Hào Anh: Bi kịch của trái tim mang sẹo

Ý Thơ| 09/07/2015 18:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu chuyện cổ tích về Hào Anh là một bi kịch. Bi kịch của một trái tim đầy vết sẹo của những trận đòn “thừa sống thiếu chết” và mất niềm tin vào con người…

Ngày 25/9/1609, chàng trai ngoài hành tinh Do Min Joon rơi xuống Triều đại Joseon (Nhà Triều Tiên1392 -1910) và mắc kẹt ở đây. Anh có khả năng di chuyển với tộc độ đáng kinh ngạc chỉ trong chớp mắt, có thể nhìn thấy những gì sẽ xảy ra với các đối tượng trong tương lai gần. Tuy nhiên, anh luôn che giấu khả năng của mình một cách triệt để, không bao giờ sử dụng nó trước mặt ai.

Một lần, anh gặp đám chơi bạc, trong đó có người đàn ông ham mê đỏ đen bị thua hết sạch tiền đang chắp tay van xin các “bạn cờ bạc”, và kể lể gia cảnh rất đáng thương. Tội nghiệp, anh chàng người ngoài hành tinh ra tay giúp đỡ… Thay vì thua lớn, người đàn ông này thắng đậm.

Rồi bỗng nhiên, một ngày nọ, Do Min Joon gặp lại chính người đàn ông đó mang đứa con gái đã lớn của mình ra gán nợ vì thua cờ bạc. Anh lắc đầu chán ngán…

Đó là câu chuyện nhỏ trong bộ phim lãng mạn giả tưởng Vì sao đưa anh tới của đất nước xứ củ sâm gây sốt hồi năm ngoái mà người viết bất chợt nhớ đến ngay khi đọc được thông tin về “cậu bé bị tra tấn như thời trung cổ” đã bị bắt giữ vì trộm cắp hôm 06/7 vừa qua.

Hào Anh: Bi kịch của trái tim mang sẹo

Hào Anh xúc động khi kể về quãng thời gian kể từ ngày được giải cứu khỏi trại tôm của vợ chồng Giang - Thơm. Ảnh: Mai Vinh (TTO)

Khát khao vòng tay của mẹ

Năm ngoái, câu chuyện “cổ tích” về cuộc đời Nguyễn Hoàng Anh (tên thường gọi Hào Anh) được “lật lại” khi báo chí đưa tin cậu “ngược đãi” với mẹ ruột và cha dượng chỉ vì… bạn gái. Khi đó nhiều người bảo cậu “đổ đốn”, bảo cậu từng trải qua đau khổ, từng được mọi người giúp đỡ, sao giờ lại trở thành kẻ bất hiếu với chính đấng sinh thành ra mình?

Nhưng, chính quãng thời gian sau khi được giải cứu và đi học tại Trung tâm Lao động Xã hội tỉnh Cà Mau, được 2 năm, cuối cùng cậu xin được về đoàn tụ với mẹ và hai em. 12 tuổi đi ở đợ, bị đánh đập, hành hạ dã man, chắc hẳn cậu sẽ nhiều đêm nằm ôm vết thương khóc vì nhớ mẹ.

Có lúc nào cậu hận mẹ không? Điều này không ai dám chắc, bởi chúng ta không là Hào Anh, chúng ta không có quyền phán xét, hay lên án mẹ thay cậu. Có người đã đặt câu hỏi: Khi Hào Anh bị ngược đãi, thì mẹ cậu ở đâu? Với bản năng một người làm mẹ, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, nhưng nỡ lòng nào chị có thể cho con đi làm thuê khi con mới hơn 10 tuổi đầu?

Hào Anh: Bi kịch của trái tim mang sẹo

Hào Anh tại Trung tâm Bảo trợ Lao động Xã hội tỉnh Cà Mau. Ảnh: Internet

Người viết chưa được tiếp xúc với cậu, cũng không có cơ hội gặp mẹ cậu hay những người sống xung quanh cậu, nên không dám đưa ra lời phán xét. Bởi có lẽ, khi bị rơi vào một hoàn cảnh không thể nào thoát ra được, họ hẳn cũng phải đấu tranh tâm lý rất nhiều trước khi đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn; và chắc hẳn cũng không dưới một lần họ ân hận khi nghĩ đến việc làm của mình.

Về phần Hào Anh, tôi lại bắt gặp hình ảnh người mẹ trong mắt cậu, trong trái tim cậu khi cậu gặp mẹ tại trại giam. Lần nào mẹ Hào Anh lên thăm, hai mẹ con cũng ôm nhau khóc…

Và nếu xâu chuỗi những chi tiết liên quan đến cuộc đời Hào Anh, ngay cả khi đã thoát khỏi cuộc sống khốn cùng nơi đầm tôm và có trong tay hàng trăm triệu đồng (đến nỗi nhiều báo giật tít “triệu phú” Hào Anh), hay khi bị xã hội lên án, thậm chí “rơi vào vòng lao lý”, tôi dám chắc niềm khát khao tình yêu, vòng tay ôm ấp, chở che của người mẹ luôn tồn tại trong tâm trí cậu.

Trái tim mang sẹo

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí mới đây, Hào Anh đã nhiều lần xúc động khi kể về quãng thời gian 5 năm đã qua kể từ ngày được giải cứu khỏi trại tôm giống Minh Đức của vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm. Cậu nói, những ngày trong trại giam cậu thèm được sống “một cuộc sống bình thường”, “được đi ra đi vô tự nhiên” mà không có ai “nhìn sau lưng mình”.

Ngược trở lại quá khứ. 12 tuổi, Hào Anh đi ở đợ cho vợ chồng Giang - Thơm. Suốt gần 2 năm trời cho đến khi được giải cứu, cậu bị tra tấn dã man, sống một cuộc sống không khác gì “địa ngục trần gian”.

Cậu bị ép uống nước tiểu của chính mình, bị ép nuốt túi ni lông đựng nước tiểu, uống nước mặn, nước xà bông, nuốt bao tay, giẻ lau và lông chó, bị lấy ổ khóa dây đánh chảy máu mũi, hay dùng kìm bẻ răng, dùng nước sôi đổ vào người, dùng dây nịt đánh đập… đến nỗi phải mang thương tích 66,83%...

Hào Anh: Bi kịch của trái tim mang sẹo

Những hình ảnh về cậu bé Hào Anh ngày được giải cứu khiến nhiều người đau lòng. Ảnh: Internet

Trong cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân cách đây không lâu về bạo lực học đường, bạo lực trẻ em, chị đã chia sẻ nhiều về những tổn thương, sang chấn tâm lý mà trẻ có thể phải gánh chịu khi là nạn nhân của hành vi bạo lực. Sức khỏe suy giảm, tâm lý tự ti, sợ hãi, thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, trầm cảm… là những hậu quả thường thấy.

Chiếu sang trường hợp Hào Anh, nhìn lại đòn tra tấn mà cậu phải chịu khi mới hơn 10 tuổi - những “ngón đòn” chỉ thấy trong các bộ phim về người tù khổ sai - chắc hẳn ai cũng phải rùng mình kinh sợ. Và, nếu đặt mình trong hoàn cảnh đó, liệu ai có thể tự tin mà nói rằng mình sẽ vượt qua, sẽ sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường - kể cả sau khi nhận được tình thương và sự ủng hộ bằng tiền bạc của rất nhiều người trong xã hội?

“Tôi hay nằm mơ thấy mình bị đánh nên tôi thường xuyên nổi nóng. Có đêm ngủ mớ, mở mắt ra nhìn tay đầy thẹo tôi cảng hoảng hốt, chuyện bị đánh đập ngày xưa cứ hiện ra khó chịu lắm”, Hào Anh đã chia sẻ với PV Tuổi Trẻ như vậy.

Trái tim Hào Anh đã mang sẹo, những vết sẹo chằng chịt, quá dài, quá rộng, quá sâu… chúng sâu đến nỗi mà khó có thể mờ.

Mất niềm tin vào con người

Cũng trong cuộc tiếp xúc với PV Tuổi Trẻ, Hào Anh kể rành rẽ việc sử dụng gần 800 triệu đồng mà các nhà hảo tâm cho. Trong câu chuyện của mình, những lời nói của Hảo Anh thể hiện rằng cậu nhận thức được việc mình làm. Cậu nói cái sai lớn nhất là “nhận tiền của nhà hảo tâm mà không học cho mình được một cái nghề”.

Cậu kể, cậu cảm thấy “mình như bị thương hại, làm gì cũng phải nhìn trước nhìn sau” khi nhận được sự quan tâm quá lớn của mọi người. Nhưng, “thương như vậy cũng làm tôi khó sống. Đi đâu cũng thấy bị săm soi, dò hỏi”.

Rồi khi được chính thức nhận số tiền có được từ lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân, Hào Anh đâm… “sinh hư”. Thích tụ tập, thường xuyên ngồi quán internet, thích chơi game online, và cậu bị “nghi ngờ ăn cắp” đến nỗi “Trong phường trong xóm có ai mất mát gì thì cứ chăm chăm nhìn vào tôi. Có người còn chỉ thẳng mặt mỗi khi thấy tôi: “Đi ăn cắp hả mày?”…

Ngày xưa, khi cậu còn ở đợ, cậu bị vợ chồng Giang - Thơm đánh những trận đòn chí mạng với lý do “lười biếng, chậm chạp, làm không vừa ý, nói không nghe lời…”.

Hào Anh: Bi kịch của trái tim mang sẹo

Theo chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân, hành vi của Hào Anh có thể lý giải là do cậu mất niềm tin vào con người. Ảnh: Internet

Gần 2 năm trời bị hành hạ, cậu không thể kêu ai và cũng chẳng thể tìm được sự giúp đỡ của ai. Phải chăng điều này khiến cậu đã dần mất niềm tin vào những người xung quanh, khi “nhìn ngang ngó dọc” chỉ là khuôn mặt ghê gớm đầy căm thù của vợ chồng Giang - Thơm, khi trong lòng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ có thể bị đánh bất cứ lúc nào?

Và đến lúc cậu được tái hòa nhập cộng đồng thì như cậu chia sẻ, cậu lại bị mọi người “săm soi”. Chẳng ai tin cậu, vậy thì hà cớ gì, cậu lại phải tin và có thể tin mọi người?

“Nhiều lần tôi đã đổ thừa cho sức khỏe nhưng thật sự là tại tôi không đủ sức chống lại chuyện ham chơi, chuyện soi mói của những người xung quanh”, Hào Anh chia sẻ.

Việc mới đây Hào Anh lấy trộm máy tính của ông chủ, theo chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân, nó không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những sang chấn tâm lý thuở nhỏ. Nhưng trên thực tế, Hào Anh đã trải qua một quãng thời gian dài từ nhỏ thiếu niềm tin với mọi người khi bị đánh đập, tra tấn dã man gần 2 năm trời mà “gần như không ai biết”. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến Hào Anh.

Và rất có thể, khi không còn tin ai nữa, cậu sẽ chỉ tin vào vật chất (cái nhìn thấy được) mà mọi người cho cậu, giúp cậu có cuộc sống tốt đẹp. Có tiền, cậu được sống cùng gia đình, được đi chơi, được có bạn gái… và hình như là được mọi người quan tâm hơn rất nhiều. Khi số tiền không phải do mồ hôi công sức cậu bỏ ra, sau bao năm cùng cực, bỗng một ngày cậu trở thành “triệu phú” thì phải chăng trong đầu cậu sẽ nghĩ rằng “à, tôi được quyền như thế, vì tôi đã quá khổ rồi, vì tôi xứng đáng được như thế”?

Không được giáo dục, định hướng

Liên quan đến câu chuyện về Hào Anh, chuyên gia tâm lý, chuyên gia xã hội học PGS.TS. Trịnh Hòa Bình chia sẻ: Đây là hiện tượng xã hội rất đau lòng, rất đáng quan ngại, bởi rõ ràng Hào Anh đã được “cứu vớt” bởi dư luận xã hội, nhờ đồng tiền thiện nguyện của đông đảo những nhà hảo tâm, nhờ sự quan tâm của cộng đồng.

Trở lại câu chuyện về anh chàng ngoài hành tinh Do Min Joon, sở dĩ người viết nhắc đến hình ảnh người cha vì cờ bạc mà mang bán con gái sau khi đã nhận được sự giúp đỡ của Ngài Do, cũng bởi - ngoài việc “ngựa quen đường cũ” (ham mê cờ bạc) - ông ta cho rằng, mỗi khi gặp khó khăn khốn đốn, ông bỗng nhiên lại được một ai đó giúp. Số tiền ông có được từ “vận may rủi” nó cũng dễ dàng như thế, nên ông không biết quý trọng nó.

Hào Anh: Bi kịch của trái tim mang sẹo

Chuyên gia tâm lý, chuyên gia xã hội học PGS.TS. Trịnh Hòa Bình

Xét ở một khía cạnh nào đó, cũng như người cha nói trên, đồng tiền mà Hào Anh có được không phải trải qua một quá trình gian khổ, không phải từ mồ hôi công sức của chính cậu, nên vì thế mà cậu không biết trân trọng? Hoặc nếu có quý trọng, thì trong một phút giây bồng bột nào đó, cậu cũng có thể tiêu pha mà không cần suy nghĩ?

Còn môi trường sống của Hào Anh, như ta thấy đó không phải là một môi trường lành mạnh. Cậu đã đuổi đấng sinh thành ra khỏi nhà (nhà được xây nên từ tiền trợ giúp của những tấm lòng hảo tâm), ăn chơi, đua đòi….

Rồi khi nguồn tiền cạn thì nhưng chúng ta thấy, cậu bé đã có hành động vi phạm pháp luật, và đối diện với vòng lao lý, đó là bước trượt của những phần tử, những thành viên thuộc nhóm yếu thế không vươn lên được do chưa thể thay đổi được về phương diện nhận thức, về phương diện làm chủ đời mình.

Cùng chung quan điểm với PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, chị Dương Kim Ngân cho biết: “Điều quan trọng dẫn đến hành vi không tốt của Hào Anh đó là vì cậu sống trong môi trường thiếu giáo dục, không được quan tâm, dạy dỗ từ nhỏ. Nhiều khi Hào Anh chỉ hành động theo bản năng của mình, không theo khuôn mẫu được dạy dỗ, vì chẳng ai bảo cậu việc nào là sai, là vi phạm đạo đức… Chúng ta có thể thấy điều đó trong hành vi đuổi mẹ ra khỏi nhà, rồi sau đó ân hận, xin lỗi… hồi năm ngoái của Hào Anh”.  

“Đây là bước trượt không thể khác được của một cậu bé không được giáo dục, rèn luyện một cách đúng mực. Cho nên nó chỉ nhìn thấy khía cạnh tiền bạc và tiêu dùng”, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình nhận định.

Vậy thì lỗi ở ai? Lỗi của cậu bé là nhiều nhất! Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại vấn đề. Cái mà xã hội cưu mang cứu vớt đã không thể thẩm thấu vào con người, tâm hồn cậu bé để chuyển hóa thành chất, nên nó vẫn sống nhờ, sống vay mượn. Bởi sao? Bởi cậu đã không được giáo dục, được định hướng theo những chuẩn mực vốn có của quy tắc đạo đức.

*Bài viết sử dụng một số ý trong bài phỏng vấn nhân vật Hào Anh đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 07/7/2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hào Anh: Bi kịch của trái tim mang sẹo