“Không có “bò ngân hàng” thì vợ chồng tôi còn nghèo, nhà cửa cũng không được như thế này đâu”. Đó là lời chia sẻ của chị Lô Thị Xin ở bản Xằng, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông (Nghệ An).
Đồng vốn ưu đãi giúp người dân thoát nghèo
Căn nhà sàn của vợ chồng anh Lô Văn Phim, chị Lô Thị Xin được xem là khang trang nhất bản. Phải mất hơn 5 năm, với nhiều lần dựng theo kiểu "có tiền đến đâu, hoàn thiện đến đấy", căn nhà mới có diện mạo như bây giờ. Mỗi công đoạn làm nhà của vợ chồng người Thái ở xã vùng cao này đều mang dấu ấn "đồng vốn thoát nghèo" của NHCSXH.
Lấy nhau khi tay trắng, vợ chồng anh Phim “ra riêng” với tấm giấy chứng nhận hộ nghèo. Năm 2006, qua Hội CCB xã Lục Dạ, anh Phim được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH dành cho hộ nghèo. Với khoản vay 50 triệu đồng được ngân hàng giải ngân, vợ chồng anh Phim mua 2 cặp bò về chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, lại ham tìm tòi học hỏi thêm về kỹ thuật chăn nuôi, vợ chồng anh Phim dần tăng số lượng đàn bò.
“Hồi đó trâu bò đang có giá nên chỉ sau 3 năm, vợ chồng tôi gom đủ tiền để trả ngân hàng, trước thời hạn 2 năm. Một phần đàn bò bán để trả nợ, phần còn lại vợ chồng anh tiếp tục nuôi theo hướng tăng đàn. Không dừng lại ở việc chăn nuôi, anh Phim bàn với vợ làm hồ sơ xin vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng để trồng rừng. Vay vốn của NHCSXH lãi suất thấp hơn, thời gian thanh toán nợ dài hơn, lại có thể chia nhỏ tiền vay để trả theo kỳ hạn 6 tháng/lần, như thế là quá thuận tiện cho chúng tôi”, anh Phim chia sẻ.
Năm 2024, vườn keo cho thu hoạch lứa đầu tiên, vợ chồng anh Phim "bỏ túi" 100 triệu đồng để tái đầu tư sản xuất, lo cho con cái.
Nhờ biết phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, vợ chồng anh Phim đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, kinh tế phát triển ổn định. Năm 2022, gia đình anh Phim ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Với đàn bò 14 con và 6ha rừng keo, vợ chồng anh Phim đang sở hữu khối tài sản khoảng 250 triệu đồng.
Chủ tịch Hội CCB xã Lục Dạ Lữ Văn Chồng cho biết, dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Con Cuông qua hội là 17 tỷ đồng, trong đó vốn ưu đãi hộ nghèo trên 4,1 tỷ đồng, hộ cận nghèo 2,8 tỷ đồng... Phần lớn các hộ vay đều sử dụng hiệu quả đồng vốn. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế như hộ anh Lô Văn Phim, ông Lô Văn Tư (bản Xằng), hộ ông Nguyễn Hữu Phúc (bản Liên Sơn)...
Rời bản Xằng, theo chân cán bộ NHCSXH, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Hà (SN 1979, trú khối 5, thị trấn Trà Lân, huyện Con Cuông). Sau gần 20 năm sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp, chật chội, cuối năm 2024, gia đình chị Hà đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, bề thế.
"Căn nhà có trị giá gần 1 tỷ đồng, trong đó, 500 triệu đồng từ nguồn vốn vay xây dựng, sửa chữa nhà, phần còn lại vợ chồng tôi tích góp, vay mượn thêm. Tôi nghĩ an cư mới lạc nghiệp, khoản nợ này là động lực để hai vợ chồng tiếp tục phấn đấu, chắt góp, cố gắng trả hết cho ngân hàng sớm hơn thời hạn 20 năm dự kiến ban đầu", chị Hà tâm sự.
Cõng cơ hội thoát nghèo lên núi
Huyện Con Cuông nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, giáp nước bạn Lào với 73% dân cư là đồng bào DTTS. Địa hình rộng, chia cắt giao thông, đi lại khó khăn, trình độ của đại bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế khiến đời sống kinh tế, xã hội của bà con còn rất khó khăn.
Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, những năm qua công tác giảm nghèo bền vững của địa phương này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2024, huyện Con Cuông còn 13,8% hộ nghèo, giảm hơn 9% so với năm 2020.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông Nguyễn Việt Nam cho biết: Từ năm 2020 đến nay, gần 1.000 tỷ đồng nguồn vốn chính sách xã hội qua các đơn vị ủy thác đã được chuyển tải đến hơn 78.000 lượt vay trên địa bàn. Bằng nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, trở thành hộ khá. Không ít trường hợp người vay trả nợ trước thời hạn, có dư, quay lại gửi tiết kiệm. Không chỉ chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến người dân, cán bộ NHCSXH phải giám sát để phát huy một cách hiệu quả, bền vững nhất từng đồng vốn nhân văn này.
Nếu không trực tiếp “vào bản” với cán bộ NHCSXH, thật khó mường tượng được nhiệm vụ của những người bắc nhịp cầu đưa nguồn vốn của nhà nước đến với đồng bào miền núi nơi đây. Lắc lư, xóc nảy trên chiếc ô tô gầm cao “vào bản”, chị Nguyễn Thị Thu Hà - cán bộ tín dụng chỉ vào những ngôi nhà, rành rẽ nhắc về những khách hàng đang và đã vay vốn của đơn vị. “Mặc dù nguồn vốn của NHCSXH được chuyển tải thông qua các đơn vị ủy thác nhưng chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả vốn vay, vừa động viên bà con trong sản xuất kinh doanh. Phải đi đến nơi, nắm thật rõ để đồng vốn chính sách nhân văn của Nhà nước phát huy hiệu quả tốt nhất khi đến tay người dân”, chị Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, hàng năm, NHCSXH huyện Con Cuông tổ chức các buổi tập huấn cho các đơn vị ủy thác (Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên), chính quyền các địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn từng xóm, bản. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã đến tay người dân đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy được hiệu quả tích cực, đóng góp quan trọng cùng chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Cùng với chuyển tải nguồn vốn ưu đãi, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, điều chúng tôi tâm đắc nhất là qua các chương trình tín dụng đã làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội của người dân, thay đổi cách nghĩ, cách làm của họ. Nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn đã thực sự có ý thức cao, trách nhiệm cao đối với số tiền được vay, nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.