Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư: Tắc trách hay vô tâm?

Chí Tâm| 05/05/2017 10:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 20.000 viên thuốc tài trợ đặc trị chữa bệnh ung thư có giá trị gần 14 tỷ đồng tồn kho vì hết hạn sử dụng trong khi người bệnh không có thuốc để chữa. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Theo kết luận Thanh tra TP. HCM vừa công bố, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. HCM đến ngày 31/12/2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài, mỗi viên có giá khoảng 700.000 đồng.

Quá lãng phí...

Liên quan đến số thuốc đặc trị ung thư Tasigna 200mg tồn kho, hết hạn sử dụng và phải hủy ở Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. HCM, GS. TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, thuốc Tasigna 200mg là thuốc đặc trị cho bệnh ung thư máu, bệnh bạch cầu thể mãn tính (hay còn gọi là bệnh máu trắng).

"Theo tôi, việc tiếp nhận thuốc chỉ còn 10 tháng trước khi hết hạn sử dụng có thể là do các thủ tục xin tiếp nhận viện trợ mất quá nhiều thời gian, chiếm đến 13 tháng", GS Đức nói.

GS Đức cho rằng, sau khi tiếp nhận thuốc Tasigna 200mg còn hạn sử dụng 10 tháng đáng ra, Sở Y tế TP. HCM và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. HCM phải xem lại kế hoạch thuốc, dự trù thuốc của bệnh viện để tìm hướng giải quyết.

Nếu không sử dụng hết cần xin ý kiến nhà tài trợ điều chuyển số thuốc đó cho các bệnh viện khác để tránh lãng phí.

Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư: Tắc trách hay vô tâm?

Thuốc Tasigna 200mg đặc trị ung thư phải tiêu hủy

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: "Về nguyên tắc, thuốc đã hết hạn sử dụng thì phải hủy, nhưng nếu thuốc còn có tác dụng, sử dụng an toàn nữa hay không thì cần có hội đồng thẩm định".

Mặt khác, theo ông Thịnh, chuyện để thuốc hết hạn mà không sử dụng hết, đó là quy hoạch của người quản lý, lãng phí tài nguyên, tiền của đất nước, trong khi người chữa bệnh không có thuốc.

Được biết, đối với những người bị bạch cầu tủy mãn tính, Tasigna quý hơn vàng. Trung bình, mỗi người bệnh phải dùng từ 3-4 viên/ngày. Nếu không được cấp thuốc miễn phí hay BHYT chi trả, mỗi người sẽ mất từ 2-3/ngày để mua Tasigna. Với người bệnh ung thư, buộc phải tuân thủ điều trị thì thông tin gần 20.000 viên thuốc có giá trị gần 14 tỷ đồng hết hạn sử dụng là thông tin đau xót.

Không chỉ vì lãng phí tiền tỷ hay tiêu hủy oan uổng lô thuốc quý hiếm mà còn phải lập lại trật tự kỷ cương để những chuyện tương tự không tái diễn.

Dù biện hộ bằng cách nào thì trong lúc chắt chiu, đi xin bạn bè quốc tế từng viên thuốc cho những bệnh nhân nghèo mà lại bỏ đi gần 20.000 viên thuốc là không thể chấp nhận được. Những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã, đang và sẽ hiến tặng thuốc cứu người sẽ nghĩ sao khi biết rõ chuyện này, chuyện phi lý, tưởng như đùa ấy?

Tiêu hủy thuốc vì thủ tục rườm rà?

Trả lời báo chí ngày 4/5, ông Phù Chí Dũng - Giám đốc BV Truyền máu huyết học TP. HCM cho hay, gần 20.000 viên thuốc phải tiêu hủy nằm trong số thuốc tổng cộng 34.608 viên thuốc được viện trợ cho chương trình Tasigna Copay cho 50 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy sử dụng trong 12 tháng.

Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư: Tắc trách hay vô tâm?

BS Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM giải thích về nội dung kết quả thanh tra

Theo BS Dũng, đây là chương trình tài trợ có điều kiện với sự đồng chi trả của người bệnh. Tức khi nhận thuốc người bệnh phải chi trả 4% (tương đương 42 triệu đồng), phần còn lại phía Công ty Novartis tài trợ.

“Cũng do quy định đồng chi trả này, không cung cấp thuốc miễn phí 100% như đối với thuốc Glivec trước đây nên ban đầu BV dự kiến có khoảng 50 người bệnh đủ điều kiện để tham gia. Tuy nhiên, khi nhận được thuốc, đối chiếu hồ sơ chỉ có 26 bệnh nhân đủ điều kiện”.

"Bệnh viện đã chủ động đề nghị với nhà sản xuất mở rộng chương trình sang cho các bệnh nhân ở BV khác hoặc miễn đồng chi trả cho bệnh nhân để tận dụng hết số thuốc nhưng công ty không đồng ý mà chấp nhận việc tiêu hủy" - ông Dũng phân trần.

"Giá trị số thuốc viện trợ phải tiêu hủy tính theo đơn giá vào thời điểm tiếp nhận năm 2015 là gần 3,9 tỷ đồng (199.000 đồng/viên), không phải gần 14 tỷ đồng (700.037 đồng/viên) như kết luận thanh tra TP.

"Có sự chênh lệch giá trị lô thuốc là do BV sơ suất không kiểm tra kỹ bản dự thảo kết luận của Thanh tra TP gửi BV trước khi kết luận chính thức", ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cũng khẳng định, số thuốc viện trợ đã về trễ so với dự kiến và lúc đó hạn dùng còn 10 tháng là do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các đơn vị chức năng.

Ngày 3/5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc  yêu cầu Sở Y tế TP. HCM làm rõ vụ BV Huyết học và truyền máu TP. HCM phải tiêu huỷ 20.000 viên thuốc tài trợ Tasgina đặc trị ung thư hết hạn sử dụng. Nguyên do chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền.

Cục yêu cầu Sở Y tế TP. HCM báo cáo ngay về Bộ trước ngày 7/5.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư: Tắc trách hay vô tâm?