Mô hình "cây dừa nhà tôi" tại một ngôi làng ở Bình Định khá độc lạ, bởi khách hàng có thể đặt mua luôn cả cây, hưởng toàn bộ số trái trong 1 năm và được giao tận nhà. Đặc biệt, mỗi cây dừa còn được gắn mã QR định danh.
Trên diện tích hơn 10.000m2, anh Lưu Anh Vũ (34 tuổi, thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã chuyển đổi từ trồng mì (sắn) và đậu phộng (lạc) kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm xanh, từ năm 2016.
Theo anh Vũ, trồng dừa xiêm không tốn quá nhiều công sức và chi phí. Điểm đặc biệt, trong thời gian đầu khi cây chưa tạo tán lớn, có thể trồng xen canh các loại cây trồng khác như cây đậu phộng, hoặc trồng cỏ nuôi bò, thả gà… để tăng thu nhập.
Năm 2024, anh Vũ chính thức triển khai mô hình "cây dừa nhà tôi".
Mô hình này độc lạ bởi khách hàng có thể mua luôn cả cây trong vòng 1 năm với giá ổn định. Trên những thân cây dừa được gắn mã QR định danh, bao gồm thông tin về giống cây, tuổi đời, giá bán và thời gian trồng.
Khách hàng có thể tham quan, lựa chọn cây dừa ưng ý và đặt mua. Nếu khách hàng “chốt”, trên bảng sẽ có tên người mua và số điện thoại liên hệ.
Hiện tại, vườn dừa của anh Vũ có hơn 100 cây, trong đó 70 cây đã cho quả và được khách hàng đăng ký mua trọn gói với giá từ 800.000 - 1.000.000 đồng/cây/năm.
Khách hàng được hưởng toàn bộ số trái trên cây trong 1 năm, khoảng 100 - 120 trái/năm. Khi cây dừa cho trái, đến thời điểm uống nước, chủ vườn sẽ gọi điện thông báo cho khách hàng. Nếu khách hàng muốn trải nghiệm, có thể đến tận vườn để hái và chở về, còn không chủ vườn sẽ hái và chở đến giao tận nhà.
Với mô hình này, giá cả ổn định và chất lượng sản phẩm được đảm bảo nhờ phương pháp chăm sóc hữu cơ. Trước đây, mỗi cây dừa chỉ cho 80 quả/năm, nhưng hiện nay có thể đạt 100 - 120 quả/năm với giá bán 8.000 đồng/quả, cao hơn giá thương lái thu mua bên ngoài.
“Qua khảo sát, người tiêu dùng tỏ ra rất hài lòng với sản phẩm, bởi trái dừa được chăm sóc theo hướng hữu cơ nên cho chất lượng trái tốt, nước ngọt thanh, mát”, anh Vũ nói.
Huyện Phù Cát hiện có 1.200 ha trồng dừa xiêm, trong đó hơn 50 ha đã được cấp mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có nhà máy đóng gói sản phẩm, giá dừa vẫn phụ thuộc vào thương lái, chủ yếu là thu mua nhỏ lẻ.
Để triển mô hình “cây dừa nhà tôi”, huyện Phù Cát đã thành lập 3 hội quán ở xã Cát Hanh, Cát Hiệp và Cát Lâm. Sau khi triển khai mô hình đã giúp cho các hộ gia đình được bao tiêu sản phẩm, đảm bảo chất lượng, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phù Cát cho biết, mô hình này đã thu hút 35 thành viên tham gia. Mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm và không lo đầu ra, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và khuyến khích mở rộng diện tích trồng dừa.
Huyện Phù Cát hiện có 1.200ha trồng dừa xiêm, trong đó hơn 50ha đã được cấp mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có nhà máy đóng gói sản phẩm, khiến giá dừa vẫn phụ thuộc vào thương lái.