Liên quan đến vụ nhân viên Jetstar cấu kết với đối tượng bên ngoài trộm cắp xăng máy bay của hãng, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc công ty CP hàng không Jetstar Pacific Airlines đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Như Công lý đã thông tin, ngày 29/1, Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an đã tạm giữ 7 nghi can trong đường dây trộm xăng máy bay để điều tra về hành vi "Trộm cắp tài sản" và "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Trong đó, Đỗ Văn Hưng (32 tuổi), Ngụy Như Thành (48 tuổi), Lê Văn Hùng (34 tuổi) là các lái xe thuộc Phòng kỹ thuật hãng hàng không Jetstar Pacific.
Theo cơ quan điều tra, trong khoảng 6 tiếng các máy bay của hãng Jetstar Pacific đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ bay, các nhân viên Phòng kỹ thuật sẽ kiểm tra chất lượng và tiếp xăng. Hưng, Thành và Hùng đã lợi dụng sự lơ là của các nhân viên cùng trực rút trộm xăng đặc chủng Jet A1 để vào các thùng phuy trên xe.
Các lái xe sau đó sẽ tập hợp tại một điểm trong sân bay, đưa đến kho hàng của Trần Văn Sửu tại đường Đào Trí (quận 7) bán với giá 350.000 đồng mỗi can. Sửu và các đầu nậu sẽ pha thêm dầu DO để bán ra các tỉnh như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… . Mỗi ngày, đường dây này trộm từ 600 - 900 lít xăng, hoạt động này đã kéo dài hơn 2 năm qua.
Chiều 28/1, các trinh sát thuộc Cục cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP.HCM và Bộ tư lệnh CSCĐ – Bộ Công an bất ngờ đột kích vào kho sang chiết xăng dầu trái phép trên đường Đào Trí, quận 7 và một điểm ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại đây, cơ quan công an bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ 8.000 lít xăng được xác định có pha trộn xăng Jet A1. Một số người liên quan cũng được mời về trụ sở công an lấy lời khai phục vụ điều tra.
Các đối tượng bị bắt giữ (Ảnh Pháp luật)
Trước vụ việc này, chia sẻ một số thông tin trên Vietnamnet, ông Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc công ty CP hàng không Jetstar Pacific Airlines đã rõ hơn về nhưng vấn đề bạn đọc quan tâm
Về việc thực hiện hành vi trộm cắp xăng máy bay thế nào để có thể qua mặt những người khác trong kíp trực rất đông khi thực hiện hành vi trộm cắp của các đối tượng trên, ông Hà phân tích: Theo quy định, buổi tối khi máy bay về, đội kỹ thuật chia làm 4 kíp, mỗi kíp có 14 – 15 người tỏa đi các máy bay nằm rải rác trên sân bay. Công việc buổi tối chưa liên quan gì đến xăng dầu vì các kỹ sư phải kiểm tra, sữa chỗ này, chỗ kia… Rạng sáng hôm sau, 1 kíp trực khác hơn 10 người dùng xe kéo máy bay ở các bãi đến vị trí chuẩn bị khai thác, kiểm tra thêm lần cuối chất lượng, khối lượng xăng dầu; khả năng qua đêm có lắng đọng thêm nước hay tạp chất gì trong xăng dầu hay không.
Các kỹ sư xả xăng dầu kiểm tra, mỗi máy bay xả khoảng 1 – 2 lít. Hãng Jetstar có 10 máy bay. Như vậy mỗi buổi sáng xả khoảng 20 lít xăng dầu cặn, tập kết vào các xô để gần khu vực máy bay rồi chất lên xe kỹ thuật. Kết thúc công tác kiểm tra, xe chở xăng dầu cặn cùng các dụng cụ và đội ngũ kỹ sư về trung tâm kỹ thuật rồi ai làm việc đó.
Cũng theo ông Hà, toàn bộ chất thải loại của máy bay được hãng ký kết hợp đồng với 1 doanh nghiệp để xử lý. Vì thế, ông Hà cho rằng, các lái xe bị bắt đã tận dụng lúc đi đổ rác xăng dầu cặn để trộm cắp…
Về khoảng cách chênh lệch quá xa giữa con số xăng bị ăn cắp do hãng Jetstar cho rằng, mỗi sáng với 10 máy bay, các đối tượng có thể trộm hơn 20 lít xăng đặc chủng, trong khi các tài xế khai báo khi bị bắt giữ là mỗi ngày trộm được 600 – 900 lít, ông Hà trả lời “Trước mắt chúng tôi chỉ nắm đến thế. Nếu mỗi ngày mà lấy tới 600 – 900 lít thì chúng tôi phải nhìn thấy được, phát hiện được. Vấn đề này chúng tôi đã trình bày, nhờ Cục cảnh sát hình sự điều tra giúp là việc trộm cắp đó diễn ra lúc nào? khối lượng bao nhiêu?”
Đặc biệt, ông Hà cũng thông báo, sau khi chuyên án của Cục cảnh sát hình sự bắt giữ nhóm trộm cắp xăng dầu hãng đã yêu cầu người phụ trách trực tiếp bộ phận là Trưởng phòng phụ trách lĩnh vực trang thiết bị mặt đất tiến hành kiểm điểm trách nhiệm. 3 tài xế bị bắt giữ đã ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ khai thác của Jetstar. Đồng thời, chuyển toàn bộ đội xe qua bộ phận khác quản lý, là bộ phận mặt đất của Tân Sơn Nhất.
Về vấn đề này ông Hà cũng chia sẻ thêm, sau khi vụ việc xảy ra, Hãng cũng đã có nhiều thay đổi. Dù biết có xáo trộn, phức tạp hơn về mặt quản lý nhưng buộc phải chấp nhận.
Về việc trước khi chuyên án của Cục cảnh sát hình sự được thực hiện, phía lãnh đạo Jetstar từng nghe, biết về nạn trộm cắp xăng dầu máy bay hay chưa? Vị đại diện Hãng này cho biết, Chúng tôi có nghe, tuy nhiên chỉ là những tiếng xì xầm, bàn tán. Nắm được thông tin chúng tôi đã tăng cường quản lý, siết dần lại.
Còn về thông tin cho rằng, ở một số bộ phận có nhân sự là do có mối quan hệ họ hàng, quen biết, nên hành vi trộm cắp xăng dầu đặc chủng diễn ra trong thời gian dài mới phát hiện, ông Hà chia sẻ thẳng thắn
Về chuyện đó, nếu bảo không có thì mình nói không đúng, không thể không có; nhưng đã được kiểm tra, hạn chế. Việc tuyển dụng đã có hội đồng, có lãnh đạo cấp cao, thậm chí có chuyên gia nước ngoài. Các vị trí đều được đăng báo tuyển dụng công khai, được hội đồng đánh giá. Việc thân quen hay không, đều buộc người ta phải đáp ứng được yêu cầu của mình, đảm bảo đúng chất lượng đầu vào…
Công ty chúng tôi là có yếu tố nước ngoài, gần 70% vốn là của Vietnam Airlines, còn hơn 30% là của tập đoàn Qantas (Úc). Phía Úc vừa cử 1 cán bộ sang để làm việc, vì họ rất quan tâm tới vấn đề này.