46 ca tử vong do bệnh dại: Phần lớn vì chủ quan

Thảo Nguyên| 06/08/2019 17:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ngày 6/8 tại Hà Nội.

Ông Đặng Quang Tấn - Cục Phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi đã mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại, không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó.

Theo ông Tấn, thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định trong những năm gần đây, số ca tử vong do dại đã giảm liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017.

Tuy nhiên, đến năm 2018, tình hình bệnh dại có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại tăng hơn 29 trường hợp so với năm 2017 (103 ca). Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 46 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 24 tỉnh. Trong đó, cao nhất là tỉnh Sơn La với 6 ca tử vong. Khu vực miền núi phía Bắc vẫn ghi nhận số ca tử vong do dại cao nhất cả nước, chiếm hơn 80%.

46 ca tử vong do bệnh dại: Phần lớn vì chủ quan

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh dại tại địa phương.

Theo TS Vũ Duy Nghĩa - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 500.000 người tiêm vắc xin phòng dại. Số ca tử vong do bệnh dại đứng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008-2018 (trừ năm 2014, đứng sau dịch sởi).

“Chó nuôi được thả rông nhiều chưa được quản lý chặt chẽ. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó còn thấp (51%) chưa đạt ngưỡng khống chế. Bệnh dại ở đàn chó nuôi lưu hành nhiều năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức về phòng chống bệnh dại của người dân còn hạn chế, chủ quan…

Bên cạnh đó, việc tiếp cận với vắc xin phòng bệnh dại cũng bị hạn chế bởi giá vắc xin nhập khẩu còn cao, số điểm tiêm phòng dại còn chưa bao phủ hết các huyện… Những hạn chế này khiến người dân không tiếp cận được vắc xin phòng dại, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp”, TS Vũ Duy Nghĩa nhấn mạnh.

Bệnh dại ở người là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, bệnh gây tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm hiện nay tại Việt Nam. Thông qua hội nghị, các chuyên gia y tế, nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong phòng, chống bệnh, giúp khống chế và tiến tới loại trừ căn bệnh nguy hiểm này trong tương lai.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vắc xin dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh dại, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cần có ý thức quản lý đàn chó, tiêm vắc xin cho chó định kỳ nhằm phòng, tránh căn bệnh nguy hiểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
46 ca tử vong do bệnh dại: Phần lớn vì chủ quan