Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được xây dựng như thế nào?

Đức Duy| 24/04/2020 12:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo như PGS TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, đề thi sẽ được xây dựng phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và nội dung chương trình tinh giản đã công bố.

Phương  án thi THPT 2020 có những nhược điểm và ưu điểm gì?

Theo phân tích của ông Trinh,  phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số ưu điểm nổi bật như sau: Thực hiện ngay được Luật Giáo dục sửa đổi (2019) và Luật Giáo dục đại học (2018) được Quốc hội Khóa 14 mới ban hành; Kế thừa, phát huy kết quả, kinh nghiệm tốt của các Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, nhất là năm 2019; Ít bị phụ thuộc vào diễn biến của bệnh dịch COVID-19. Các địa phương chủ động hơn trong kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ làm công tác thi;

Tạo động lực, thái độ học tập tích cực cho học sinh, nhất là trong bối cảnh học sinh không đến trường do dịch COVID-19 như hiện nay (nếu không thi thì một bộ phận học sinh sẽ không học hoặc học không tích cực); góp phần duy trì được nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục;

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được xây dựng như thế nào?

 PGS TS Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. Ảnh TH.

Rút ngắn thời gian thi trong 1,5 ngày với 03 buổi thi, làm cho Kỳ thi gọn, nhẹ hơn các năm trước; đề thi sẽ được xây dựng phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và nội dung chương trình tinh giản đã công bố (cả về nội dung, độ khó, thời gian làm bài thi) cũng sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh;

Giảm áp lực đối với học sinh, phụ huynh và xã hội trong bối cảnh các địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ học ở trường dài ngày; mặt khác, việc tổ chức thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng đảm bảo được yêu cầu khách quan, tin cậy (hạn chế tình trạng đánh giá thiếu khách quan, công bằng trong học bạ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ“.

Ông Trinh cũng nhấn mạnh, với phương án này các trường ĐH, CĐ sẽ chủ động hơn trong phương án tuyển sinh. Đây cũng là cơ hội để các trường khẳng định năng lực tự chủ, khả năng thích ứng với các thay đổi, tạo tiền đề để đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ các năm tới theo tinh thần đẩy mạnh tự chủ đại học.

Tuy vậy, để thực hiện phương án này, ông Trinh cũng đưa ra những hạn chế như, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 kéo dài, nhất là đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao hoặc nguy cơ, ảnh hưởng đến học tập của học sinh cả nước trong học kỳ 2 thì Kỳ thi Tốt nghiệp THPT phần nào cũng sẽ gây áp lực cho một bộ phận học sinh và phụ huynh, nhất là ở những vùng khó khăn.

Các địa phương phải chủ động tổ chức Kỳ thi trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều nên có thể phát sinh sai sót, làm ảnh hưởng đến an toàn của Kỳ thi. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường các giải pháp khắc phục hạn chế này.

Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ có thể bị xáo trộn do nhiều trường ĐH, CĐ chưa có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho phương án này. Việc tuyển sinh đầu vào của nhiều trường ĐH, CĐ, nhiều ngành đào tạo có thể bị ảnh hưởng với các nguyện vọng ảo; thí sinh các tỉnh có thể phải tập trung về các thành phố lớn để dự thi đại học, gây tốn kém cho xã hội.

Phải ban hành Thông tư về Quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT với quy trình rút gọn để phù hợp với thời gian tổ chức Kỳ thi.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được xây dựng như thế nào?

Ảnh minh họa.

Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc đánh giá theo chuẩn đầu ra theo nguyên tắc “học gì, thi nấy”, hướng tới đánh giá toàn diện học sinh, đồng thời không đặt vấn đề giảm số môn thi mà là bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông để ra đề thi đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp THPT; phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch covid-19; không đánh đố học sinh; mức độ phân hóa phù hợp.

Theo ông Trinh, mặc dù số môn thi không giảm nhưng nội dung đề thi năm nay hoàn toàn nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD-ĐT công bố; độ phân hóa của đề thi cũng sẽ thấp hơn so với đề thi của kỳ THPT quốc gia những năm gần đây đáp ứng yêu cầu tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Với bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 01 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây). Kỳ thi sẽ được tổ chức trong 1,5 ngày với 03 buổi thi; giảm 01 ngày so với trước đây (Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm tổ chức trong 2,5 ngày với 05 buổi thi).

Việc sử dụng các bài thi bắt buộc và các bài thi tổng hợp tự chọn KHTN và KHXH sẽ đảm bảo nguyên tắc “học gì thi nấy”, hướng đến đánh giá toàn diện, hạn chế học lệch, học tủ. Tổ chức thi 03 môn bắt buộc và 01 môn tổng hợp tự chọn cũng là cách để giúp thí sinh tập trung thi những môn học đã được dành thời gian ôn tập kỹ hơn, phù hợp với định hướng lựa chọn nghề nghiệp của mình.

“Tôi hiểu và chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của các em học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, các em cũng không quá lo lắng, căng thẳng. Kỳ thi được tổ chức ngay tại địa phương; Đề thi sẽ bám sát chương trình và tính toán đến tác động của dịch covid-19; không đánh đố thí sinh; có độ phân hóa phù hợp. Tới đây, Bộ GDĐT sẽ công bố đề thi minh họa cho Kỳ thi này để giáo viên và học sinh có định hướng trong dạy học và ôn tập”, ông Trinh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được xây dựng như thế nào?