Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT quy định mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nhằm vừa đảm bảo tính răn đe nhưng cũng phù hợp với thực tiễn.
Vừa qua Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến. Trong Nghị định có các quy định như: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép.
Trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng. Hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Ép buộc học sinh học thêm bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Dự thảo Nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Trước những quy định xử phạt đó khiến nhiều người đặc biệt là giáo viên lo lắng và áp lực.
Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, về mức phạt tiền: theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, hiện trong dự thảo Nghị định chỉ quy định mức cụ thể đối với từng hành vi tối đa là 30 triệu đồng đối với cá nhân và đối với tổ chức là 80 triệu đồng.
Trên cơ sở ý kiến của nhiều Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học đề nghị cần tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm. Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã nghiên cứu quy định mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm để vừa đảm bảo tính răn đe nhưng cũng phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, có một số hành vi vi phạm được điều chỉnh tăng mức phạt tiền nhưng cũng có một số hành vi vi phạm được điều chỉnh giảm mức phạt tiền.
Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học; nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục, thanh tra xin báo cáo như sau: Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định chung hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể của người học thuộc một nhóm hành vi.
Các quy định này hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo; đồng thời đảm bảo các cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau. Ảnh Hải Nam.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng hành vi xâm phạm thân thể có tính nguy hiểm cao hơn hành vi xúc phạm danh dự nên đã tách quy định này thành 2 nhóm hành vi nhằm hướng tới việc hạn chế tình trạng bạo hành trong nhà trường như đã xảy ra ở một số nơi vừa qua gây bức xúc dư luận.
Đồng thời, để bảo vệ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý trong trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể, Nghị định cũng quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm này. Các quy định này hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo; đồng thời đảm bảo các cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau.
Bộ GD-ĐT cũng đưa ra quan điểm về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi dạy thêm, học thêm định chung như vậy sẽ khó thực hiện, có thể dẫn tới việc hiểu nhà giáo không được dạy thêm. Đây là ý kiến có cơ sở cần tiếp tục cụ thể hóa thêm dù khi soạn thảo đã chú ý bám sát Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại nhận định về tính khả thi của nghị định như sau: Nghị định này đã cụ thể hóa hơn so với Nghị định số 138/2013/NĐ-CP nhưng vẫn bám sát quy định chung của Luật Xử lý vi phạm hành chính (căn cứ ban hành Nghị định 138/2013/NĐ-CP).
Khi Nghị định ban hành cần tuyên truyền rộng rãi để các thầy cô giáo, cán bộ quản lý cán bộ và nhân dân hiểu. Đồng thời, tập huấn kỹ cho lực lượng thanh tra để việc triển khai thực hiện đúng quy định.