Sau khi báo Công lý có bài phản ánh về những tranh chấp tại ngôi nhà số 28 Hàng Vôi đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, chúng tôi đã nhận nhiều phản hồi từ phía người dân.
Để rộng đường dư luận cũng như bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về tính pháp lý của căn nhà này, chúng tôi xin cung cấp thêm đến bạn đọc những thông tin đã được công nhận về nguồn gốc căn nhà.
Như đã nêu, nhà 28 Hàng Vôi vốn thuộc chủ sở hữu của cụ Hoàng Huân Trung, cụ Nguyễn Thị Nhân và cụ Vũ Thị Trúc (vợ của cụ Trung). Ba cụ có 18 người con. Sau khi cụ Trung mất, con trai cụ Trung là ông Hoàng Cơ Quảng được giao quản lý khối tài sản này. Năm 1959, do phải chiến đấu xa nên ông Quảng có nhờ Phòng Nhà cửa thuộc Sở Nhà cửa - trước bạ TP. Hà Nội quản lý giúp.
Từ năm 1989, ông Quảng làm đơn xin Nhà nước trả lại nhà của bố mẹ ông mà trước đó ông đã nhờ Nhà nước quản lý giúp.
Văn bản của Thanh tra Chính phủ kết luận về nhà 28 Hàng Vôi
Năm 1994, ông Quảng qua đời, vợ ông là bà Vũ Thị Tám tiếp tục thay chồng đứng đơn xin lại nhà. Năm 2008, bà Vũ Thị Tám bị tai biến, con trai cả ông Quảng, bà Tám là ông Hoàng Kim Đồng tiếp tục đề nghị các cơ quan xem xét, trả lại nhà của ông bà nội ông.
Ngày 20/1/2000, tại Báo cáo số 51/TTNN-XKT của Thanh tra Nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả xác minh đề xuất hướng giải quyết đơn khiếu nại của bà Vũ Thị Tám về việc xin lại nhà 28 Hàng Vôi có kết luận và kiến nghị: “Nhà 28 Hàng Vôi là nhà thuộc diện vắng chủ, đã được cơ quan nhà cửa - trước bạ Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền quản lý nhà vắng chủ 28 Hàng Vôi cho ông Hoàng Cơ Quảng, không thuộc diện nhà cải tạo, có nguồn gốc của bố mẹ ông Hoàng Cơ Quảng...Từ khi đưa vào Nhà nước quản lý, thành phố đã cho các hộ thuê và thu tiền thuê nhà từ đó đến nay. Năm 1991, sau khi ông Quảng được Nhà nước cho nghỉ hưu tại Hà Nội, vợ chồng ông có đơn gửi cơ quan Nhà nước xin lại để sử dụng ngôi nhà 28 Hàng Vôi do bố mẹ ông để lại mà hiện nay Nhà nước đang quản lý diện nhà vắng chủ là nguyện vọng chính đáng của vợ chồng ông... Do vậy, Nhà nước giao lại quyền quản lý ngôi nhà của bố mẹ ông để lại cho gia đình ông là phù hợp tại điểm 2, Văn bản số 92 - QLN ngày 4/8/1982 của Bộ Xây dựng về chính sách nhà vắng chủ gửi Sở Nhà đất Hà Nội.
Từ các cơ sở pháp lý nêu trên, lẽ ra Nhà nước giao lại quyền quản lý, sử dụng nhà 28 Hàng Vôi cho gia đình ông Hoàng Cơ Quảng là phù hợp nhưng do tình hình thực tế hiện nay có 7 hộ đang thuê của Nhà nước để ở nên để tránh xáo trộn làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của những hộ đang sinh sống ở đây và tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp, Thanh tra Nhà nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cho UBND TP. Hà Nội ra quyết định giải quyết khiếu nại của gia đình ông Quảng, bà Tám theo thẩm quyền mà pháp luật đã quy định...”.
Như vậy, có thể thấy, nhà 28 Hàng Vôi thuộc quyền sở hữu của cụ Hoàng Huân Trung, cụ Nhân và cụ Trúc là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, các cụ mất đi không để lại di chúc nên khối di sản này là di sản thừa kế của 18 người con và khoảng 300 người cháu các cụ đang sinh sống và làm việc tại nhiều nước trên thế giới.
Hơn nữa, thư của ông Hoàng Cơ Quảng đề ngày 9/3/1993 gửi các anh em ruột đã khẳng định: Di sản tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và 28 Hàng Vôi là tài sản chung của 18 người con cụ Hoàng Huân Trung. Thư của ông Hoàng Cơ Thuỵ và các con của cụ Hoàng Huân Trung tại châu Âu đề ngày 12/78/1994 gửi các cơ quan Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định, 2 khối di sản nêu trên là của các anh chị em ông (tức các con của cụ Trung).
Do đó, có thể thấy, nhà 28 Hàng Vôi không phải là tài sản riêng của ông Quảng, bà Tám, bởi vậy không thể coi đây là tài sản thừa kế để đem chia riêng cho 4 người con của ông bà được. Điều này một lần nữa lại được Thanh tra Chính phủ khẳng định trong Văn bản số 1855/TTCP-C.I ngày 26/7/2017 trả lời đơn của công dân mà chúng tôi đã phân tích ở bài viết trước.
Hy vọng cuộc chiến pháp lý nhà 28 Hàng Vôi sẽ sớm được phân định bằng một bản án thấu tình, đạt lý, chấm dứt những chuỗi ngày tranh chấp kéo dài.