Vào năm 2017, Hiệp hội Phương ngữ Mỹ bầu chọn "fake news" (tin giả) là từ ngữ của năm. Có thể nói Fake news đã trở thành vấn đề đau đầu đối với nhiều quốc gia, tổ chức, cá nhân khi mà hệ lụy nó mang lại không hề nhỏ.
Trước đó, tại Việt Nam, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng internet biết tới fake news - tin giả. Tuy nhiên, song song với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội thì tin giả ngày một tràn lan và chúng ta không thể không để tâm tới vấn đề này.
Tin giả tràn lan trên thế giới
Ở thời đại mà người ta chỉ cần nhấp chuột trên mạng xã hội có thể đưa thông tin tiếp cận hàng ngàn người thì việc khi một tin giả được tung lên internet, chỉ ngay sau đó nó đã trở thành mối nguy hại khôn lường và khó tìm được hướng giải quyết.
Chắc hẳn giới truyền thông báo chí thế giới không bao giờ quên được câu chuyện một người đàn ông 28 tuổi sống tại Bắc Carolina, tên Edgar Maddison Welch đã xách khẩu súng trường AR-15 tới nhà hàng Comet Ping Pong, phía Bắc thủ đô Washington. Welch được cho là đã theo một thuyết âm mưu nào đó và tự xem mình là một anh hùng đi giải cứu trẻ em. Ông ta đã bị tin giả đánh lừa và muốn tự điều tra về vụ mà ông ta tin là đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến bà Hillary Clinton.
Trước đó khoảng 2 tháng, ở Mỹ rộ lên thông tin thất thiệt rằng ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton - đối thủ của ông Trump - đã điều hành một đường dây mại dâm trẻ em tại Comet Ping Pong. Tin giả này suýt nữa gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và Đức, và vì đọc nhầm tin giả, một Bộ trưởng Pakistan đã đe dọa sử dụng hạt nhân với Israel.
Fake news đã trở thành vấn đề đau đầu đối với nhiều quốc gia, tổ chức, cá nhân
Một điều oái oăm hơn nữa là fake news thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống. Theo nghiên cứu của BuzzFeed, fake news thu hút được 8,7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối của chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2017. Trong khi đó tin tức của các nguồn tin báo chí lừng danh như New York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7,3 triệu lượt chia sẻ, bình luận.
Các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) còn phát hiện rằng tin giả mạo thường được người dùng đăng tải lại (re-tweet) nhiều hơn so với robot mạng. Và họ nhận định có thể là do tin giả "mới mẻ hơn" và chủ đề thường có nhiều tin giả nhất liên quan đến chính trị.
Có thể thấy, những hoang tin với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc các mạng xã hội, có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống.
Tin giả ở Việt Nam
Cách đây chỉ khoảng 3 năm, cụm từ “tin giả” vẫn còn khá xa lạ với người dùng internet Việt Nam. Nhưng cùng với sự bùng nổ nhanh chóng của mạng xã hội thì tin giả cũng lan tràn như một thứ virus, dịch bệnh gây ra rất nhiều tổn thất không những với cá nhân mà với cả các tổ chức kinh tế.
Thực tế hiện nay, nhiều mạng xã hội như Facebook, Zalo đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Việt. Mạng xã hội không còn chỉ là công cụ giải trí, nó gắn với việc làm, tài chính, các mối quan hệ. Và không ít người ngày ngày cập nhật thông tin qua mạng xã hội - một kênh thông tin không chính thống, chưa được kiểm duyệt. Hệ lụy của việc này khiến nhiều tổ chức, cá nhân bị các đối tượng xấu tấn công bằng những dòng tin giả trên mạng xã hội.
Đặc tính của thông tin trên mạng xã hội là thường tạo ra những câu chuyện, vấn đề từ trang cá nhân hoặc nhóm, cộng đồng ảo, với nội dung hoàn toàn do tài khoản cá nhân tạo lập, không bị kiểm duyệt bởi đơn vị nào. Đây cũng là lý do, thay vì chỉ câu dẫn lượt chia sẻ, bình luận nhằm gây ra sự chú ý của cộng đồng, từ đó tăng lượng tương tác để quảng cáo hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, những dòng tin giả bắt đầu được ra đời với mục đích xấu.
Có thể kể tới một số nạn nhân mà tin giả hướng tới như: Bôi nhọ danh dự của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; khiến dư luận lo sợ, hoang mang về sự việc không có thật; tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước... Ví dụ gần đây nhất như việc một số tài khoản Facebook đã đăng tải các thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi, thịt lợn nhiễm sán gạo... khiến người dân tại địa phương được cho là xuất hiện lợn bệnh trong thông tin đăng tải rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ không dám ăn, thậm chí kêu gọi tẩy chay thịt lợn.
Pepsi cũng là một trong những nạn nhân thiệt hại nặng nề do tin giả trên mạng xã hội. Cụ thể, vào tháng 7/2018, tài khoản Facebook Nguyễn Công Minh đã chia sẻ thông tin về việc người này mỗi ngày uống 3 chai nước Sting trong một thời gian dài, và hậu quả là hiện nay anh ta đang bị suy thận nặng, status này suy diễn là hệ quả do sử dụng quá nhiều nước Sting. Sau khi thông tin này được đăng lên thì nó đã lan tỏa chóng mặt trên Facebook. Chỉ trong vòng 6 ngày tin tức này đã nhận được 65.114 lượt chia sẻ trên Facebook và 93.600 lượt tiếp cận.
Chế tài xử lý đối với nạn tin giả
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những biện pháp quyết liệt để đối phó với fake news. Ở Việt Nam từ 1/1/2019, Luật An ninh mạng đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc tung tin giả, tin sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm, tùy theo tính chất có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí là phạt tù. Đáng nói, vẫn có một số lượng lớn người dùng mạng xã hội tại Việt Nam không nắm được quy định pháp luật này.
Chia sẻ với báo chí, luật sư Nguyễn Thúy Kiều (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, nguyên nhân tin giả, tin sai sự thật có thể lan truyền trên mạng xã hội là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dùng. Mặc dù các thông tin dạng này người dùng có thể tự đăng, tự chia sẻ nhưng với quy định trong các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, đặc biệt là Luật An ninh mạng thì người đăng tải, lan truyền sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể, Điều 8 và 9 Luật An ninh mạng đã quy định: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thách thức báo chí thời công nghệ cao
Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo trước phiên khai mạc “Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 - Công nghệ số cho những điều tốt đẹp” diễn ra vào ngày 20/3/2019, ông Micheal Croft, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với báo chí về nạn tin giả.
Thực tế cho thấy, nguy cơ từ tin giả ngày càng trở nên phức tạp và nguy hiểm. Điều này không những đòi hỏi sự hợp tác trên quy mô toàn cầu giữa các quốc gia một cách quyết liệt, mà còn chính từ các cơ quan, đơn vị báo chí.
Nhưng, điều nguy hiểm ở đây là chính nhà báo cũng đang trở thành quân bài trong tay một số kẻ trục lợi thông tin. Việc tin giả tràn lan trên mạng internet nếu không cẩn thận, nhà báo dễ bị cuốn vào những loại thông tin giả. Trong cái mê cung tin tức hỗn độn đó, các nhà báo cần giữ cái đầu lạnh, tỉnh táo, không vội vã tự đẩy mình bị cuốn vào vòng xoáy thông tin.
Nói thế bởi không ít những trường hợp các cơ quan báo chí bị xử phạt khi cho đăng tải các thông tin sai sự thật không những ở Việt Nam mà ở hầu hết trên thế giới. Các cơ quan báo chí cũng không thể tránh khỏi những “cú lừa” của fake news.
Thông tin ngày càng có ý nghĩa to lớn trong mọi mặt của cuộc sống, nhưng tin giả lại nhiều hơn thật. Sẽ ra sao nếu người dân không còn tin vào báo chí? Chưa bao giờ đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay. Làm thế nào để có được nội dung báo chí chất lượng cao sẽ là một câu hỏi lớn trong những năm tới dành cho các nhà quản lý, các tòa soạn và bản thân các nhà báo.