Ngày 18/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo dịch virus Zika không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến, chủ tịch ủy ban khẩn cấp WHO, Tiến sĩ David Heymann cho biết "virus Zika vẫn là một vấn đề dài hạn, song không còn là vấn đề y tế cộng đồng gây quan ngại quốc tế nữa". Trước đó, WHO đã tuyên bố dịch Zika là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tháng 2/2016.
WHO cũng thận trọng không đánh giá thấp nguy cơ do Zika tạo ra. Tuyên bố của WHO khẳng định cơ quan này tin tưởng "virus Zika và những hệ quả liên quan vẫn là một thách thức y tế cộng đồng lâu dài đòi hỏi hành động mạnh mẽ".
Cùng ngày, Brazil tuyên bố sẽ tiếp tục coi dịch Zika là tình trạng khẩn cấp. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Brazil, Ricardo Barros khẳng định chưa sẵn sàng hạ thấp mối nguy cơ từ Zika, cho đến khi hoàn toàn khống chế được tình hình.
Zika là loại virus do muỗi truyền có liên quan đến dị tật bẩm sinh như tật đầu nhỏ. Ảnh: AFP
Virus Zika đã xuất hiện tại 73 quốc gia trên toàn thế giới, chủ yếu là khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe. Đa số bệnh nhân mắc Zika bị nhiễm virus qua muỗi, số khác lây qua đường tình dục. WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Zika vào tháng 2/2016.
Đầu năm nay, nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng ít nhất 2,6 tỷ người sống tại các khu vực virus Zika phát triển thuận lợi như châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương. Trong đó, tính riêng ở Ấn Độ, con số này là 1,2 tỷ người.
Theo WHO, các nhà khoa học đang nghiên cứu mới thử nghiệm hai loại vắc xin chống virus Zika. Ở thời điểm hiện tại, loại virus này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.Theo WHO, virus Zika chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ như phát ban và giống cúm ở hầu hết người mắc phải, song các thai phụ lại có nguy cơ sinh ra những em bé mắc Zika là loại virus do muỗi truyền có liên quan đến dị tật bẩm sinh như tật đầu nhỏ.