Vườn quốc gia Chư Mom Ray “nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật quý hiếm”

Ngọc Trinh| 13/11/2018 14:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vườn quốc gia Chư Mom Ray là một trong số 30 vườn quốc gia, thuộc hệ thống rừng đặc dụng của cả nước, có tổng diện tích là 56.249,2 ha nằm trên địa bàn hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum, giáp ranh với nước bạn Cam Pu Chia.

Theo đó, vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại 7 hệ sinh thái rừng chính là rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và 5 hệ sinh thái rừng phụ là loại rừng trảng cỏ cây bụi, các kiểu rừng này là nơi tập trung của các loài thú móng guốc, thú ăn thịt... có giá trị về bảo vệ môi trường, điều hoà khí hậu, nguồn nước và phòng hộ đầu nguồn cho thủy điện Pleikrong, Ya Ly, Sê San 3 và phát triển du lịch sinh thái.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray “nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật quý hiếm”

Vườn quốc gia Chư Mon Ray - Di sản Đông Nam Á.

Tổng số CCVC và người lao động đến thời điểm hiện nay là 105 người, trong đó lực lượng của Hạt kiểm lâm VQG là 71 người, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 56.249 ha vùng lõi, ngoài ra lực lượng Kiểm lâm còn thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm để triển khai các hoạt động quản lý bảo vệ rừng trên vùng đệm. Thực hiện chủ trương, luật pháp về quản lý bảo vệ rừng của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua Vườn quốc gia luôn xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác QLBVR và phòng cháy chữa cháy rừng.

Hằng năm được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Kon tum, sự phối hợp chỉ đạo của UBND huyện Ngọc Hồi, huyện Sa Thầy và các ngành chức năng trên địa bàn hai huyện. Vườn quốc gia Chư Mom Ray xây dựng nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng những biện pháp tích cực, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tiến hành khảo sát xây dựng phương án khả thi cho công tác PCCCR.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray “nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật quý hiếm”

Đây là nơi sinh sống của nhiều loại động vực quý hiếm.

Cùng với đó, nhằm khuyến khích và nâng cao trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ rừng, VQG Chư Mom Ray đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân sống ven ranh giới VQG là 16.391 ha với 20 cộng đồng tham gia.

Theo thống kê, tổng diện tích của vườn là 56.249,2 ha, trong đó: rừng đặc dụng là 54.583,59 ha; rừng sản xuất 1.665,64 ha, độ che phủ đạt gần 94%. Trong đó, rừng giàu chiếm diện tích 11.452,09 ha (tương đương với 20,36% diện tích của VQG); Rừng trung bình 15.860,04 ha (chiếm 28,2%); rừng nghèo 4.673,06 ha (chiếm 8,31%); Rừng phục hồi 5.662,68 ha (chiếm 10,07% ); Rừng hỗn giao gỗ, tre nứa 11.613,79 ha (chiếm 20,65%); Rừng tre nứa 2.869,85 ha (chiếm 5,1%); Rừng khộp 125,56 ha (chiếm 0,22% ); Rừng trồng 124,73 ha (chiếm 0,22%); đất nông nghiệp và đất khác 322,79 ha (chiếm 0,57%).

Diện tích đất không có rừng 3.544,64 ha (chiếm 6,3%). Gồm đất trống không có cây tái sinh là các trảng cỏ (IA) nằm rải rác trong rừng tự nhiên, đất trống có cây tái sinh là các khu đất có cây gỗ lớn phân bố rải rác, hiện nay có lớp cây gỗ tái sinh (IB, IC). Tuy không có rừng, nhưng các khu vực này là các bãi kiếm ăn của các loài thú ăn cỏ, nhóm thú móng guốc như Bò tót, Bò rừng, Nai, Heo rừng…và nơi cư trú Gà rừng và một số loài thú nhỏ… 

Bên cạnh đó, nơi đây còn rất phong phú bởi nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Theo thống kê, tổng số loài thực vật đã phát hiện và ghi nhận tại VQG là 1.895 loài, thuộc 541 chi, 184 họ. Trong đó ngành Dương xỉ 178 loài, ngành thực vật Hạt trần 11 loài, ngành thực vật Hạt kín 1.302 loài và có 131 loài thuộc diện quý hiếm. Hệ động vật theo điều tra và ghi nhận được 950 loài, trong đó: 120 loài Động vật có vú, 290 loài Chim, 42 loài Bò sát, 25 lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 365 loài côn trùng. Trong đó có 176 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Để làm tốt nhiệm vụ giữ vững rừng xanh, bảo vệ lá phổi của địa phương, năm vừa qua đơn vị đã tổ chức 1.688 đợt tuần tra, kiểm tra trong rừng, với 4.006 lượt người tham gia, thu gỡ 2.900 dây bẫy thú các loại, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép và các hành khác xâm hại đến tài nguyên rừng. Song song với đó, còn tổ chức 110 cuộc tuyên truyền trong cộng đồng với 2.843 lượt người dân tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn quốc gia Chư Mom Ray “nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật quý hiếm”