Bạo lực gia đình: Xã hội cần lên án và xóa bỏ

Nhật Vũ| 28/08/2019 15:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với nhịp sống hiện đại, con người luôn hướng tới hạnh phúc và phồn vinh thì vấn đề bạo lực gia đình hơn lúc nào hết cần phải lên án và dẹp bỏ.

Bạo lực gia đình – Hành vi cần lên án

Bạo lực gia đình được hiểu là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Trong suốt thời gian qua, nhiều vụ phụ nữ bị chồng đánh đập dã man, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Mới đây, một đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội ngày 27/8, ghi lại hình ảnh võ sư Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987, ở Mê Linh, Hà Nội) đánh vợ là chị Vũ Thị Thu L. (SN 1992) một cách dã man ngay trước mặt con trai mới 7 tuổi và người vợ đang ẵm con nhỏ mới sinh 2 tháng khiến dư luận vô cùng bức xúc. 

Hình ảnh camera ghi lại cho thấy, người đàn ông này đã xuống tay với vợ mà không màng đến sự sống chết của nạn nhân, thậm chí sự nguy hiểm đối với đứa con mới chào đời mà người vợ đang bế trên tay.

Đó không phải là hành động của người học võ mà đó là hành động của một kẻ côn đồ, mất nhân tính. Một người bình thường tấn công người khác đã là điều khó có thể chấp nhận nhưng một võ sư mà tấn công vợ mình bằng những đòn chí mạng vào vùng đầu thì việc gây ra thương tích thậm chí có thể thiệt mạng cho nạn nhân là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong sự việc này, nguyên nhân dẫn đến việc người chồng đánh vợ thậm tệ lại xuất phát từ một chuyện vô cùng nhỏ nhặt trong cuộc sống, đó là vì chị L. muốn chuyển vị trí chiếc tivi từ phòng này sang phòng khác mà "không hỏi ý kiến chồng".

Sau khi sự việc xảy ra, mẹ con chị L. đã được gia đình nhà ngoại đón về nhà chăm sóc. Tuy nhiên điều đáng nói, Nguyễn Xuân Vinh sau đó đã liên tục nhắn tin đe dọa đốt và giết cả nhà chị L.

Hiện vụ việc đang được Công an quận Long Biên thụ lý điều tra. Việc có khởi tố bị can hay không còn căn cứ vào hồ sơ và kết quả giám định thương tích của chị L.

Bạo lực gia đình: Xã hội cần lên án và xóa bỏ

Ảnh minh họa

Trong một vụ việc khác, ngày 28/8, Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã quyết định trưng cầu giám định thương tích đối với chị Lâm Thị M. (31 tuổi, ngụ tại An Giang), người phụ nữ đang mang thai khoảng 26 tuần. Trước đó, chị M. từng bị người chồng hờ tên An đánh gãy tay, vỡ nền sọ. Mới nhập viện 2 ngày, An bắt chị M. xuất viện về nhà nấu cơm phục vụ và tiếp tục đánh đập cho đến khi người dân xung quanh phát hiện, đưa chị M. trở lại viện.

Trước đó vài ngày, hình ảnh một nhân viên ngân hàng đánh vợ đang ôm con nhỏ cũng bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội. Trong rất nhiều ý kiến phản đối cũng có khá nhiều ý kiến cho rằng: "Cô vợ ấy phải thế nào mới bị đánh", "không ai tự dưng bị đánh"... 

Điều này cho thấy một bộ phận đàn ông trong xã hội vẫn cho mình cái quyền đánh vợ, "dạy" vợ khi họ cho là vợ mình “láo”. Đó là suy nghĩ của những người đàn ông hèn hạ, cũng là căn nguyên của bạo lực gia đình.

Trẻ em mới là nạn nhân thực sự

Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc và êm ái nhất trong những năm tháng đầu đời. Được sống cùng cha mẹ và những người ruột thịt khác, được hưởng tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất và tinh thần là quyền chính đáng của mọi đứa trẻ. Nhưng trên thực tế có rất nhiều trẻ em đã không được sống như vậy khi các em phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình trong chính ngôi nhà của mình.

Có thể sẽ rất khó khăn để xác định giữa phụ nữ và trẻ em, ai là người chịu đau khổ hơn trong các vụ bạo lực song trong nhiều trường hợp nỗi đau đớn và thiệt thòi của trẻ là vô cùng to lớn và sâu sắc, bởi lẽ nó không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của trẻ.

Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với Phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố vào năm 2010 cho thấy, con cái của các nạn nhân bạo lực gia đình phải gánh chịu các hậu quả tiêu cực về sức khỏe và tinh thần.

Hơn 25% phụ nữ từng bị chồng bạo lực cho biết con cái họ thường xuyên gặp ác mộng và rất rụt rè hoặc dễ bị kích động so với gần 15% phụ nữ không bị chồng bạo lực. Trẻ em phải chứng kiến hay bị bạo hành tại gia đình có nguy cơ cao hơn sẽ tiếp tục bị bạo hành hoặc gây ra bạo hành khi lớn lên.

Bản thân chị L. cũng thấy xót xa khi để con thơ phải chứng kiến sự việc là quá đau lòng. Chính con trai chị, mới 7 tuổi, khi đọc được những tin nhắn của bố yêu cầu ly hôn cũng muốn mẹ ký vào đơn vì chỉ có thế mẹ mới giải thoát được. Những lời nói của cậu bé 7 tuổi như cứa vào tim người mẹ, khiến ai nghe cũng cảm thấy xót xa. Liệu bạo hành gia đình như thế có tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của những đứa trẻ?

Có thể thấy, hậu quả của bạo lực gây ra là một nỗi đau đặc biệt nghiêm trọng, nó không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự của các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm tới các chuẩn mực đạo đức xã hội, tiếp tay cho sự gia tăng các tệ nạn xã hội

Nói tóm lại, bạo lực gia đình là vấn đề của gia đình, cộng đồng và xã hội. Do đó mà việc xóa bỏ bạo lực gia đình không là trách nhiệm của riêng ai mà đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và quốc gia trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Chỉ khi nào công tác phòng, chống bạo lực được triển khai có hiệu quả thì lúc đó gia đình mới được coi là chốn yên bình và hạnh phúc của các thành viên trong gia đình và chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực gia đình: Xã hội cần lên án và xóa bỏ