Người làm báo đi viết phóng sự điều tra phải có “nghệ thuật” nhập vai, ngụy trang cho thật giống mới an toàn trong quá trình tác nghiệp.
Đó là chia sẻ của nhà báo Nguyễn Hoài Nam, cựu phóng viên Báo Thanh Niên, một nhà báo có kinh nghiệm mảng phóng sự điều tra, khi nói về phương pháp bảo vệ bản thân trong quá trình tác nghiệp.
Nói về sự nguy hiểm của những phóng viên làm điều tra, anh Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, khi xác định dấn thân viết về mảng điều tra người viết phóng sự điều tra phải đảm bảo 3 vấn đề cơ bản: Thứ nhất, phải có kiến thức pháp luật chuẩn. Thứ hai phải hóa thân vào nhân vật thật giống và cuối cùng phải thay đổi giờ giấc liên tục để hòa nhập vào khu dân cư hoặc bất kỳ một nơi nào khác cần phải đến tiếp cận.
Nhà báo Hoài Nam chia sẻ về “nghệ thuật nhập vai” trong một lần đi tác nghiệp thực hiện đề tài “Rau ruộng trộn VietGAP”.
Ban đầu nhập vai nông dân trong đề tài “Rau ruộng trộn VietGAP”, anh phải nghiên cứu và tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn rau được cấp chứng nhận VietGAP. Sau đó mới đến quy trình tác nghiệp thu thập tư liệu viết bài, và đó cũng chính là một nghệ thuật. Chẳng hạn “nhập vai nông dân” trồng rau, điều kiện bắt buộc phải thuộc lòng các kỹ năng về quy trình trồng rau hoàn hảo như các loại thuốc trừ sâu, bao nhiêu ngày bón phân, bao nhiêu ngày bón lót thì việc nhập vai mới an toàn. Nếu nhập vai không nắm rõ những quy trình này, trong quá trình nhập vai lấy thông tin rất dễ bị phát hiện thậm chí sẽ thất bại trong việc tìm “tận gốc vấn đề”.
“Nhập vai nông dân nghe thì dễ nhưng để vào vai nông dân tìm hiểu ngõ ngách một vấn đề lớn kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” mới là điều cần nói”, cựu phóng viên Báo Thanh Niên nói.
Nhà báo Hoài Nam kể: "Bên cạnh nhập vai nông dân trong đề tài này, tôi còn phải nhập một vai khác tiếp tục đi bước tiếp theo, và đây cũng là bước quan trọng không kém gì khi vào vai nông dân. Bởi khi đã có đủ chứng cứ người dân trồng rau ruộng bán cho HTX rau sạch, còn HTX sơ chế rồi bán đi đâu, số lượng và ở siêu thị nào thì không thể có con số chính xác, vì không thể “đột nhập” vào bên trong HTX để lục tìm sổ sách của HTX.
Chính vì vậy, để có con số chính xác, tôi tiếp tục nhập một vai tiếp theo, dùng nghiệp vụ để “moi” thông tin người có trách nhiệm của HTX. Trong quá trình tiếp cận, phải khôn khéo làm sao họ tiết lộ các con số cụ thể mỗi ngày giao bao nhiêu cho siêu thị, trường học.
Để làm được điều này, đòi hỏi PV điều tra phải có nghiệp vụ cứng, linh hoạt trong mọi tình huống, có thể ba hoa, hoặc ngu ngơ, nhưng đó chỉ là nghiệp vụ đánh lạc hướng người đối diện. Làm được như vậy chắc chắn an toàn và có tư liệu chính xác nhất để viết bài”.
Theo nhà báo Nguyễn Hoài Nam, vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung khi đang đi tác nghiệp, cho thấy rằng vấn để bảo vệ nhà báo đi tác nghiệp hiện nay vẫn đang bị “bỏ ngỏ”, pháp luật chưa công nhận nhà báo đi tác nghiệp là đi làm nhiệm vụ. “Hầu hết các phóng viên, nhà báo đi viết điều tra đều gặp vô vàn nguy hiểm như bị đe dọa, khủng bố, đối tượng tấn công. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa có luật cũng như phương pháp bảo vệ phóng viên khi đi tác nghiệp” - nhà báo Hoài Nam cho biết.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thoát chết nhờ chiếc mũ bảo hiểm
Nhà báo Hoài Nam đề nghị cần sửa đổi Luật Báo chí, hình sự theo hướng hành hung nhà báo khi tác nghiệp là cấu thành tội chống người thi hành công vụ, tức là nhà báo đi tác nghiệp là đang nhiệm vụ của Nhà nước. Mọi hành vi cản trở, xâm hại đến nhà báo khi đưa tin, tác nghiệp đều là hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị pháp luật trừng trị giống như dân phòng, hoặc Công an xã hiện nay.
“Bây giờ chỉ có bổ sung thêm điều luật những nhà báo đi tác nghiệp bị đối tượng cản trở hay hành hung thì hành vi đó cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Hiện nay theo luật, đối tượng hành hung nhà báo phải gây thương tích đến 11% thì đối tượng đó mới bị khởi tố hình sự thì e rằng ngày càng có nhiều nhà báo bị hành hung. Côn đồ biết điểm này chỉ cần đánh dằn mặt, không gây thương tích tới 11% là thoát tội. Tôi khẩn thiết mong sớm bổ sung nội dung này vào Luật: Nhà báo đi tác nghiệp là đi làm nhiệm vụ” - nhà báo Hoài Nam nói.
“Luật chưa được bổ sung, để đảm bảo an toàn khi tác nghiệp, các PV nhập vai nên ngụy trang thật giống với dân địa phương. Làm được như vậy thì bớt hậu quả xảy ra, vì đối tượng “xấu” ít nghi ngờ, quá trình tác nghiệp mới có thể an toàn. Trong trường hợp bị tấn công, nếu không thể xin hoặc bỏ chạy được thì cố gắng bảo vệ đầu và chấp nhận chấn thương ở chân và tay, như trường hợp nhà báo Đỗ Doãn Hoàng giả ngất cũng là một phương pháp” - nhà báo Hoài Nam chia sẻ.
Phóng viên Trần Thế Dũng bị hành hung dã man khi đi tác nghiệp
Một số vụ nhà báo bị đánh dã man: - Khoảng 7h45 phút sáng 23/3/2016 nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) đang trên đường đi tác nghiệp, khi đến khu vực chung cư Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ bị 3 đối tượng dùng gậy, gạch và khúc mía đánh liên tiếp vào người. Do vẫn đội mũ bảo hiểm nên phần đầu không bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên, ngón tay trỏ của bàn tay phải đã bị đánh nát, nhiều vết trên người bị sưng to, trầy xước, bầm tím… - Chiều ngày 6/1/2010, anh Trần Thế Dũng, phóng viên báo Người lao động đến làng Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, cách cửa khẩu Hữu Nghị gần 1 km, “điểm nóng” của gia cầm nhập lậu, xuyên biên giới tại tỉnh Lạng Sơn. Đến 19 giờ 15 phút cùng ngày, khi rời khỏi hiện trường, phóng viên Thế Dũng đã bị khoảng 20 thanh niên chặn đường hành hung, gây thương tích nhiều nơi trên cơ thể. - Khoảng 7h30 phút ngày 4/9/2015 tại khu vực Cầu Gia Bảy, TP Thái Nguyên, nhà báo Nguyễn Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên cùng vợ đi làm. Khi đến khu vực cầu Gia Bảy, bất ngờ có 2 đối tượng lạ mặt chặn xe, cầm búa đinh và dao đập cửa kính ô tô bên ghế lái và dùng dao chém tới tấp vào người. Dù bị thương nhưng nhà báo Nguyễn Ngọc Quang đã nhanh chóng mở cửa xe cùng vợ tháo chạy vào nhà người dân gần đó để tránh sự truy đuổi. - Khoảng 15h30 ngày 8/6/2015, khi phóng viên Vĩnh Phú và Linh Hoàng của Báo Giao thông đang quay phim tình trạng xe ben chở đất đá qua cầu Tăng Long, giáp ranh giữa phường Long Trường và Trường Thạnh (Q.9, TP HCM), thì bị nhóm 5 - 6 người lao tới đánh, cướp máy quay trị giá khoảng 10 triệu đồng. Cả hai phóng viên ngay sau đó được đưa vào bệnh viện Q.9 cấp cứu. Theo kết quả chẩn đoán, Linh Hoàng bị rách da đầu, phải khâu ba mũi, Vĩnh Phú bị chấn thương vùng đầu. -Sáng 24/4/2012, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (SN 1970), Trưởng phòng và Hán Phi Long (SN 1979), phóng viên của Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV nhận nhiệm vụ đến Văn Giang, Hưng Yên nắm tình hình vụ cưỡng chế thu hồi 5,8 ha đất dự án Khu đô thị Thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark). Khi đang tác nghiệp, bất ngờ hai nhà báo bị lực lượng cưỡng chế hành hung, thương tích nặng ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Mới đây nhất, chiều ngày 26/3/2016, PV Quang Tới (Báo Bảo vệ pháp luật) đi tác nghiệp để xác minh thông tin liên quan tới việc nạo vét luồng tại địa phận Sông Cầu tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Sau khi ghi nhận tình hình tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang, PV Quang Tới tiếp tục sang địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để ghi lại cảnh nạo vét luồng lạch. Theo trình bày của PV Quang Tới, khoảng 16hh30 ngày 26/3, anh và một đồng nghiệp vào quán cà phê 111 trên đường Nguyễn Gia Thiều, TP Bắc Ninh uống nước. Trong lúc này, bất ngờ anh Tới phát hiện phía bàn bên cạnh có 2 nữ, 1 nam lao vào đánh hội đồng. |