc môi, miệng khô, da nhăn nheo. Các trẻ nhỏ có thể thóp lõm xuống, mắt trũng lại, ngủ mắt nhắm không kín, trẻ khóc không có nước mắt, nước dãi...
Mất nước nặng: ngoài các triệu chứng trên sẽ thấy trẻ có dấu hiệu đặc biệt về thần kinh như lừ đừ, có khi vật vã hoặc li bì hôn mê hoặc có những cơn co giật.
Chú ý cung cấp dinh dưỡng, đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh cho trẻ
Để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Uống vaccine ngừa tiêu chảy do rotavirus.
Ths.Bs. Lê Thị Hải – Nguyên giám đốc trung tâm tư vấn dinh dưỡng Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy gồm: gạo (bột gạo), khoai tây; thịt gà, lợn, cá nạc; sữa đậu nành, sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose; dầu thực vật: cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo.
Theo thạc sĩ Hải, cha mẹ căn cứ vào lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để có chế độ ăn thích hợp. Chú ý, thức ăn cần mềm, nấu kĩ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì phải đun lại trước khi cho ăn.
Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, cho con ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn. Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp bé phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong 2 tuần liền.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy: - Các phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị tiêu chảy cho con. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì phần lớn nguyên nhân tiêu chảy do virus gây ra. Do vậy, dùng kháng sinh hoàn toàn vô ích và còn làm trẻ mệt thêm. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn tiêu chảy đã xác định do nguyên nhân vi khuẩn hoặc tiêu chảy có biến chứng bội nhiễm, viêm phổi... - Trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiều, nôn ói nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời. |