Vụ The Mark (Quận 7, TP.HCM): Quyết định giám đốc thẩm tuyên Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp vô hiệu

PV| 30/10/2020 07:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2020/KDTM-GDT ngày 3/9/2020 của TANDTC đã chấp nhận yêu cầu đơn khởi kiện của Công ty cổ phần phát triển và kinh doanh nhà (HDTC), tuyên Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của Công ty P&D ký với DWS ngày 16/03/2016 và Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của Công ty LVC ký với DWS ngày 16/03/2016 về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty P&D và Công ty LVC tại Công ty VK Housing cho Công ty DWS vô hiệu.

Việc quản lý kinh doanh của Công ty VK Housing được thực hiện theo Điều 64 Luật doanh nghiệp năm 2014, Điều 15 Hợp đồng liên doanh và Điều 8 Điều lệ Công ty VK Housing.

Từ chuyện chuyển nhượng vốn góp…

Trên cơ sở hợp đồng liên doanh được ký ngày 10/3/2007, Công ty TNHH Quy hoạch và phát triển nhà Việt Nam – Hàn Quốc (VK Housing) được thành lập. Theo đó, HDTC là pháp nhân Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng 29.310m2 đất để thực hiện dự án có giá trị 4.773.6888 USD (chiếm tỷ lệ 20% vốn điều lệ của VK Housing) và 2 pháp nhân Hàn Quốc là Công ty P&D (chiếm 62% vốn điều lệ) và Công ty LVC (chiếm 18% vốn điều lệ) để thực hiện dự án The Mark tại Quận 7 – TP.HCM theo Giấy chứng nhận đầu tư số 411022000109 do UBND TP.HCM cấp ngày 30/8/2007, thay đổi ngày 04/1/2009, người đại diện pháp luật của VK Housing là ông Jong-Suk, Lee.

phoi-canh-the-mart.jpg
Phối cảnh Dự án The Mark tại Quận 7, TP. HCM

Trong quá trình kinh doanh, VK Housing đã vay của Công ty DWS Star Bridge Co., LTD (gọi tắt Công ty DWS) 15 tỷ Won nhưng trên thực tế chỉ giải ngân 12,5 tỷ won. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất đứng tên Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà (nay là HDTC) và phần vốn góp của 3 thành viên tại VK Housing.

Đến thời hạn trả nợ, VK Housing gặp khó khăn nên không thể hoàn trả nợ. Công ty DWS khởi kiện Công ty P&D và Công ty LVC tại Tòa án Trung tâm Seoul (Hàn Quốc) yêu cầu trả khoản vay 15 tỷ won (bao gồm tiền giải ngân thực tế là 12,5 tỷ và lãi suất).

Đồng thời, trước đó, Công ty DWS đã khởi kiện HDTC theo thông báo thụ lý số 506/2011/DSST ngày 28/12/2011 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh, trong đó Công ty DWS yêu cầu bên bảo lãnh là HDTC thực hiện nghĩa vụ hoàn trả 15 tỷ won tương đương 273.773.195.000 VNĐ.

Ngày 22/01/2015, TAND TP.HCM đã có Bản án số 78/2015/KDTN – ST tuyên xử: “Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của Công ty DWS đối với HDTC do không thuộc thẩm quyền của TAND TP.HCM”. Cùng ngày, Công ty DWS đã có đơn kháng cáo giữ nguyên yêu cầu buộc HDTC hoàn trả 15 tỷ won tiền bảo lãnh theo Hợp đồng vay.

Ngày 15/10/2015, TAND cấp cao tại TP.HCM có Thông báo số 47/TBTL- TA về việc thụ lý xem xét xử phúc thẩm.

Tuy nhiên, đến khi mở phiên tòa phúc thẩm (ngày 28/09/2016), đại diện HDTC thông báo đồng ý hoàn trả số tiền vay theo đơn khởi kiện của DWS. Cụ thể, số tiền 15 tỷ won tương đương 271.773.195.000 đồng theo tỉ giá ngày 21/10/2011.

Ngay tại phiên tòa, sau khi biết Công ty HDTC sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền vay để giải quyết dứt điểm vụ việc, đại diện theo ủy quyền là ông Trần Thanh Nhàn xin ra ngoài để liên lạc với bên DWS và thông báo cho Công ty DWS về việc HDTC đã đồng ý thanh toán toàn bộ khoản bảo lãnh theo đúng yêu cầu của DWS. Sau đó, ông Nhàn lấy lý do ốm, không thể tham dự phiên tòa, phiên tòa tạm hoãn. Ngày 26/09/2016, ông Nhàn đã có đơn xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo.

Ngày 28/09/2016, TAND cấp cao tại TP.HCM có Quyết định số 41/2016/QĐ – PT về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án này.

Ngoài ra, Công ty P&D và Công ty LVC không có khả năng thanh toán khoản tiền vay theo hợp đồng bảo lãnh và 2 công ty này biết được đối tác Sintek Fastners (Công ty của Trung Quốc) đang làm việc với Công ty DWS để thỏa thuận mua lại khoản nợ mà Công ty DWS cho VK Housing vay (trong đó P&D, LVC và HDTC là các đồng bảo lãnh cho khoản vay này). Thông qua đó, Công ty P&D và Công ty LVC cũng biết rằng Công ty Sintek Fastners có mong muốn trở thành thành viên góp vốn của VK Housing để triển khai thực hiện dự án The Mark, Quận 7 (Việt Nam).

Vì vậy, Công ty P&D và Công ty LVC đã đề nghị Sintek Fastners và Công ty DWS mua lại phần vốn góp của Công ty P&D và Công ty LVC tại Hàn Quốc để từ đó tiếp tục trở thành Thành viên góp vốn hợp pháp của VK Housing tại Việt Nam và phải tuân thủ theo Hợp đồng liên doanh, Điều lệ của Công ty VK Housing và Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, nếu Công ty P&D và Công ty LVC muốn chuyển nhượng thì phải thông báo (trong vòng 30 ngày) và ưu tiên chuyển nhượng cho HDTC – là thành viên góp vốn tại VK Housing theo quy định tại Hợp đồng liên doanh, điều lệ Công ty VK Housing và Luật doanh nghiệp. Sau 30 ngày, nếu Công ty HDTC phản hồi không mua thì khi đó Công ty P&D và Công ty LVC mới được chuyển cho đối tác khác không phải là Thành viên góp vốn của VK Housing.

Trong trường hợp Công ty P&D và Công ty LVC bị Tòa án trung tâm quận Seoul tuyên bố phá sản vì không trả được nợ thì theo Hợp đồng liên doanh và Điều lệ Công ty VK Housing, Luật doanh nghiệp Việt Nam, VK Housing được quyền mua lại phần vốn góp của Công ty P&D và Công ty LVC. Trong trường hợp này, VK Housing chỉ còn thành viên còn lại duy nhất là HDTC nên HDTC sẽ được quyền ưu tiên mua lại phần vốn góp của 2 công ty này.

Bất chấp lời đề nghị cũng như khuyến cáo từ Công ty P&D và Công ty LVC, Công ty DWS và Sintek Fastner vẫn yêu cầu Tòa án Quận Trung tâm Seoul tuyên bố phá sản Công ty P&D và Công ty LVC nhằm mua lại hai công ty này với giá rẻ.

Ngày 22/7/2015, Toà án Quận trung tâm Seoul – Hàn Quốc đã tuyên bố phá sản hai công ty này theo quyết định số: 2016 – 990 (Công ty LVC) và 2016 – 991 (Công ty P&D)

Ngày 16/03/2016, Căn cứ vào quyết định của Tòa án, Quản tài viên đã nhân danh Công ty P&D và Công ty LVC ký các hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty P&D (với giá chuyển nhượng: 225.000.000 won tương đương 4.500.000.000 VNĐ (Bốn tỷ năm trăm triệu đồng Việt Nam) và Công ty LVC (với giá chuyển nhượng: 776.000.000 won tương đương 15.520.000.000 VNĐ (Mười lăm tỷ năm trăm hai mươi triệu đồng Việt Nam) tại VK Housing cho Công ty DWS mà không có bất kỳ thông báo nào cho thành viên góp vốn còn lại duy nhất là HDTC theo quy định tại Hợp đồng liên danh, Điều lệ công ty VK Housing và Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

Trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng đã ký, VK Housing đã thay đổi đăng ký doanh nghiệp, thay đổi từ 3 thành viên gồm HDTC, Công ty P&D, Công ty LVC sang 2 thành viên gồm HDTC và Công ty DWS. Ngày 21/4/2016, Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0305339040 cho VK Housing và Giấy chứng nhận đầu tư số 216333062.

Tuy nhiên, HDTC được người đại diện của Công ty LVC - ông Song Jae Yup – Tổng Giám đốc Công ty LVC thông báo: Công ty LVC và Công ty P&D đã phá sản, đề nghị HDTC mua lại phần vốn góp. Theo quy định Hợp đồng liên doanh, HDTC là thành viên được ưu tiên mua lại phần vốn góp của Công ty P&D và Công ty LVC. Tuy nhiên trên thực tế, HDTC không nhận được bất kỳ thông báo nào.

Khi rà soát lại hồ sơ và làm việc với Sở KH&ĐT TP.HCM, HDTC đã phát hiện VK Housing giả mạo hồ sơ để được cấp thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Do đó, HDTC đã tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an về hành vi giả mạo giấy tờ để làm thay đổi đăng ký doanh nghiệp.

Ngày 4/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có Văn bản số 334 thông báo cho Sở KH&ĐT TP.HCM biết có sự giả mạo trong hồ sơ đăng ký điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư của VK Housing liên quan đến Công ty DWS.

…đến Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp vô hiệu

Khi phát hiện việc chuyển nhượng vốn góp trái quy định, HDTC đã gửi đơn khởi kiện lên TAND TP.HCM, yêu cầu tuyên hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của của Công ty P&D và Công ty LVC tại VK Housing cho Công ty DWS là vô hiệu vì vi phạm thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng liên doanh, Điều lệ Công ty VK Housing và Luật Doanh nghiệp.

Ngày 30/11/2016, HDTC có đơn khởi kiện số 517A/CV – HDTC/2016 gửi TAND TP.HCM, các đơn sửa đổi bổ sung ngày 30/11/2016, ngày 09/01/2017, ngày 20/02/2017, ngày 20/03/2017, ngày 01/04/2017, ngày 08/02/2018, ngày 27/09/2018 và ngày 11/10/2018.

du-an-the-mark.jpg
Dự án The Mark

Cả hai phiên tòa sơ thẩm ngày 25/10/2018 và phúc thẩm ngày 11/09/2019 đều đưa ra phán quyết: Không công nhận các Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại VK Housing từ Công ty P&D và Công ty LVC qua Công ty DWS. Tuyên bố Biên bản họp Hội đồng thành viên 29-2016 ngày 23/3/2016, Giấy xác nhận số 01/2016 ngày 20/4/2016, Giấy xác nhận số 02/2016 ngày 20/4/2016 và Quyết định HĐTV 30-2016 ngày 23/4/2016 do VK Housing xác lập là các giao dịch dân sự vô hiệu nên không có hiệu lực thi hành; hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH&ĐT TP.HCM đã cấp cho VK Housing ngày 21/4/2016 và Giấy chứng nhận đầu tư số 216333062 ngày 29/4/2016 của Sở KH&ĐT TP.HCM.

Trong thời gian chưa có người kế thừa, thụ hưởng phần vốn góp của Công ty P&D và phần vốn góp của Công ty LVC tại VK Housing, HDTC có quyền thực hiện các quyền quản lý VK Housing của thành viên công ty liên quan đến các phần vốn góp nêu trên.

Tuy nhiên, 2 bản án trên đã bị kháng nghị theo Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Bản án KDTM phúc thẩm số 53/2019/KDTM – PT ngày 11/09/2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM ngày 28/04/2020.

Ngày 3/9/2020, TANDTC đã có Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2020 về việc “tranh chấp quyền sở hữu doanh doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh” giữa nguyên đơn là HDTC và bị đơn là Công ty DWS.

Tại Quyết định giám đốc thẩm, TANDTC đã nhận định rõ: Công ty VKHousing là doanh nghiệp thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thành lập, tổ chức hoạt động tại Việt Nam, cho nên mọi hoạt động có liên quan của doanh nghiệp phải theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan của Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 52, Điều 53 và Điểm c khoản 3 Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên của công ty là tổ chức đã giải thể hoặc phá sản thì phần góp vốn thành viên đó được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng cho các thành viên khác của công ty; việc chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.

Đồng thời, tại Điều 8 Hợp đồng liên danh ngày 10/3/2007 quy định việc chuyển nhượng Phần vốn góp của bất kỳ bên nào đều phải tuân theo các điều kiện và trình tự sau đây: Trước tiên phải gửi thông báo bằng văn bản đề nghị chuyển nhượng cho các bên còn lại, Bên được đề nghị có thể đồng ý mua phần chuyển nhượng bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Bên đề nghị trong vòng 30 ngày kể từ ngày có đề nghị, thông báo sẽ được kèm theo một khoản đặt cọc tối thiếu bằng 50% của giá dự kiến. Nếu Bên được đề nghị không đưa ra văn bản thông báo nào trong thời hạn 30 ngày thì Bên được đề nghị được coi là không chấp nhận mua Phần chuyển nhượng, sau đó bên đề nghị được tự do bán cho Bên thứ ba.

Mặc dù, Công ty P&D và Công ty LVC vay tiền của Công ty DWS, Công ty P&D và Công ty LVC đã bị Tòa án Quận Trung tâm Seoul – Hàn Quốc tuyên bố phá sản cần phải bán phần vốn góp tại Công ty VKHousing để trả tiền vay cho Công ty DWS, nhưng việc bán phần vốn góp của Công ty P&D và Công ty LVC tại Công ty VKHousing phải tuân theo quy định tại Điều 52 và Điều 53, điểm C khoản 3 Điều 54 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 8 của Hợp đồng liên doanh ngày 10/3/2007.

Hồ sơ vụ án thể hiện, không có văn bản thông báo hoặc tài liệu chứng cứ gì chứng tỏ trước khi Quản tài viên của Hàn Quốc thay mặt Công ty P&D và Công ty LVC ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của Công ty P&D và Công ty LVC tại Công ty VKHousing cho Công ty DWS ngày 16/3/2016 đã gửi cho Công ty HDTC về việc chuyển nhượng phần góp vốn của Công ty P&D và Công ty LVC tại Công ty VKHousing.

Như vậy, hai Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 của Công ty P&D và Công ty LVC tại Công ty VKHousing cho Công ty DWS đã vi phạm Điều 52, Điều 53, điểm c khoản 3 Điều 54 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 8 của Hợp đồng liên doanh ngày 10/3/2007, làm cho Công ty VKHousing và HDTC mất quyền ưu tiên mua phần vốn góp của thành viên công ty. Do đó, Tòa án sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hai Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 vô hiệu là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 128 Bộ Luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 123 Bộ Luật Dân sự năm 2015).

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 3 của các Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 của Công ty P&D và của Công ty LVC với Công ty DWS quy định Bên nhận chuyển nhượng phải thực hiện thủ tục cần thiết là “xin công nhận Hợp đồng này từ Tòa án Việt Nam”; khoản 4 Điều 6 của các Hợp đồng ngày 16/3/2016 quy định: “Hợp đồng này có hiệu lực kể từ khi nhận được chấp thuận của Tòa án Hàn Quốc về Hợp đồng này”. Trong hồ sơ vụ án thể hiện các Hợp đồng ngày 16/3/2016 chỉ có chữ ký của Bên chuyển nhượng và Bên nhận chuyển nhượng, chưa có văn bản nào thể hiện sự “chấp thuận” của Tòa án Hàn Quốc, đồng thời chưa được Tòa án Việt Nam công nhận. Như vậy, các Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 nói trên xét về nội dung thỏa thuận thì chưa đủ điều kiện có hiệu lực.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định 02 Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp này vô hiệu theo pháp luật Việt Nam, từ đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty HDTC về việc tuyên các Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Công ty VKHousing từ Công ty P&D và Công ty LVC qua Công ty DWS vô hiệu, không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam là có căn cứ. Như vậy, nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm có sai lầm trong áp dụng pháp luật khi tuyên 02 Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của các Công ty Hàn Quốc vô hiệu, là không có cơ sở để chấp nhận.

Vì Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 của Công ty P&D và của Công ty LVC với Công ty DWS vô hiệu, không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam nên Công ty DWS không phải là thành viên của Công ty VKHousing. Từ đó, các Biên bản họp Hội đồng thành viên số HĐTV 29-2016 ngày 23/3/2016, Giấy xác nhận số 01/2016/GXN-VP ngày 20/4/2016, Giấy xác nhận số 02/2016/GXN-VP ngày 20/4/2016 và Quyết định số HĐTV 30-2016 ngày 23/4/2016 để nộp hồ sơ đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đưa Công ty DWS vào thành viên Công ty VKHousing là không có giá trị pháp lý.

Đồng thời, ngày 20/4/2016, Đại hội đồng cổ đông HDTC đã bầu ông Đinh Trường Chinh làm người đại diện theo pháp luật nên việc ông Phan Quang Tống ký Quyết định số HĐTV 30-2016 ngày 23/4/2016 về việc điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án, mà không được sự ủy quyền của ông Chinh là không có giá trị pháp lý.

HDTC cũng không đồng ý với việc chuyển nhượng phần vốn góp này nên đã có Văn bản số 152 ngày 07/4/2016 gửi UBND TP.HCM và Sở KH&ĐT TP.HCM về việc có sự giả mạo trong Hồ sơ đăng ký kinh doanh. Việc cấp hoặc đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là hành vi hành chính, không phải là quyết định hành chính cá biệt được xem xét giải quyết trong vụ án kinh doanh thương mại theo quy định Điều 34 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật đã tuyên Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 vô hiệu, Công ty DWS không phải là thành viên của Công ty VKHousing mà Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không phù hợp với bản án thì Công ty VKHousing có quyền yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại Giấy đăng ký thay đổi doanh nghiệp không đúng theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Cho nên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM đã cấp cho Công ty VK Housing ngày 21/4/2016 và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 2162333062 ngày 19/4/2016 của Sở KH&ĐT TP.HCM là không đúng. Do đó, nội dung Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 29/4/2016 (đăng ký lần thứ 2) không có căn cứ là có cơ sở, cần chấp nhận.

Bản án phúc thẩm tuyên: “Trong thời gian chưa có người kế thừa, thụ hưởng phần vốn góp của Công ty P&D và phần vốn góp của Công ty LVC tại VKHousing, HDTC có quyền thực hiện các quyền quản lý VKHousing của thành viên công ty liên quan đến các phần vốn góp nêu trên”. Do đó, nội dung Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định giao cho HDTC thụ hưởng phần vốn góp của Công ty P&D và Công ty LVC tại Công ty VKHousing là không chính xác.

Do đó, Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2020 của Tòa án nhân dân Tối cao đã quyết định: Chấp thuận yêu cầu khởi kiện của HDTC, tuyên Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp đề tên Công ty P&D ký với công ty DWS ngày 16/03/2016 và Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp đề tên Công ty LVC ký với Công ty DWS ngày 16/3/2016 về việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của hai công ty này tại VK Housing cho Công ty DWS là vô hiệu.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty HDTC về việc yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM đã cấp cho Công ty VK Housing ngày 21/04/2016 và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 2162333062 ngày 29/04/2016 của Sở KH&ĐT TP.HCM.

Việc quản lý kinh doanh của VK Housing sẽ được thực hiện theo Điều 64 Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 15 Hợp đồng Liên doanh và Điều 8 Điều lệ Công ty VK Housing.

Giữ nguyên các quyết định khác của bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 52/2019/KDTM-PT ngày 11/09/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Quyết định giám đốc thẩm đã đưa bản chất của việc chuyển nhượng vốn góp tại VK Housing về đúng bản chất khi phải tuân theo Hợp đồng liên doanh, Điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014, đã làm “nức lòng” các đối tác trong liên doanh đặc biệt là Công ty LVC – đối tác đã từng bị Công ty DWS và Sintek Fastners – đối tác Trung Quốc ép phá sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ The Mark (Quận 7, TP.HCM): Quyết định giám đốc thẩm tuyên Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp vô hiệu