COP21 diễn ra trong bối cảnh nước Pháp vừa trải qua vụ khủng bố Paris, và cộng đồng thế giới đang đổ dồn sự quan tâm đến vụ Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ…
Hôm qua (30/11), các nhà lãnh đạo và đại diện đến từ gần 200 nước trên thế giới đã tham dự khai mạc Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra tại Paris. Thông điệp của hội nghị biến đổi khí hậu năm nay là “Hi vọng của loài người” phụ thuộc vào một thỏa thuận giảm khí thải nhà kính toàn cầu.
Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) chính thức khai mạc ngày 30/11 tại Paris, Pháp.
Chọn địa điểm tổ chức là Thủ đô nước Pháp - nơi vừa trải qua vụ khủng bố Paris đẫm máu vào tối 13/11 khiến ít nhất gần 130 người thiệt mạng và trên 350 người bị thương, sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia cho thấy tinh thần đoàn kết đối với đất nước và người dân Pháp.
COP21 thu hút sự quan tâm của người dân cũng như các quốc gia trên toàn cầu với mục tiêu cao nhất là bảo vệ Trái Đất, giữ gìn hành tinh xanh. Kéo dài từ 30/11 đến 11/12, COP21 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với kỳ vọng sẽ thông qua một thỏa thuận cụ thể ngăn chặn các vấn đề biến đổi khí hậu tiêu cực, thay thế cho Nghị định thư Kyoto năm 1997.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon bày tỏ sự lạc quan đối với hội nghị COP21. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tất cả các bên phải nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận toàn cầu.
Biểu tình, tuần hành chống biến đổi khí hậu khắp nơi trên thế giới
Trước thềm COP21, ngày 29/11, diễu hành rầm rộ diễn ra tại các thành phố lớn ở nhiều quốc gia như Úc, New Zealand, Philippines, Bangladesh…
Theo ước tính, 683.000 người đã tham gia 2.300 hoạt động tại 175 nước để kêu gọi hành động đối phó với biến đổi khí hậu. Những người biểu tình trên khắp thế giới tuyên bố không còn có “bước lùi” ngoài việc các lãnh đạo thế giới phải ký kết một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại COP 21.
Diễu hành ở Geneva, Thụy Sĩ, với biểu ngữ: "Hãy cứu lấy tương lai của chúng ta". Ảnh: AFP
Chẳng hạn, tại Melbourne (Úc), người biểu tình giương cao biểu ngữ: “Hãy bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta”, AFP cho biết. Những lời kêu gọi tương tự có thể thấy ở các thành phố như Johannesburg (Nam Phi) hay Edinburgh (Scotland).
Tại Paris, đơn kiến nghị với 1,8 triệu chữ ký của người dân khắp nơi thế giới kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu đã được các nhà lãnh đạo tôn giáo đệ trình lên chính phủ Pháp.
Để đảm bảo an ninh, các nhà chức trách Pháp quyết định cấm tổ chức 2 cuộc biểu tình tại Thủ đô Paris. Đồng thời, 24 nhà hoạt động môi trường đã bị “giam giữ tại gia” nhằm ngăn chặn nguy cơ biểu tình bạo động có thể xảy ra.
Những đôi giày được tập trung ở Quảng trường Cộng hòa, Paris, Pháp.
Tuy nhiên, một “hàng rào sống” dài 2km đã được tạo ra tại Paris từ khoảng 4.500 người nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới lắng nghe tiếng nói của họ. Và thay vì tuần hành qua các đường phố, người dân nơi đây tháo giày tập trung ở Quảng trường Cộng hòa. Đặc biệt, trong số này còn có giày của Giáo hoàng Francis và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon.
Các hoạt động tuần hành bảo vệ môi trường và khí hậu Trái Đất với sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn người, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đã diễn ra ở các Thủ đô, thành phố lớn trên toàn thế giới.
Tổng thống Putin: Hạ lệnh bắn rơi Su-24 là “sai lầm lớn”
COP21 diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự quan tâm đến mặt trận chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, đặc biệt khi vừa một tuần trước đó, chiếc Su-24 của Nga bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, đẩy căng thẳng Moscow - Ankara leo thang.
Bên lề Hội nghị COP21, trong quá trình thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow có bằng chứng chứng minh rằng Su-24 bị bắn hạ nhằm bảo vệ việc vận chuyển dầu của IS. Đặc biệt ông khẳng định, có thông tin tình báo cho thấy nguồn dầu này còn đang được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ ở quy mô công nghiệp.
Sputnik dẫn lời ông chủ Điện Kremlin: “Chúng tôi có đủ lý do để tin rằng, quyết định bắn rơi máy bay của chúng tôi được đưa ra bởi yêu cầu đảm bảo an toàn cho lộ trình cung cấp dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ, tới các cảng biển - nơi chúng được vận chuyển trong các tàu chở dầu”.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, dù quyết định hạ lệnh bắn Su-24 có do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trực tiếp đưa ra hay không, thì đó vẫn là một “sai lầm lớn”
Ông Putin cũng cho rằng, không cần thiết phải tấn công Su-24 bởi nó không đe dọa đến không phận Thổ Nhĩ Kỳ - như lời cáo buộc được đưa ra trước đó. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, dù mệnh lệnh bắn hạ máy bay Nga có do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trực tiếp đưa ra hay không, thì quyết định này vẫn là một “sai lầm lớn”.
Tổng thống Putin khẳng định, dù sự cố bắn rơi Su-24 đã xảy ra, Moscow vẫn tiếp tục phấn đấu cho một liên minh quốc tế rộng lớn nhằm chống lại các nhóm khủng bố. Ông cũng “lấy làm tiếc” vì mối quan hệ giữa Moscow và Ankara đang ngày càng trở nên xấu đi, trong khi ông luôn nỗ lực “để xây dựng mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt một thời gian dài”.
Trước lời cáo buộc của người đồng cấp Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng rất mạnh mẽ. Thậm chí, ông Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi không phải là những người bất lương để thực hiện những giao dịch này với khủng bố. Nếu sự việc có thể được chứng minh, tôi sẽ từ chức ngay lập tức”.
Cuộc hội đàm 30 phút giữa lãnh đạo hai cựu thù Chiến tranh lạnh
Tại COP21, truyền thông chứng kiến cuộc gặp đặc biệt giữa Tổng thống hai nước vốn thù địch nhau trong Chiến tranh lạnh. Đây là lần gặp gỡ thứ hai giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin trong khoảng nửa tháng qua.
Trước đó, hồi đầu tháng 11/2015, hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi riêng tại hội nghị cấp cao G20 diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine và Syria.
Gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin bên lề COP21, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ “lấy làm tiếc” về sự cố Su-24.
Thư ký báo chí Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Obama kéo dài khoảng 30 phút. Hai ông đã trao đổi với nhau nhiều nội dung quan trọng.
Vấn đề đáng lưu ý là cả ông Putin và Obama đều ủng hộ về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria; và bàn về giải pháp ngoại giao cho tình hình xung đột ở miền đông Ukraine.