Phần lớn các vụ xâm hại trẻ em là do rượu

Đặng Xuân| 28/08/2019 07:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 5 năm qua, tỉnh Lạng Sơn có 87 trẻ bị xâm hại; các hình thức bị xâm hại như bạo lực, tình dục, mua bán và một số hình thức gây tổn hại khác.

Chiều 27-8, Đoàn giám sát của Quốc hội do bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có trên 198 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em diễn ra trên địa bàn tương đối phức tạp, số vụ xảy ra không nhiều, nhưng có một số vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Phần lớn các vụ xâm hại trẻ em là do rượu

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Lạng Sơn cần tăng cường ban hành các chỉ thị về chống xâm hại trẻ em

Trong số đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em, đối tượng là người ruột thịt, người thân thích khác là 23 người. Cạnh đó, người có trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh, người quen của trẻ em là 63 người. Trong tổng số các vụ xâm hại trẻ em, có 73 vụ xảy ra ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; số vụ còn lại xảy ra ở thành phố.

Theo đánh giá, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em là do rượu; ngoài ra, còn do các cháu bé thiếu những kỹ năng tự bảo vệ mình. Tổng số vụ vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em đã bị xử lý trong 5 năm qua là 14 vụ, 23 đối tượng. Có 60 vụ với 84 bị can đã có quyết định khởi tố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, thời gian qua công tác tuyên truyền của các sở, ngành của Lạng Sơn đã làm khá tốt, trong đó điển hình là lực lượng công an. Nhiều nội dung tuyên truyền được gắn với chương trình an sinh xã hội, khám chữa bệnh cho bà con, phát sách vở cho các cháu bé.

Phần lớn các vụ xâm hại trẻ em là do rượu

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng khẳng định tỉnh chủ trương tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm vào từng đối tượng

Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết, tỉnh chủ trương tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm vào từng đối tượng. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn kỹ năng cho các cháu, khuyến cáo cho các mẹ, các chị để hướng dẫn các cháu…

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tỉnh Lạng Sơn cần huy động sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường, toàn xã hội và cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Lạng Sơn cần tăng cường ban hành các chỉ thị về chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; cần có các cuộc thanh tra chuyên đề; có dự báo tình hình căn cứ vào tính đặc thù thực tiễn của địa phương; có các giải pháp phòng ngừa sát với thực tiễn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều phương tiện, hình thức truyền thông khác nhau. “Công tác tư pháp cần thực hiện đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, Bà Lê Thị Nga nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phần lớn các vụ xâm hại trẻ em là do rượu