Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bước đi vững chắc giữa COVID-19

Trang Nhi| 22/12/2021 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khôi phục các hoạt động kinh tế theo hướng bảo đảm, an toàn, vững chắc là mục tiêu của các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để vượt qua đại dịch.

Từng bước “bình thường mới”

Những tín hiệu đáng mừng trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đang tạo sức sống mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hoạt động sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ là do sau thời gian ngưng sản xuất để phòng, chống dịch COVID-19, nay tái sản xuất trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc để kịp tiến độ giao hàng vào những tháng cuối năm khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Mặt khác, các địa phương đã ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: Liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường...

TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… thuộc của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề trong trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, đang phục hồi tích cực với nhiều điểm sáng.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vina T&T Group (TP.HCM), chuyên xuất khẩu các loại trái cây tươi và sơ chế sang thị trường Mỹ và châu Âu, sau dịch bệnh, công ty nhận được đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này tăng 20% so với trước. Song, căn cứ vào tình hình thực tế, công ty chọn lọc chứ không nhận hết các đơn hàng, để vừa khôi phục hoạt động vừa tái cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình mới.

anh-2.-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam.jpg
Công nhân tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vina T&T Group.

Còn Công ty thương mại GEARVN (TP.HCM) đã chủ thay đổi trong phương thức tổ chức làm việc, sản xuất, kinh doanh. Người lao động cũng sẵn sàng thích nghi, đồng hành cùng công ty, trau dồi các kỹ năng liên quan đến công nghệ số, công nghệ thông tin, linh hoạt thích ứng, tinh thần vượt khó là những ưu thế giúp công ty phục hồi mạnh trong giai đoạn "bình thường mới".

Giữa đại dịch, tỉnh Bình Dương cũng chú trọng việc đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics trọn gói, đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại. Thực tế, lĩnh vực logistics đáp ứng nhu cầu vận tải, kho bãi và lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp ở Bình Dương đã tăng rất nhanh, nhiều DN đầu tư cơ sở hạ tầng lớn với trang thiết bị hiện đại. Đây là cơ sở quan trọng để Bình Dương sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh khi trở lại trạng thái bình thường mới và sẽ tác động tích cực đến toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Nhờ vậy, Công ty Quốc tế Thái Bình Dương, chuyên cung ứng dịch vụ logistics vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung bình mỗi ngày công ty vận chuyển hơn 50 container hàng hóa, chủ yếu từ Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… xuất khẩu đi các nước qua cảng Cát Lái. Tuy giảm lượng hàng hóa so với bình thường, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của DN sản xuất và đơn vị dịch vụ logistics.

Đột phá phát triển vùng kinh tế trọng điểm

Thời gian qua, các DN đã gồng gánh các chi phí sản xuất tăng gấp hai đến ba lần so với ngày thường để có thể duy trì sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều DN đã “cán đích” như kế hoạch đề ra nhưng vẫn cần các giải pháp để vượt qua đại dịch, được dự báo vẫn còn phức tạp trong năm tới.

anh-1.-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam.jpg
Doanh nghiệp thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dần phục hồi, từng bước “bình thường mới”.

Dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, gây khó khăn cho nhiều DN. Do đó, điều quan trọng lúc này là các doanh nghiệp cần liên kết phát triển. Phải quyết liệt thực hiện phương án liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long thì mới tiến xa và bền vững.

Bên cạnh đó, các tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19; không tạo ra các loại giấy phép “con” làm tăng chi phí của DN.

Ngành ngân hàng có chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên, vật liệu với mức lãi suất 0% cho các DN khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, cho vay ưu đãi, gia hạn thời gian thanh toán nợ.

Các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; bình ổn thị trường. Thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm chia sẻ, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.

Đặc biệt, đổi mới sáng tạo có thể là giải pháp để huy động tối đa nguồn lực. Các DN thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp phát triển thị trường KH-CN.

Ví dụ, ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành sàn giao dịch thiết bị và công nghệ, hạt nhân là sàn giao dịch thiết bị và công nghệ TP.HCM; hình thành, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN khu vực trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH-CN tại các viện, trường đại học, DN với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ; thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, công nghệ tiên tiến, sạch; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hóa, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển của vùng trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng...


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bước đi vững chắc giữa COVID-19