Vụ xả súng kinh hoàng tại Đại học Texas, Hoa Kỳ (Kỳ 3)

Trâm Anh (theo TruTV)| 22/05/2015 08:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tới tận bây giờ, rất nhiều người dân Mỹ vẫn không thể quên được câu chuyện đã xảy ra hôm 1/8/1966 tại Austin, Texas.

Hình ảnh kẻ điên cuồng Charles Whitman với khẩu súng trên tay xả liên tiếp vào đám đông sinh viên vẫn là một nỗi ám ảnh lớn đối với họ. Austin, Texas, thành phố vốn được coi là an toàn trước những bạo lực, khủng bố đã đánh mất danh tiếng đó sau ngày 1/8/1966 đen tối.

Kỳ 3: Vụ xả súng khiến 17 người chết

Kẻ xả súng từ trên tầng 27

Hơn 5g ngày 1/8/1966, sau khi sát hại mẹ và vợ trong đêm, Charlie Whitman chuẩn bị nhiều vật dụng cần thiết cho vụ thảm sát trong đó có 7 khẩu súng các loại.

10g 30 cùng ngày, kẻ sát nhân gọi điện cho công ty của mẹ và của vợ báo rằng họ bị ốm và xin nghỉ làm. Sau đó, hắn mặc bộ quần áo lao động màu xanh, bỏ toàn bộ đồ đạc vào xe ôtô và lái đi, hướng về phía đại học Texas. Nhờ làm trợ lý nghiên cứu ở trường nên hắn có thẻ ra vào khuôn viên dành cho những người cần vận chuyển các đồ vật lớn. Hắn nói với người bảo vệ là cần mang thiết bị vào tòa nhà khoa học thí nghiệm nên cần giấy phép. Người bảo vệ cấp cho hắn giấy phép dỡ hàng trong 40 phút.

Vụ xả súng kinh hoàng tại Đại học Texas, Hoa Kỳ (Kỳ 3)

Charles-whitman và tòa nhà Texas

11g 35, Charlie dùng một chiếc xe đẩy mang đồ hắn đã chuẩn bị vào thang máy lên tầng 27 của tòa tháp. Sau khi sát cô nhân viên lễ tân ở khu vực quan sát tầng 28, Charlie kéo xác cô ra sau ghế bành. Đúng lúc đó thì có hai người vào khu lễ tân và nhìn thấy Charlie đang ngả người qua chiếc ghế, tay cầm hai khẩu súng. Họ chào hắn và không để ý sự khác lạ ở hắn. Họ vào thang máy và nhờ đó thoát chết. Ngay sau đó, vợ chồng Mark và Mary Gabour cùng hai con trai đi thang bộ từ tầng 27 lên tầng 28. Đi cùng với họ có hai người khác là William và Marguerite Lamport. Những người này bất ngờ bị Charles lao ra, xả súng liên tiếp. Mark và Marguerite Lamport tử vong. Ba mẹ con bị thương nặng. Hai người may mắn còn lại chạy đi cầu cứu.

Chuông báo động của tất cả các tầng trong tòa tháp vang lên. Mọi người bắt đầu lao vào các văn phòng và lớp học để trốn chạy. Tại tầng trên cùng, Charles ngắm súng xuống phía dưới và chọn mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên của hắn là Claire Wilson, một cô gái 18 tuổi đang mang bầu. Viên đạn xuyên qua bụng bầu của cô gái xấu số và giết chết thai nhi trong bụng cô. Khi cô gái gục xuống, một người tên Thomas Eckman chạy tới hỏi cô bị làm sao. Một viên đạn bắn trúng ngực chàng trai. Thomas ngã xuống, chết bên cạnh cô gái bị thương. Gần ngay đó, giáo sư Robert Hamilton Boyer, cũng bị bắn vào lưng và tử vong. Tại phía đông của tòa tháp và trung tâm Computation, Thomas Ashton, một huấn luyện viên thể thao, bị bắn vào ngực. Anh tử vong sau đó tại bệnh viện.

Cảnh sát ngay lập tức có mặt và lao lên tầng 27, giúp mọi người ẩn nấp và vô hiệu hóa thang máy. Phía bên trên, Charles vẫn tiếp tục công khai di chuyển, hướng nòng súng về phía tây, nhắm vào các nạn nhân đang đi trên đường Guadalupe. Thêm vài nạn nhân nữa bị bắn trúng nằm gục trên đường. Sĩ quan Billy Speed cũng bị bắn chết khi đang cố tiếp cận tòa tháp.

Cảnh sát bắt đầu bắn lên trên tòa tháp, nhằm vào Charles. Nhiều người dân về nhà và lấy súng, hàng trăm phát đạn được bắn vào tòa tháp khiến Charles phải nấp và bắn qua các máng nước mưa. Con số người bị bắn lên tới 50 người và 17 người chết. Cảnh sát đã lên tòa tháp từ nhiều hướng. Charles bị bắn hai phát vào đầu và chết tại hiện trường.

Sơ suất của bác sĩ tâm lý

Mở rộng điều tra, cảnh sát biết được trước đó vài tháng, Charles đã tới gặp bác sỹ tâm lý. Viên bác sĩ này công bố những file ghi âm ông nói chuyện với Charles. Theo đó, Charles kể cho bác sỹ rằng hắn thường xuyên tưởng tượng về việc sẽ giết nhiều người từ tòa tháp. Viên bác sỹ ngay lập tức cảm thấy cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, ông cũng không bao giờ tìm ra được lý do tại sao Charles hành động điên cuồng như thế. Sau khi hỏi cặn kẽ, viên bác sỹ kết luận Charles chỉ bị hoang tưởng nhẹ chứ không nghĩ hắn là mối nguy hiểm cho xã hội.

Khi khám nghiệm tử thi Charles Whitman, các bác sỹ phát hiện một vết u nhỏ trong não hắn. Một vài người bạn và gia đình Charles cho rằng chính vì vết u này mà hắn đã hành động điên cuồng như thế. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng điều đó không có căn cứ xác đáng. Charles được chôn tại Florida, bên cạnh mộ mẹ mình. Vì hắn là cựu binh hải quân, một lá cờ cũng được phủ lên quan tài. Còn người vợ xấu số Kathy Whitman được chôn cất tại quê nhà ở Needville, Texas.

Tháp Texas vẫn được mở cửa trong vài năm. Trường đại học đã dành 5.000 đô la để sửa chữa trong năm 1967. Có một vài vụ tự sát xảy ra tại đây từ năm 1968 – 1974. Năm 1976, trường đại học Texas tuyên bố đóng cửa tháp này.

Tháng 10/1998, Hiệu trưởng đại học Texas, ông Larry Faulkner công bố những kế hoạch tái mở cửa tòa tháp. Một năm sau, tòa tháp được mở cửa trở lại và an ninh được tăng cường bằng cách có lồng kính chống đạn. Các tấm kính này chủ yếu là để phòng ngừa các vụ tự tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ xả súng kinh hoàng tại Đại học Texas, Hoa Kỳ (Kỳ 3)