19 y, bác sĩ phơi nhiễm HIV: Đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu

Đắc Chuyên| 10/07/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 9/7, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, kết quả xét nghiệm 19 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đều âm tính với vi rút HIV.

Các y bác sĩ “lao vào lửa” cứu người

Trước việc làm cứu sống một phụ nữ nhiễm HIV bị băng huyết của 18 y bác sĩ và 1 sinh viên học việc của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định khen thưởng đột xuất toàn bộ kíp trực ngày 4/7/2015.

19 y, bác sĩ phơi nhiễm HIV: Đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu

Sau khi cứu sống nữ bệnh nhân nhiễm HIV bị băng huyết, 19 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được khen thưởng đột xuất

Theo đó, ngày 4/7, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân N.T.T.H, sinh năm 1979, ở Quảng Yên, Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị băng huyết, mất nhiều máu. Ngay lập tức, bệnh nhân được ép tim, hồi sức, xét nghiệm và tiến hành mổ cấp cứu để cắt bỏ hoàn toàn tử cung ngay tại khoa cấp cứu. Vì tình huống cấp bách nên các bác sĩ đã lao vào cứu người trong tình trạng không trang bị các thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân.

Sau khi cứu bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch, bệnh viện đã tiến hành các xét nghiệm cần thiết thì phát hiện nữ bệnh nhân trên bị nhiễm vi rút HIV. Ngay lập tức, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành các xét nghiệm, điều trị phơi nhiễm HIV bằng 3 loại thuốc theo đúng hướng dẫn của WHO chỉ sau 4 giờ đồng hồ cho 18 y, bác sĩ và 1 sinh viên học việc. Kết quả các xét nghiệm cho thấy, 19 người trong ca trực ngày hôm đó đều âm tính với vi rút HIV.

Phát biểu tại buổi khen thưởng đột xuất 19 y, bác sĩ trong ca mổ đặc biệt ngày 4/7, TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội nói rằng: “Thời điểm đó, nếu các y bác sĩ không tiến hành các biện pháp can thiệp kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Tính mạng của bệnh nhân phải được đặt lên hàng đầu, vì thế trong kíp mổ ngày hôm đó, có nhiều y, bác sĩ không kịp trang bị cho mình những phương tiện bảo hộ cá nhân”.

“Về phơi nhiễm HIV và dự phòng phổ cập không chỉ với HIV mà với rất nhiều bệnh khác đã được quy định rất rõ. Hơn ai hết, các y, bác sĩ phải thực hiện rất nghiêm việc này trước tiên là để bảo vệ bản thân họ cũng như thực hiện tốt các quy định. Nhưng, trong tình huống này, các y bác sĩ đã đặt mạng sống của bệnh nhân lên trên hết, lúc này họ làm việc bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc”, TS. Hoàng Đình Cảnh cho biết.

 Mỗi năm có hàng nghìn cán bộ phơi nhiễm HIV

Đây không phải là những trường hợp đầu tiên phơi nhiễm HIV khi đang làm nhiệm vụ, hàng năm tại Việt Nam có hàng nghìn trường hợp bị phơi nhiễm HIV. Họ là những y, bác sĩ, cán bộ chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong khi đang làm công việc của mình. Tuy nhiên, đây là trường hợp phơi nhiễm HIV tập thể lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.

19 y, bác sĩ phơi nhiễm HIV: Đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Theo thông tin TS. Hoàng Đình Cảnh cung cấp, năm 2014, cả nước có hơn 950 trường hợp phơi nhiễm HIV nhưng không có trường hợp nào bị nhiễm. Do đó, ông Cảnh lạc quan nói rằng, khả năng nhiễm HIV của 19 y, bác sĩ là rất thấp. Theo một nghiên cứu mới nhất của Mỹ, ngay cả khi bị kim tiêm đâm vào tay mà kim tiêm đó vừa tiêm cho người nhiễm HIV thì tần suất lây nhiễm là 0,3%. Trường hợp bị máu hoặc dịch của người nhiễm HIV bắn vào niêm mạc mắt, mũi thì khả năng lây nhiễm là 0,1%. Ông Cảnh khẳng định HIV không lây nhiễm qua các tiếp xúc thông thường.

Một điều nữa khiến ông Cảnh khẳng định khả năng nhiễm HIV của 19 y, bác sĩ trong ê – kíp trực ngày 4/7 rất thấp là nữ bệnh nhân nhiễm HIV được cứu sống đang được điều trị bằng thuốc ARV, vì thế tỷ lệ vi rút trong máu rất thấp. Ông hy vọng, kết quả xét nghiệp của những lần tiếp theo của 19 người trong kíp mổ đặc biệt sẽ giống như lần đầu.

Rất nhiều người đặt câu hỏi, 19 y, bác sĩ phơi nhiễm HIV vẫn làm việc bình thường thì liệu có nguy cơ lây nhiễm sang cho các bệnh nhân khác không? Về vấn đề này, ông Cảnh khẳng định lại một lần nữa rằng: "HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường. Hơn nữa, khi làm việc các y, bác sĩ được trang bị các dụng cụ phòng hộ và có thể chắc chắn rằng cán bộ y tế phơi nhiễm, nhiễm HIV khi chăm sóc người bệnh thì cũng không làm lây nhiễm cho bệnh nhân, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm về việc này". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
19 y, bác sĩ phơi nhiễm HIV: Đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu