Mồ hôi đổ xuống đường biên

Nguyễn Trung Thành| 30/03/2020 19:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kể từ ngày có dịch, hàng nghìn chốt chặn được lực lượng Bộ đội Biên phòng dựng lên trên suốt chiều dài gần 4.640 km biên giới đất liền.

Hàng vạn lượt cán bộ, chiến sỹ thay phiên túc trực, tuần tra, kiểm soát khắp các đường mòn, lối mở, bất chấp sương rừng gió núi. Mồ hôi, công sức của các anh đã đổ quá nhiều xuống đường biên.

Mồ hôi đổ xuống đường biên

Đại úy Lê Văn Vũ tặng và hướng dẫn cách đeo khẩu trang cho đồng bào

“Vào từng nhà, rà từng bản”

Nếu trải bản đồ của xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) ra, tìm bản Pá Kha, dễ dàng thấy một chấm nhỏ nằm hút sâu giữa núi rừng, giáp với biên giới Việt - Lào. Bản là nơi định cư của hơn 150 hộ với trên 1.500 khẩu, trong đó có đến 98% là đồng bào dân tộc Mông. Xa xôi, cách trở, sơn lam chướng khí là thế vậy mà từ nhiều ngày nay, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Nà Bủng (BĐBP tỉnh Điện Biên) vẫn lặng lẽ băng rừng vào đây lập Chốt để phòng chống dịch.

Thiếu tá Đỗ Xuân Lương, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nà Bủng cho biết: “Ngay từ khi có dịch Covid-19, thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, Đồn Biên phòng Nà Bủng đã tiến hành lập chốt tại bản Pá Kha và tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn triệt để các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên biên giới và phòng chống dịch”.

Do chốt được dựng lên sát đường biên, xa khu dân cư nên 6 cán bộ, chiến sỹ (4 cán bộ, chiến sỹ biên phòng, 1 công an và 1 dân quân xã Nà Bủng) trong Tổ phòng chống dịch Pá Kha phải chịu cảnh thiếu thốn trăm đường. Thiếu điện, thiếu nước, nhưng lại thừa nắng gió. Nắng Nà Bủng mùa này khô hanh như lửa, cộng thêm gió Lào thổi từ sáng tới chiều khiến người ta có cảm giác chỉ cần thêm mồi lửa là mọi thứ có thể bùng lên. Nhiều chiến sỹ không quen thời tiết thì thỉnh thoảng mũi sẽ bị chảy máu cam, mắt môi khô khốc.

Ngày hanh hao, nắng nỏ là vậy, song đêm ở Nà Bủng lại khác biệt hoàn toàn. Chỉ cần bóng tối ụp xuống là nhiệt độ hạ nhanh tới mức như thể người ta xuống cầu thang. Mỗi giờ trôi qua trời càng thêm lạnh. Chỉ cần đến nửa đêm là cái rét bắt đầu tràn ngập khắp nơi. Nhiệt độ lúc đó chênh với ban ngày có khi lên đến 15 - 17 độ C.

“Mấy ngày đầu, anh em phải đi bộ 3 - 4 km để xách nước, còn điện thì không có, mãi mới kéo nhờ được từ nhà dân. Lều bạt dựng lên, dù chắc chắn đến đâu, chỉ cần một cơn giông lốc là lung lay, xiêu vẹo. Anh em lại phải kỳ cụi gia cố, căng che lại từ đầu. Mà gió ở rừng thường lớn. Gió từ trên núi lùa xuống, gió từ lòng thung bốc lên. Lắm khi quần áo chăn màn bị cuốn xoáy như chong chóng”, Đại úy Lê Văn Vũ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Nà Bủng, Tổ trưởng chốt phòng dịch Pá Kha chia sẻ.

Tính từ hôm lập chốt, Nà Bủng phải đón nhận 6 - 7 cơn mưa, cả mưa thường lẫn mưa đá. Mỗi trận mưa như vậy, anh em trong chốt lại thức trắng đêm. Phần vì tiếng mưa gõ lều bạt, phần vì gió thốc. Khó khăn, vất vả là thế, song anh em vẫn luôn động viên nhau cố gắng vượt qua để vừa bảo vệ biên giới, vừa phòng chống dịch.

Với phương châm “vào từng nhà, rà từng bản”, ngày nào Vũ cũng cùng anh em trong tổ chia nhau vào từng nhà vận động đồng bào quét dọn nhà cửa, chuồng trại, giữ vệ sinh cơ thể và một số kiến thức phòng chống dịch. Tính đến giờ, chỉ riêng mình Vũ đã gặp và tuyên truyền cho 28 hộ gia đình với gần 200 người. Còn tính tất cả anh em trong tổ cũng đi gần đủ 150 ngôi nhà ở Pá Kha, với hơn 1.500 nhân khẩu.

Mồ hôi đổ xuống đường biên

Toàn cảnh chốt phòng dịch Pá Kha.

Kiên trì bám địa bàn

Ám ảnh và khó khăn nhất trong các chuyến đi xuống địa bàn của anh em trong tổ phòng dịch Pá Kha có lẽ là chuyện giao thông, đi lại. Bởi, phần lớn những con đường ở vùng đất biên viễn này đều cong cua, dốc dác, nhiều đoạn một bên thăm thẳm vực sâu, bên kia vách đá dựng trời. Khó khăn, hung hiểm là thế nhưng anh em vẫn cố gắng xuống từng thôn, vào từng nhà, gặp từng người để phân tích, tuyên truyền, giảng giải cho họ các phương pháp phòng chống dịch.

Để tránh giờ lên nương của đồng bào, thông thường anh em trong tổ phải dậy từ 4 - 5 giờ sáng. Đánh răng, rửa mặt, ăn uống qua loa rồi cắp thùng khẩu trang, túi thuốc dũi lút vào sương núi mà đi. Còn buổi chiều, cứ khoảng 15 - 16 giờ là anh em bắt đầu khởi hành để xuống đến bản trước khi trời tối. Đó cũng là lúc bà con vừa trở về nhà sau một buổi đi nương.

Ở Nà Bủng, Pá Kha nổi tiếng là xa xôi, khuất nẻo đến tột cùng. Đường vào bản cuồn cuộn từng khoanh chả khác gì con mãng xà chao mình giữa các đỉnh núi mây mù. Cán bộ biên phòng đi mãi, đi từ lúc mặt trời chéo đỉnh đầu đến khi lau lách mờ dần, bóng tối bịt bùng ụp xuống thì mới gặp được vài căn nhà nằm ềm ệp trong sương. Xa xôi, cách trở là thế, đến “đường nhựa còn không bò vào được”, nhưng anh em trong Tổ vẫn cố gắng động viên nhau “gõ cửa từng nhà”. 

Thế nhưng, ngay cả khi đã bước qua cái ngưỡng cửa, ngồi hơ tay trên đống lửa giữa nhà của đồng bào, cán bộ lại “vấp” phải một khó khăn khác. Nó còn cao hơn cả ngọn núi. Đó là hủ tục và những lề thói, suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu của đồng bào từ thuở hồng hoang. Ví như cái chuyện mỗi khi đau ốm, đồng bào ở đây thường tìm đến các thầy lang, thầy mo trong vùng nhờ cúng bái, chứ chả mấy khi cậy nhờ đến thầy thuốc hay là đi bệnh viện. Giờ muốn họ thay đổi quan điểm lẫn thói quen sinh hoạt là một điều cực khó.

Không nản lòng, các cán bộ, chiến sỹ trong tổ vẫn kiên trì bám địa bàn để làm công tác tuyên truyền, vận động. Vận động người già trước, người trẻ sau; thuyết phục cán bộ, đảng viên gương mẫu trước để quần chúng nhân dân học theo… Cứ thế, mưa dầm thấm đất, cái lý cái tình và tấm lòng của những người lính quân hàm xanh dần ngấm vào mỗi xó làng góc bản.

Bà con bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm, năng tắm rửa, giữ vệ sinh cơ thể. Thậm chí nhiều gia đình có con em đang lao động bên Lào hay Trung Quốc còn gọi sang động viên hạn chế đi lại, tránh lây lan dịch bệnh. Nhờ thế mà tính đến thời điểm này, trong hơn 30 người ở Pá Kha đi lao động bên nước bạn, mới có mình Cư A Năm (SN 1981, nhà ở bản Pá Kha) trở về. Ngay khi đặt chân đến Việt Nam, Năm cũng được anh em trong Chốt vận động và đưa đi cách ly trên Trung tâm y tế huyện.

Sưởi ấm miền sương rét

 “Ngoài kiểm soát chặt chẽ tại khu vực Pá Kha, Đồn Biên phòng Nà Bủng còn có một Trạm Quân dân y kết hợp đặt ngoài Vàng Đán, quân số lúc nào cũng đảm bảo từ 6 - 8 người. Bên cạnh đó, 100% cán bộ, chiến sỹ của Đồn đã lập các tổ cơ động đi tuần tra trên toàn tuyến nhằm phát hiện và ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép. Cùng với đó, Đồn còn triển khai kế hoạch điện đàm, trao đổi thông tin liên quan đến dịch bệnh với các Đồn bạn để có biện pháp phối hợp, ngăn chặn kịp thời”, Thiếu tá Đỗ Xuân Lương chia sẻ.

Cũng theo anh Lương thì kể từ khi có dịch, đa số cán bộ, chiến sĩ của Đồn phải túc trực 24/7. Rất nhiều cán bộ suốt mấy tháng trời không được về nhà, tất cả đều dồn sức vào nhiệm vụ canh gác, tuần tra và phối hợp với các cơ quan đoàn thể của địa phương xuống gặp gỡ đồng bào để tuyên truyền về phòng chống dịch.

Thiếu tá Dương Mạnh Long, cán bộ quân y của Đồn và cũng là thành viên của chốt phòng dịch Pá Kha tâm sự: “Từ Tết đến giờ tôi chưa về thăm nhà. Vẫn biết vợ con, gia đình sẽ nhớ mong, lo lắng. Nhưng vì nhiệm vụ chung, xác định “chống dịch như chống giặc”, thế nên không riêng gì bản thân tôi mà tất cả anh em trong Đồn cũng như trong chốt đều quyết tâm bao giờ hết dịch thì mới tính đến chuyện về quê. Nhiều lúc nhớ nhà quá, tôi cũng chỉ biết gọi điện về an ủi, động viên người thân và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Mồ hôi đổ xuống đường biên

Tuần tra đường mòn, lối mở.

Cũng chính vì cái quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, “không để lọt một con vi rút” mà có chiến sỹ cả tháng trời ôm cột mốc. Nhớ vợ, nhớ con, nhớ tiếng còi xe và nhớ luôn cả tiếng... người. Cũng có cán bộ vợ ốm con đau không về được, chỉ biết tranh thủ tìm chỗ có sóng rồi điện thoại về hỏi thăm. Nước mắt chảy tràn suốt hai đầu cuộc gọi. Hay như Thượng úy Má A Sơn, thành viên chốt phòng dịch Pá Kha, vợ gọi lên báo bố bị ốm nặng, anh nghe rồi lặng lẽ trèo lên núi ngồi bó gối, mắt dõi hướng quê nhà. Lát sau quay lại chốt, anh em chưa kịp hỏi thăm thì Sơn đã bảo: “Mình xuống bám nắm địa bàn đây!”.

Nậm Pồ mùa này trời trong vắt, nắng trong vắt, trong như nước mắt của những người vợ chờ chồng. Thật khó có thể đong đếm được hết những gian lao, vất vả, những tủi hờn, thua thiệt mà những người lính biên phòng và người thân của họ phải trải qua. Chỉ biết rằng, để có một vùng biên giới với những bản làng giữ được sự yên bình, trong vắt từ thượng cổ đến bây giờ, họ đã phải đánh đổi, hy sinh rất nhiều.    

Và, có thể cuộc chiến chống lại dịch bệnh nói riêng, chống lại cái đói, cái nghèo của đồng bào Nà Bủng và nhiều xã, bản khác ở vùng đất Nậm Pồ tuyệt mù xa ngái này nói chung, sẽ còn dai dẳng và khốc liệt, nhưng dù thế nào thì họ cũng sẽ mỉm cười vì có những cán bộ, chiến sỹ biên phòng làm điểm tựa.

Giờ, mỗi lần ngoái về mảnh đất nằm tít hút phía Tây của Tổ quốc ấy, tôi đều nhớ đến anh Lương, anh Vũ, anh Long và nhiều người lính khác. Họ đã và đang phải chịu bao cam khó, thẳm xa, cô quạnh để thắp lên ngọn lửa sưởi ấm miền sương rét. Và tôi tin, ngọn lửa ấy, ngọn lửa được các anh thắp lên từ chính "trái tim Danko" của mình, nó sẽ sáng mãi nơi biên cương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mồ hôi đổ xuống đường biên