Cần nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

Phương Nam| 23/07/2014 10:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những ngày vừa qua, cùng với cơ quan chức năng, ngư dân đã phối hợp rất tốt để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đảo.

Chung một ý chí với nhân dân cả nước, dù có thể thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, ngư dân vẫn bám biển. Với vai trò quan trọng đó, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để ngư dân vươn khơi bám biển.

Ngư dân đối mặt với nhiều khó khăn

Đất nước ta có chiều dài bờ biển trên 3.260 km, với nguồn hải sản dồi dào, sản lượng khai thác ở giới hạn cho phép khoảng 2,2 triệu tấn/năm, trong đó, nguồn lợi hải sản xa bờ được dự báo còn nhiều tiềm năng khai thác với trữ lượng 1,5 triệu tấn/năm. Tàu thuyền các loại tham gia khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên các vùng biển, hải đảo, giải quyết việc làm cho khoảng 4 triệu lao động, trong đó lao động trực tiếp đánh bắt hải sản biển khoảng 850.000 người, đã góp phần tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho bà con ngư dân.

Tuy nhiên, ngư dân vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây tai nạn tàu thuyền vẫn còn diễn ra và có xu hướng diễn biến phức tạp, khó dự báo, khó kiểm soát và công tác phối hợp còn gặp nhiều trở ngại. Số lượng người, đợt, phương tiện khi khai thác trên biển gặp nạn phải cứu hộ, trục vớt ngày càng nhiều, biểu hiện sự phức tạp của thời tiết, cũng như hạn chế về năng lực, lỏng lẻo trong phối hợp cứu hộ, cứu nạn. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, trong 5 năm đã có 4.737 số vụ tai nạn tàu cá trên biển. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết trên biển phức tạp, tàu thuyền khai thác thủy sản vẫn chủ yếu được đóng theo kinh nghiệm dân gian; trang thiết bị còn thiếu về số lượng và chất lượng.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

 Ngư dân Khánh Hòa đang được hỗ trợ các nguồn lực để yên tâm ra khơi bám biển

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, vấn đề an ninh trật tự trên biển Đông đang là mối lo ngại đối với những người dân tham gia khai thác hải sản trên vùng biển của Tổ quốc. Số lượng tàu cá của Việt Nam bị nước ngoài bắt, xử phạt trái pháp luật và đe dọa đến tài sản, tính mạng có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Ngoài ra, các hoạt động đánh bắt hải sản phi pháp của tàu cá nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam diễn ra với quy mô lớn, phức tạp, có xu hướng tăng và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Hiện nay, việc triển khai một số chính sách hỗ trợ ngư dân còn bất cập, như: Việc quy hoạch phát triển tàu thuyền chưa hợp lý, thiếu định hướng nên dẫn đến số lượng các phương tiện khai thác ven bờ chiếm tỷ lệ lớn (theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2013, số tàu, thuyền có công suất dưới 90 CV khoảng 105.000 tàu, chiếm khoảng 80% tổng số tàu thuyền cả nước); Cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác hải sản chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chính sách tín dụng cho vay chưa phù hợp với đặc điểm của ngư dân. Công tác đào tạo nghề cho ngư dân còn hạn chế, trong đó số đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp chính qui, thiếu các kiến thức cơ bản để có thể sử dụng được các thiết bị hàng hải, khai thác và kiến thức pháp luật về hàng hải; Công tác bảo quản, chế biến sản phẩm khai thác chưa được coi trọng, hiện việc bảo quản sản phẩm vẫn chủ yếu theo phương thức thủ công nên ảnh hưởng đến chất lượng, làm giảm giá trị khai thác.

Giải pháp hỗ trợ ngư dân

Để góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và cải thiện thu nhập cho ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững, thiết nghĩ Nhà nước cần xem xét tiếp tục triển khai các chính sách quan trọng như: Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng biển. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá, khu dân cư ven biển và trên các hải đảo; Chuyển đổi dần từ tàu cá vỏ gỗ sang vỏ composite, vỏ thép và các vật liệu mới. Cơ khí hóa các trang thiết bị khai thác trên tàu cá. Ưu tiên phát triển kinh tế biển đúng với tiềm năng, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo.

Nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng đặc thù để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của ngư dân. Trước mắt cần rà soát các chính sách liên quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm sản xuất của ngư dân, đảm bảo ngư dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và có điều kiện trả vốn vay hợp lý. Kết hợp việc hỗ trợ vốn vay với hỗ trợ cải thiện phương tiện tàu thuyền, ngư lưới cụ khai thác, chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất.

 Tổ chức nghiên cứu về nguồn lợi ngư trường ở các vùng biển xa, từ đó có định hướng và tạo điều kiện để các địa phương tổ chức các đội tàu khai thác với công suất phù hợp và các đội tàu dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá trên biển hợp lý để khai thác có hiệu quả, giảm bớt chi phí và rủi ro cho ngư dân. Có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản theo hướng có các điều khoản hỗ trợ đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Thực hiện tốt việc thu hút, khuyến khích con em ngư dân theo học nghề khai thác hải sản tại các trường chuyên nghiệp; hỗ trợ đào tạo đội ngũ lao động hiện nay về kỹ năng hoạt động trên biển, về sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong khai thác, đánh bắt hải sản và kiến thức pháp luật về biển nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động.

Củng cố và tăng cường tổ chức hoạt động của bộ máy quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nguồn lợi thủy sản, nhất là các hành vi đánh bắt mang tính tận diệt. Tăng cường công tác dự báo thời tiết, thiên tai để kịp thời thông báo, hướng dẫn ngư dân trong việc xác định lộ trình khai thác, tránh, trú bão kịp thời để hạn chế thiệt hại cho ngư dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân về vai trò của khai thác hải sản trên biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Ưu tiên tối đa cho ngư dân

Ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, Chính phủ  có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm. Đây được xem là tiền đề rất quan trọng trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại cũng như giúp ngư dân yên tâm bám biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nghị định này của Chính phủ tập trung hỗ trợ  hoạt động đầu tư nâng cấp, đóng mới các phương tiện đánh bắt cũng như đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn. Cùng với nghị định này, việc hình thành các tổ, đội hợp tác sản xuất ngư nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngư nghiệp…cũng được Chính phủ xây dựng, ban hành trong các văn bản trước đó là những điều kiện đầy đủ phát triển ngư nghiệp xa bờ.

Điểm đáng chú ý trong Nghị định 67 là Chính phủ đặc biệt quan tâm đến chính sách tín dụng ưu đãi cho ngư dân đóng mới tàu vỏ thép. Theo đó, nếu đóng mới tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên) hoặc đóng mới tàu hải sản xa bờ (từ 800 CV trở lên), chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm; trong đó chủ tàu chỉ trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Khi đóng mới tàu vỏ thép (từ 400 CV đến dưới 800 CV), chủ tàu được vay tối đa 90% tổng giá trị con tàu với mức phải trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm. Đặc biệt, chi phí đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; chi phí thiết kế mẫu tàu; kinh phí duy tu, sửa chữa định kỳ sẽ được hỗ trợ 100%.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng có các chính sách về bảo hiểm, thuế và các chính sách khác giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, yên tâm bám biển. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu (tàu trên 90 CV). Đồng thời, hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ.

Nghị định 67 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8 tới. Để chính sách phát triển thủy sản và chương trình hỗ trợ thực sự thiết thực, đi vào cuộc sống với ngư dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN cùng các ngân hàng thương mại bố trí một nguồn vốn thỏa đáng để ngư dân vươn khơi, bám biển. Ngoài ra việc xúc tiến thành lập doanh nghiệp (DN) hỗ trợ ngư dân bám biển cũng được tiến hành. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đứng ra tổ chức kết nối ngư dân với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.

Cùng với các chính sách hỗ trợ ngư dân đã được ban hành và triển khai, việc Nghị định 67 ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ ngư dân làm giàu từ biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển