Đại Học Hoa Sen - Đại học quốc tế của người Việt

Nguyên Quân| 12/09/2014 17:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một môi trường giáo dục hội nhập, sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chủ đạo và do người Việt quản lý là mong muốn, định hướng phát triển lâu dài của Đại học Hoa Sen.

Theo đó, những kế hoạch dài hơi với mục tiêu thay đổi hệ thống, cách thức quản trị theo hướng minh bạch, công khai cùng với việc tạo điều kiện tốt nhất để thu hút, tôi luyện nhân tài cũng được đề ra tại Hội nghị “Nhóm cổ đông Đại học Hoa Sen và chiến lược vì sinh viên và cộng đồng” diễn ra ngày 10/9 vừa qua.

 

Giáo sư Lưu Tiến Hiệp vạch rõ những tồn tại của HĐQT cũ  Ảnh: Trần Phong

Giáo sư Lưu Tiến Hiệp vạch rõ những tồn tại của HĐQT cũ  Ảnh: Trần Phong

 

Hiến kế của sinh viên ĐH Havard

 

Với kinh nghiệm nhiều năm học tập tại các đại học hàng đầu thế giới như Stanford, Havard (Mỹ), Thạc sĩ Huỳnh Minh Việt đã nêu ra những chiến lược chi tiết nhằm đưa Hoa Sen trở thành một Đại học quốc tế đúng nghĩa bao gồm: xây dựng cơ sở vật chất toàn diện; xây dựng Hội đồng khoa học để thu hút đội ngũ quản lý, giảng dạy tâm huyết và tài năng; mở rộng quỹ học bổng cho những sinh viên xuất sắc và nâng cao chất lượng học thuật. 

 

Trước ý kiến của Thạc sĩ Việt, Giáo sư Vũ Đức Vượng, một người có nhiều năm hoạt động động trong ngành giáo dục tại Việt Nam và thế giới cho rằng, những kế hoạch này cần phải thực hiện sớm vì khi Hiệp định khung ASEAN về hội nhập có hiệu lực, nhân lực của Việt Nam sẽ đứng trước một thử thách vô cùng lớn”. Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của người Việt Nam rơi vào mức thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia. 

 

“Như vậy, nếu không có định hướng thay đổi phương thức đào tạo cho sinh viên - tương lai của nguồn nhân lực Việt Nam, chúng ta sẽ cầm chắc phần thua ngay trên “sân nhà” - Giáo Sư Vượng nhấn mạnh.

 

Giáo sư Vũ Đức Vượng lo lắng cho sinh viên VN khi Hiệp định khung ASEAN về Hội nhập sắp được áp dụng Ảnh: Trần Phong

 

Giáo sư Vũ Đức Vượng lo lắng cho sinh viên VN khi Hiệp định khung ASEAN về

Hội nhập sắp được áp dụng Ảnh: Trần Phong

 

Minh bạch, công khai là chìa khóa của vấn đề 

 

Từng là Hiệu phó của Đại học Hoa Sen và là một trong những người sáng lập trường, Giáo sư -  Tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp đã được đại đa số cổ đông tín nhiệm cho vị trí Chủ tịch HĐQT Đại học Hoa Sen trong Đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua. 

 

Phân tích những yếu điểm của HĐQT cũ, Giáo sư Hiệp nói: “HĐQT, Ban Giám hiệu (BGH) là những người trực tiếp quyết định sự tồn vong của ngôi trường. Đây là 2 bộ phận nắm quyền lập pháp và hành pháp tại một trường Đại học. Thế nhưng, từ năm 2007 đến nay, cả 3 thành viên BGH đều giữ vai trò trong HĐQT, thậm chí Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng còn kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ Tịch HĐQT”. 

 

Rõ ràng, việc tập trung quá nhiều quyền lực cho một vài cá nhân sẽ rất dễ dẫn đến những tiêu cực và kéo cả một hệ thống đi xuống. Điển hình là những nghi vấn về sai phạm gần đây của bà Phượng trong vấn đề quản lý tài chính đã được “phanh phui” trên các phượng tiện báo, đài vừa qua. Cụ thể, khoảng 119 tỉ đồng tiền học phí được chuyển vào các khoản “Học phí thu trước” và “Nợ phải trả” được bà Phượng phê duyệt và ký báo cáo tài chính hàng năm, thay vì doanh thu tích lũy từ năm tài chính 2010 đến 2013. Điều này dẫn đến doanh thu của Đại học Hoa Sen bị giảm đi đáng kể, làm sai lệch nghĩa vụ nộp thuế của nhà trường và dẫn đến việc Đại học Hoa Sen đã phải nộp phạt với số tiền nhiều tỉ đồng.

 

Để khắc phục những lỗi trong việc quản trị trường, HĐQT mới trước nhất sẽ bắt tay ngay vào xây dựng một thệ thống mà lập pháp, hành pháp sẽ hoạt động đúng với chức năng của mình. “Chỉ có Hiệu trưởng là thành viên đương nhiệm của HĐQT, Hiệu phó sẽ không tham gia HĐQT. Sẽ có 5 thành viên của HĐQT là giảng viên đã và đang giảng dạy tại Đại học Hoa Sen để áp dụng đúng triết lý đào tạo tại đây” - Giáo sư Hiệp chia sẻ thêm.

 

Trước thông tin thu nhập của Hiệu trưởng (được giữ kín) có năm lên đến gần 2 tỉ đồng khi chủ trương của trường là phi lợi nhuận, HĐQT mới đã thông báo chiến lược tiếp theo để cải tổ bộ máy quản lý là công khai tài chính, ngân sách thu chi và nhất là thu nhập của lãnh đạo cấp cao. 

 

Bày tỏ quan điểm về thu nhập của Hiệu trưởng, Giáo sư Vũ Đức Vượng chia sẻ: “2 tỉ hay 20 tỉ đồng một năm không phải là vấn đề. Ở Mỹ, lương Hiệu trưởng một số trường cao gấp nhiều lần thu nhập của Tổng thống. Vấn đề ở đây là minh bạch, công khai tài chính sẽ giúp Đại học Hoa Sen tránh tiếp tục xảy ra các sai phạm đáng tiếc”.

 

Người đứng đầu phải chịu toàn bộ trách nhiệm

Trả lời riêng với phóng viên báo Công Lý, khi được hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước cổ đông và pháp luật cho những sai phạm về việc hạch toán sai 119 tỉ đồng, ông Nguyễn Đệ, thành viên HĐQT cho biết: “Luật đã quy định rõ ràng, người đứng đầu, đại diện pháp luật phải chịu trách nhiệm cho tất cả sai phạm”. 

 

“Sẽ không có chuyện số tiền 119 tỉ đồng được dùng để mua lại cổ phiếu như HĐQT cũ đề nghị hay dùng để chia cổ tức cho cổ đông” - bà Nguyễn Thị Hòa, một cổ đông của Đại học Hoa Sen khẳng định.

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại Học Hoa Sen - Đại học quốc tế của người Việt