Chúc Tết thời 4.0

Hà Kim| 25/01/2020 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lời chúc Tết không chỉ là nét văn hóa đẹp mà còn mang giá trị của tình nghĩa, của tấm lòng.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội đã làm thay đổi phần nào thói quen chúc Tết xưa, bởi không cần phải đến tận nhà, nhiều người vẫn có thể gửi lời chúc Tết từ xa thông qua tin nhắn SMS, gọi điện thoại, đặc biệt thông qua ứng dụng chúc Tết trực tuyến dễ dàng, thuận tiện.

Chúc Tết thời 4.0

Công nghệ làm thay đổi thói quen chúc Tết xưa

Tết Nguyên đán là dịp để gia đình sum họp sau những ngày tất bật lo toan với những bộn bề của cuộc sống, là dịp bà con, chòm xóm, bạn bè, đồng nghiệp,… tụ họp, quây quần bên nhau với mâm cỗ lễ cúng gia tiên, với thịt mỡ, dưa hành, với bánh chưng xanh, câu đối đỏ,…và tất nhiên không thể thiếu những lời chúc tụng đầu xuân dành cho nhau.

Với Tết xưa, để gửi lời chúc cho nhau thì chúng ta phải đến tận nhà, nói với nhau những lời ý nghĩa, hy vọng năm mới thành công. Đối với những người vì điều kiện sinh sống, công tác phải đón Tết xa quê, những cuộc gọi điện thoại đường dài, những cánh thư viết tay là nỗi chờ trông khắc khoải, trở thành niềm an ủi với những người phải đón Tết xa xứ. Vì vậy, lời chúc Tết ngày ấy không chỉ là nét văn hóa đẹp mà còn mang giá trị của tình nghĩa, của tấm lòng.

Ngày nay khi công nghệ số phát triển, có muôn hình muôn vẻ các hình thức người ta gửi đến cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong những ngày đầu năm mới. Từ lâu lắm rồi, những lá thư viết tay đầy cảm xúc đã trở thành ký ức. Cùng với sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội đã làm thay đổi phần nào thói quen chúc Tết xưa, bởi không cần phải đến tận nhà, nhiều người vẫn có thể gửi lời chúc Tết từ xa thông qua tin nhắn SMS, gọi điện thoại, hay đơn giản chỉ là một status trên mạng xã hội.

Đã qua rồi cái thời cặm cụi đi nhà sách tìm mua những tấm thiệp đẹp, vài cây bút màu mang về nhà nắn nót ghi vài dòng chúc nhau, cũng qua rồi cái thời chúc Tết bằng…tin nhắn, ngồi bấm mỏi tay mới hết danh sách người cần gửi mà mạng còn bị nghẽn vì quá nhiều người gửi cùng lúc. Với nhiều người, chuyện chúc Tết bây giờ “tiện” lắm, chỉ cần một status (dòng trạng thái) kèm vài hình ảnh dễ thương, xinh tươi để gửi cho người thân, bạn bè thay lời chúc nhân dịp đầu năm.

Nếu trước đây những dịch vụ trò chuyện (chat) hay thoại trực tuyến (chat audio) chỉ dừng lại ở mức âm thanh, hình ảnh và chữ thì ngày nay, với các ứng dụng trao đổi thông tin đa phương tiện miễn phí như Viber, Facebook, Zalo được tích hợp âm thanh, hình ảnh, video cực kỳ phong phú, sinh động đã cho ra đời một loại hình chúc Tết mới - “thiệp điện tử” và nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ.

Để thuận tiện cho người dùng, các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Zalo, Viber đã nghĩ ra nhiều mẫu câu chúc hay, độc đáo, những tin nhắn miễn phí bằng hình động… Chỉ sau một cú nhấp chuột, người dùng có thể nhanh chóng tìm kiếm hàng nghìn những câu chúc tết “mẫu”.

Khi đó, những người cẩn thận sẽ chỉ việc ngồi đọc, lựa chọn là đã có những câu chúc hay ho, hợp lý để gửi tới người thân. Nhưng có những người kém cẩn thận, hoặc chỉ lấy câu chúc làm quà thì chỉ việc tìm kiếm, copy và gửi đi cho bạn bè, người thân, thậm chí là cấp trên, ông bà, bố mẹ… Thậm chí, có những người “tiện” đến nỗi, cùng một nội dung câu chúc, họ gửi cho một nhóm bạn, hoặc gửi cả hàng loạt cho tất cả những người có trong danh sách bạn bè trên Facebook hoặc Zalo.

Những lời chúc dần trở nên nhàm chán vì công nghệ

Nhiều người tỏ ra thích thú vì lời chúc sinh động, hài hước. Thế nhưng, không ít người tỏ ra bực mình vì mặt trái của những “tấm thiệp” này, nghi ngại không dám nhấp vào đường link vì sợ virus, ngán ngẩm vì nhận được quá nhiều lời chúc giống nhau, chúc Tết xem như “chúc cho có lệ”. Từ thích thú ban đầu, người dùng dần thấy nhàm chán, sau cùng chỉ xem lướt qua, không trả lời.

Trở về khoảng 10 năm trước, thời điểm điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, người trẻ thường chúc nhau bằng tin nhắn điện thoại vì vừa rẻ lại không kém phần độc đáo. Thời đó, việc viết lời chúc mừng ngày Giáng sinh hay Tết cho bạn bè và những người thân trong gia đình là điều thích thú nhất. Ai nấy đều mong muốn gửi đi và được nhận về thật nhiều điều tốt đẹp trong phút giây chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Không thể phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của thông tin truyền thông đến đời sống văn hóa, tinh thần của con người và đặc biệt là trong những sự kiện quan trọng như Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ truyền thông đã xóa nhòa mọi khoảng cách, kéo mọi người đến gần nhau hơn về địa lý, cho dù chỉ là trong môi trường ảo.

Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng là làm con người trở nên xa cách hơn. Những giá trị chân thực, ý nghĩa thiêng liêng của lời chúc đầu năm mới thì không có công nghệ nào có thể thay thế được. Không ai cảm thấy xúc động khi xem một tấm thiệp điện tử được gửi bằng tin nhắn mà nhìn của ai cũng giống nhau. Không ai cảm thấy thích thú khi nhận những lời chúc chung chung, dành cho mọi người kiểu như: “Chúc bạn 12 tháng phú quý, 365 ngày phát tài, 8760 giờ sung túc, 525600 phút thành công 31536000 giây vạn sự như ý”, “Chúc bao điều thuận lợi, chúc mọi người sống lâu, chúc cả nhà sang giàu, chúc anh em mạnh khỏe…” hoặc có phần bỡn cợt như “Ăn nhậu lai rai, tiền vô như nước, muốn gì cũng được, thịnh vượng bình an, chúc mừng năm mới!”.

Xét về nhiều mặt, công nghệ không có lỗi, lỗi là ở người dùng lạm dụng và sử dụng không đúng nơi, đúng chỗ. Người trẻ hiện đại sống trong thời cuộc Cách mạng 4.0 phải là người làm chủ mạng xã hội không phải là người bị mạng xã hội, công nghệ chi phối. Vì vậy, để hòa mình vào sự phát triển chung, thao tác chúc nhau trong không gian số cần được hiểu một cách đúng đắn, bởi ẩn chứa trong đó sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại để hôm nay ngày Tết vẫn có những giá trị riêng của nó.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúc Tết thời 4.0