Dùng sổ hồng giả mang tên người khác để lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của 10 bị hại, vợ chồng bị cáo Phụng - Thi đã được xét xử đúng tội danh.
Tuy nhiên, còn có những ý kiến chưa đồng thuận, chúng tôi xin phản ánh ý kiến của bà Võ Thị Ngọc Dung (một trong 10 bị hại) qua đơn gửi về Báo Công lý xung quanh vụ án này.
Năm 2007, Trần Văn Phụng và vợ là Nguyễn Thị Mai Thi thành lập Công ty TNHH ATP Thúy An (sau đây gọi tắt là Cty Thúy An) do Phụng làm Giám đốc, Thi làm Phó Giám đốc. Đến đầu năm 2009, do thâm hụt kinh tế, hai vợ chồng Phụng - Thi bàn bạc dùng thủ đoạn gian dối để vay mượn tiền của người thân quen rồi chiếm đoạt. Khi bị các chủ nợ đòi tiền, thì vợ chồng hắn đã dùng những bản phô - tô không có thật của các ngân hàng trong nước để chứng minh Cty Thúy An có số tiền rất lớn gửi tại các ngân hàng. Tổng cộng, vợ chồng Phụng - Thi đã lừa đảo khoảng mười bị hại với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Giấy chứng nhận cũ do tỉnh cấp
Cụ thể, do quen biết từ trước, tháng 4/2010, hai vợ chồng Phụng – Thi đã gặp trực tiếp bà Võ Thị Ngọc Dung (SN 1968, ngụ tại 92B Nguyễn Tất Thành, P8, TP. Cà Mau) vay tiền bằng cách thế chấp sổ hồng căn nhà 103 Lý Thường Kiệt (P6, TP. Cà Mau) mang số 5901050161, đứng tên Đoàn Văn Quận và Trần Thị Điển. Vợ chồng Phụng - Thi nói dối với bà Dung là, đất và nhà của ông Quận, bà Điển đã sang nhượng cho vợ chồng Phụng – Thi theo Hợp đồng ngày 31/3/2009 có công chứng. Bà Dung có hỏi tại sao chưa làm thủ tục sang tên đất và nhà ở, thì vợ chồng Phụng – Thi nói “chờ làm gộp thửa ba miếng đất còn lại để xây khách sạn, chứ chuyển tên quyền sử dụng đất ở và quyền sử dụng nhà ở thì phải nộp thuế tới hai lần. Bà Dung tin tưởng nên đồng ý cho hai vợ chồng Phung – Thi vay.
Giấy chứng nhận cấp mới cho ông Quận và bà Điển
Ngày 22/4/2010, bà Dung cùng chồng là ông Lâm Quốc Chuyện (SN 1966, cùng ngụ địa chỉ 92B Nguyễn Tất Thành, P8, TP. Cà Mau) và vợ chồng Phụng – Thi đến phòng công chứng làm hợp đồng cho vay thế chấp sổ hồng do ông Quận và bà Điển đứng tên. Vợ chồng Phụng – Thi vay 2,6 tỷ đồng với lãi suất 5%/tháng. Trên thực tế, vợ chồng Phụng – Thi đã nhận tiền hai lần (có biên nhận). Từ đó đến nay, cặp vợ chồng lừa đảo này đã không thanh toán nợ cho vợ chồng bà Dung.
Ngày 14/1/2011, vợ chồng ông Chuyện, bà Dung kiện vợ chồng Phụng – Thi ra TAND TP. Cà Mau, yêu cầu đôi vợ chồng lừa đảo trả tổng cộng 3,120 tỷ đồng (2,6 tỷ tiền vốn và 520 triệu đồng tiền lãi). Đến ngày 25/3/2011, Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành hòa giải thành công, theo đó, vợ chồng Phụng – Thi đồng ý trả nợ.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các bên, Ngân hàng TMCP Phương Đông lại có đơn xác nhận, sổ hồng đứng tên ông Quận và bà Điển đã được vợ chồng Phụng – Thi thế chấp cho ngân hàng này vào năm 2009. Vì vậy, ngày 27/5/2011, TAND TP. Cà Mau đã chuyển hồ sơ đến cơ quan CSĐT – CA TP. Cà Mau vì nhận thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Đến năm 2014, vợ chồng Phụng – Thi được đem ra xét xử tại TANDTC tại TPHCM. HĐXX đã tuyên vợ chồng bị cáo này phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Trần Văn Phụng nhận án chung thân, Nguyễn Thị Mai Thi nhận án 20 năm tù giam. Ngoài ra, vợ chồng bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho mười bị hại, trong đó cho bà Dung là 4,238 tỷ đồng.
Mặc dù án đã xử xong, nhưng các bị hại vẫn chưa hoàn toàn đồng thuận với phán quyết của tòa, vì họ cho rằng, quá trình phạm tội của vợ chồng Phụng – Thi còn có sự tiếp sức của nhiều cán bộ của cơ quan chức năng thì mới ra tay thuận lợi như vậy được.
Sự việc mang tính mấu chốt trong toàn bộ quá trình lừa đảo của vợ chồng Phụng - Thi mà các bị hại lấy làm căn cứ cho nghi vấn trên là, sổ hồng căn nhà mang tên ông Quận và bà Điển, đây là công cụ mà vợ chồng Phụng – Thi dùng làm “mồi” để lừa các bị hại lại được chủ sở hữu hợp pháp là bà Điển xác định, bà hoàn toàn không lập hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất đối với 245,25m2 (thuộc thửa 231, tờ bản đồ số 19), chữ ký và chữ viết có trong hồ sơ không phải của bà, bao gồm Giấy ủy quyền cho Phụng nộp hồ sơ xin cấp chủ quyền đề ngày 12/12/2008, được UBND P6 chứng thực ngày 5/1/2009. Điều này chứng tỏ, Phụng đã lập văn bản khống. Nghiêm trọng hơn là có chứng thực khống ủy quyền của UBND P6. Nếu UBND P6 không ký chứng thực thì không thể xảy ra việc Phụng lập, nộp hồ sơ gian dối để cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) không có tài sản trên đất cho ông Quận bà Điển, trong khi nhà đất này, ông Quận và bà Điển đã được cấp chủ quyền năm 2000. Mặt khác, nếu Phó Chủ tịch (PCT) phường 6 không ký chứng thực khống Hợp đồng số 24 này, thì vợ chồng Phụng – Thi không thể đăng tên chúng trên trang 04 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thứ hai đã cấp sai nêu trên. Từ đó, vợ chồng Phụng - Thi không thể thế chấp, hoặc vay ngân hàng được.
Ngoài ra, đơn phản ánh của bà Dung cũng cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường (TNMT). Khi xét cấp QSDĐ, cán bộ Phòng này đã cố tình hay vô ý khi không biết đất đã được cấp chủ quyền từ năm 2000 và có cả tài sản trên đất. Vì sao Phòng này đã không đề nghị hủy giấy chứng nhận đất số AG 701878 khi xảy ra vụ việc một tài sản đã thế chấp hai nơi, với hai chủ quyền cùng tồn tại?.
Theo chúng tôi được biết, tới thời điểm này, ông Chuyện, bà Dung đã làm đơn gửi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau để tố cáo hành vi tiêu cực của PCT UBND phường 6, cán bộ phòng TNMT (UBND TP. Cà Mau) và đề nghị các cơ quan này hủy Giấy chứng nhận đất số AG 701878, hủy Hợp đồng số 24 đã chứng thực sai chức năng tại UBND Phường 6, vì tất cả là do ông Phụng gian dối. Ngoài ra, ông Chuyện – bà Dung còn yêu cầu những cán bộ này phải liên đới bồi thường thiệt hại, vì bản án mà TANDTC tuyên vợ chồng Phụng – Thi trả nợ khó trở thành hiện thực.
Trước sự việc trên, những đề nghị, yêu cầu của ông Chuyện – bà Dung nêu ra không phải không có cơ sở. Đề nghị, các đơn vị chức năng tỉnh Cà Mau sớm vào cuộc, điều tra làm rõ để có câu trả lời xác đáng. Nếu những phản ánh nêu trên là sự thật, cần có những xử lý đúng người, đúng trách nhiệm, nhằm sớm trả lại quyền lợi chính đáng cho người bị hại.