Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo

17/07/2014 21:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020: Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển.

Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ cấp bách là xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững đồng thời với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương...

Tiềm năng biển đảo

Việt Nam có trên 3.260km bờ biển, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 3.000 hòn đảo ven bờ và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Thêm vào đó, khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng với sự đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa, sự giàu có các làng nghề..., tất cả đã tạo nên một lợi thế to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay.

Thời gian qua, ngành du lịch đã có những khảo sát, đánh giá tương đối đồng bộ, đưa ra được hệ thống tiềm năng du lịch để từ đó tiến hành việc quy hoạch du lịch biển đảo, sao cho việc khai thác được hiệu quả và bền vững. Đã bước đầu tạo ra một số điểm đến với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đa dạng cùng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, cơ sở lưu trú có chất lượng. Nhiều địa phương đã nhận thức rõ về tầm quan trọng và vai trò của du lịch biển đối với phát triển kinh tế-xã hội của chính mình.

Theo số liệu thống kê giai đoạn 2000-2010, lượng khách du lịch quốc tế đến các tỉnh vùng ven biển luôn chiếm từ 71-74% tổng lượng khách quốc tế tới các địa phương trong cả nước. Đối với khách du lịch nội địa, du lịch biển hằng năm cũng thu hút được từ 52-57% lượt du khách trên toàn quốc.

Cùng với số lượt khách, doanh thu du lịch biển hiện cũng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng số doanh thu toàn ngành. Doanh thu du lịch biển năm 2010 là 5,05 tỷ USD, năm 2012 lên đến 6,8 tỷ USD. Những con số trên đã nói lên vai trò quan trọng của khai thác du lịch biển đảo trong bức tranh tổng thể đa sắc màu của du lịch Việt Nam.

Bên cạnh lợi thế cho phát triển du lịch, tiềm năng và nguồn lợi biển của Việt Nam khi được khai thác hợp lý là yếu tố và tác nhân cực kỳ quan trọng đối với việc phát triển đất nước. Các ngành kinh tế biển phát triển sẽ tạo sự bứt phá và trụ đỡ cho nền kinh tế của đất nước. Kinh tế biển sẽ là động lực vực dậy những ngành kinh tế chưa phát huy hết tiềm năng của nước ta hiện nay.

Về khai thác chế biến dầu khí, chúng ta đã và đang xây dựng Petro Vietnam thành một tập đoàn dầu khí mạnh ở khu vực Đông Nam Á; mục tiêu chiến lược phát triển của ngành dầu khí là trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, hoàn chỉnh từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, thời gian qua, nước ta đã phát triển nhanh hệ thống cảng biển, đội tàu biển và hệ thống dịch vụ hàng hải. Về khai thác chế biến thủy, hải sản: Đã và đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về sự phát triển của lĩnh vực khai thác hải sản, nâng cấp thông tin về nguồn lợi hải sản, nhất là nguồn xa bờ, từ đó đổi mới phương thức sản xuất, tiếp cận công nghệ khai thác tiên tiến, đưa các đội tàu cá ra khai thác xa bờ v.v...

Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ninh

Mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% GDP cả nước, trong đó du lịch biển là khâu đột phá thứ 4 sẽ có mức đóng góp khoảng 14-15% GDP của nền kinh tế biển quốc gia. Với mục tiêu đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã phê duyệt đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Thực hiện thành công đề án sẽ góp phần đáng kể thực hiện mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam - phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Bảo đảm vững chắc chủ quyền biển, đảo

Chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020: “Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước”. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ cấp bách là xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, mà muốn làm được điều đó, tiền đề quan trọng là phải bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp quốc phòng toàn dân, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.

Bên cạnh việc xây dựng và phát triển kinh tế biển, gắn giữa khai thác với bảo vệ môi trường biển và gắn giữa khai thác nguồn lợi với bảo vệ nguồn lợi lâu dài của biển đảo, chúng ta phải tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và lực lượng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Về chiến lược lâu dài, chúng ta chủ trương từng bước hiện đại hoá các lực lượng chấp pháp trên biển, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Tuy nhiên chỉ nhằm duy trì sức mạnh của lực lượng chấp pháp cũng như quân sự ở mức cần thiết để tự vệ. Là một dân tộc phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Việt Nam triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời cũng đòi hỏi các quốc gia khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của mình. Việt Nam chủ trương không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược, kể cả trên đất liền và trên biển.

Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo

Cá ngừ, nguồn lợi lớn từ biển

Giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, trên biển do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển, mặc dù có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam vẫn sẵn sàng đàm phán hoà bình để giải quyết các tranh chấp dựa trên các quy định của Công ước 1982 về luật biển của Liên hợp quốc. Trong khi tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề này, Việt Nam chủ trương các bên phải tự kiềm chế, nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC), tiến tới đạt được giải pháp công bằng, lâu dài cho vấn đề phức tạp này để Biển Đông luôn luôn là vùng biển hoà bình, hữu nghị và phát triển.

Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển, đảo nói riêng đồng thời với việc tăng cường khả năng quốc phòng, phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại thành một thể thống nhất để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Với chủ trương nhất quán đó, chúng ta được sự tin yêu, ủng hộ của các nước trên thế giới, và đó cũng chính là tiền đề nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Duy Hưng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo