92% bệnh nhân lao ở Việt Nam được điều trị thành công

Thảo Nguyên| 06/06/2019 13:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam được đánh giá có hướng đi đúng đắn và tiếp tục trở thành “mô hình điểm” cho các nước khác nhằm triển khai hiệu quả chiến lược chấm dứt bệnh lao mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.

Theo Bộ Y tế, trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 (năm 2007), lần 2 (năm 2017) và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8%/năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% số người bệnh lao thường và 98% số người bệnh lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa (tức là phải tiêu tốn hơn 20% thu nhập của cả gia đình trong một năm do mắc lao); 70% số người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Vì vậy, lao là một vấn đề ảnh hưởng kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

92% bệnh nhân lao ở Việt Nam được điều trị thành công

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân lao

GS.TS Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tại Việt Nam những năm qua, công tác phòng, chống lao đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới, đạt tỷ lệ 81% số mắc mới hằng năm, cao hơn mức trung bình trên thế giới (61%).

Những năm qua Việt Nam cũng duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao, hơn 92% cho người mới mắc lần đầu và 75% cho người mắc lao đa kháng thuốc nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng thuốc đơn thuần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số này trung bình toàn cầu là 52%.

Đối với lao siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị mới và dần mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc trong cộng đồng. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, bao gồm kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao bằng máy Gene Xpert, kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy nhanh…

Đáng chú ý, hệ thống y tế phòng, chống lao và bệnh phổi toàn quốc cũng đã có 51 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế, tạo nên mạng lưới phòng, chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Chủ tịch và không quá 20 thành viên; sử dụng bộ máy giúp việc chung với Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; bảo đảm không tăng biên chế, bộ máy.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao bởi có những chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Việt Nam có đầy đủ các chính sách như hỗ trợ 70% lương cho cán bộ trực tiếp khám chữa lao, có những ưu tiên tiếp cận và chi trả khám chữa lao cho người có thẻ bảo hiểm y tế; hướng dẫn kỹ thuật với phác đồ chuẩn được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc từ tiêu chuẩn chẩn đoán, các kỹ thuật xét nghiệm, phác đồ điều trị lao thường, lao đa kháng, tiền siêu kháng, siêu kháng và lao tiềm ẩn đều được cấp thuốc miễn phí từ Trung ương đến xã, phường, thôn, bản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
92% bệnh nhân lao ở Việt Nam được điều trị thành công