Không nhất thiết phải sử dụng kết quả thi THPT quốc gia là phương án tuyển sinh duy nhất

Ngô Chuyên| 08/04/2020 16:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch covid-19, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh ôn luyện Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình tinh giảm học kỳ 2 đồng thời công bố đề thi tham khảo giúp học sinh 12 có thể giảm tải được áp lực và tập trung vào ôn luyện.

Theo như chia sẻ của TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD-ĐT - Trưởng ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2020 cho biết, câu hỏi trong tất cả đề thi đều không ra vào nội dung kiến thức đã được tinh giản thuộc chương trình học kỳ II của lớp 12, năm học 2019-2020.  Các câu hỏi thuộc nội dung kiến thức của học kỳ này ở cấp độ nhận biết và thông hiểu, giảm toàn bộ những câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.

Vậy các trường đại học, chuyên gia nói gì về những thay đổi trong việc tinh giản nội dung học và thi của kỳ thi THPT quốc gia 2020 do covid-19 gây ra?

Tinh giảm nhưng không có nghĩa là giảm chất

Theo chia sẻ của PGS.TS Lê Hiếu Học – Phó hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa - chia sẻ: “Đề thi THPT quốc gia năm 2020 dựa trên khối lượng kiến thức chương trình giảm tải không đồng nghĩa với giảm chất lượng trong việc đánh giá kiến thức và năng lực của thí sinh. Với đề thi tham khảo, qua tìm hiểu tôi thấy nhiều chuyên gia, thầy, cô đánh giá có tính phân hoá”.

Không nhất thiết phải sử dụng kết quả thi THPT quốc gia là phương án tuyển sinh duy nhất

PGS.TS Lê Hiếu Học – Phó hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa

PGS Học nói thêm, Bộ GD-ĐT chỉ đạo giảm tải kiến thức trong học kỳ 2 nghĩa là tập trung vào những kiến thức cơ bản, thực sự cần thiết cho việc hoàn thành bậc học THPT cũng như nền tảng kiến thức cho các bậc học tiếp theo. Do đó, kết quả kỳ thi THPT quốc 2020  vẫn có ý nghĩa và là kênh tham khảo đáng tin cậy. Một hình thức tuyển sinh khác mà nhiều trường đại học đang áp dụng là xét tuyển bằng hình thức học bạ.

“Nhiều học sinh xét tuyển bằng hình thức này, qua quá trình đào tạo ở các trường đại học vẫn trở thành những sinh viên tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng và đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng sau này”, PGS Học nhấn mạnh.

ĐH Phenikaa với định hướng là trường đại học đa ngành, dự trên nên tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ, PGS Học cho biết trường dự kiến xét tuyển theo 3 hình thức: xét tuyển thẳng (theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT), xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT (xét theo học bạ) và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xét tuyển thẳng (có điều kiện) hoặc cộng điểm đối với những thí sinh có các chứng chỉ quốc tế (tiếng Anh như IELTS, TOEFL, các chứng chỉ của Cambridge; SAT v.v.).  Do vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào những phương án tuyển sinh đã lựa chọn.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc việc tham khảo các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc kỳ thi riêng của một số trường khác để có những giải pháp phù hợp”, PGS Học nói thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề tuyển sinh, TS Trần Quang Huy – Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, trường đã công bố đề án tuyển sinh năm 2020, theo đó trường  sử dụng 60% kết quả tuyển sinh dựa trên kỳ thi THPT quốc gia và 40% tuyển thẳng với các đối tượng là học sinh các trường chuyên, năng khiếu có đầu vào tốt và những thí sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.  “Trường cũng không có thêm bất kỳ phương thức nào khác”, TS Huy nói.

Đồng thời, TS Huy cũng cho biết thêm, giảm tải là cái chung của cả nước bởi vậy những thí sinh học giỏi, học tốt vẫn ở tầng trên những học sinh có năng lực vừa  phải hay quá trình rèn luyện không chăm chỉ thì kết quả thấp là điều không tránh khỏi.

“Cái lo ngại nhất hiện nay vẫn là dịch covid-19 diễn biến như thế nào ảnh hưởng đến thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT năm nay và không đạt được như mình mong muốn”, TS Huy nói.

Không nhất thiết phải sử dụng kết quả thi THPT quốc gia là phương án tuyển sinh duy nhất

Ảnh minh họa.

Các trường ĐH  nên tự chủ về tuyển sinh

Các trường không nhất thiết phải sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Đồng thời có thể chủ động phương pháp tuyển sinh cho mình để chọn được những sinh viên chất lượng là chia sẻ của nhiều chuyên gia.

Cụ thể, theo TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ: Thời chúng tôi, học hành vướng vào chiến tranh, phải đi sơ tán, ăn đói… không có truyền hình, tivi, điện… giờ chúng ta có mạng internet chúng ta học trực tuyến, nếu những nơi không có đủ điều kiện về internet thì học qua truyền hình tại sao chúng ta không khai thác tôi đa. Trong khi đó ngày xưa chúng ta chẳng có gì nhưng chúng tôi vẫn trưởng thành, vẫn nhiều người thành công trong cuộc sống?

“Đây không phải lần đầu cắt giảm chương trình, mà thế hệ chúng tôi sơ tán, cắt giảm chương trình thậm chí có những khi không có thi tốt nghiệp. Những tình huống như vậy tất cả tùy vào tình hình thực tế để các bộ, ban ngành có phương án quyết định”, TS Khuyến nói.

Theo TS Khuyến các trường vẫn nên tự chủ về tuyển sinh, còn kỳ thi THPT quốc gia chỉ là hỗ trợ, các trường có thể sử dụng kết quả đó làm một phần để xem xét tuyển sinh cho mình, chứ không nhất thiết phải sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là giải pháp duy nhất để tuyển sinh.


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không nhất thiết phải sử dụng kết quả thi THPT quốc gia là phương án tuyển sinh duy nhất