Vụ thế chấp sim điện thoại vay tiền ngân hàng: VKS đề nghị Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung

Trang Trần| 30/05/2019 10:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 3 ngày 27-29/5 TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hứa Thị Mộng Hoa (SN 1967, trú quận Hải Châu) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan tới vụ thế chấp sim vay tiền ngân hàng.

Các bị cáo Thái Trần Thông (SN 1975, nguyên Giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng); Nguyễn Ẩn (SN 1982, nguyên nhân viên SeABank Đà Nẵng) và Hoàng Hiếu Trung (SN 1983, nguyên chuyên viên khách hàng thuộc SeABank Đà Nẵng) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Gia Bảo (địa chỉ 300-Ông Ích Khiêm, TP Đà Nẵng) do Hứa Thị Mộng Hoa làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc từ tháng 12/2003 đến khi ngừng hoạt động. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là mua bán các mặt hàng điện thoại di động, sim số, thẻ cào điện thoại di động, linh kiện viễn thông…

Ngoài ra, Hoa còn làm Giám đốc Công ty TNHH Điện tử viễn thông Nam An (có trụ sở tại 22 Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng) thành lập tháng 11/2003. Đến tháng 12/2003, chuyển sang cho chồng là ông Huỳnh Nghiệp làm Giám đốc. Ngành nghề kinh doanh tương tự Công ty TNHH Gia Bảo.

Công ty TNHH Gia Bảo phát sinh quan hệ tín dụng với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chi nhánh Đà Nẵng từ năm 2007, bắt đầu với hợp đồng tín dụng hạn mức số 00003/HĐTD-HM ngày 14/2/2007, vay vốn ngắn hạn để kinh doanh mặt hàng sim số, thẻ cào, điện thoại di động.

bi-cao

Các bị cáo tại tòa

Ngày 15/9/2007, Hoa đại diện Công ty TNHH Gia Bảo lập đơn xin vay vốn kèm phương án vay vốn gửi ngân hàng SeABank, đề nghị được vay 120 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh. Ngày 20/11/2007, SeABank Đà Nẵng đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức số 00011/HĐTD-HM với hạn mức tín dụng cấp cho Công ty Gia Bảo là 120 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho nợ vay là bất động sản, hàng hóa tồn kho luân chuyển và hàng hóa hình thành từ vốn vay. Thời hạn vay của mỗi khế ước là 3 tháng.

Trên cơ sở hợp đồng tín dụng hạn mức đã ký, ngày 27/11/2007 – 27/11/2008, SeABank Đà Nẵng đã giải ngân cho Công ty Gia Bảo theo 66 khế ước với tổng số tiền hơn 485 tỷ đồng. Ngày 24/12/2008, Công ty Gia Bảo phát sinh nợ quá hạn và không thể trả được nợ vay. Số tiền gốc vốn vay Ngân hàng SeABank không thu hồi được là hơn 55 tỷ đồng (chưa kể lãi). Ngày 20/11/2013 và 22/11/2016, Ngân hàng SeABank có đơn tố cáo gửi đến Cơ quan điều tra đề nghị điều tra, xử lý.

Cũng theo cáo trạng xác định hành vi chiếm đoạt tiền của Hứa Thị Mộng Hoa tại ngân hàng SeABank Đà Nẵng cụ thể, ngay từ đầu việc Công ty Gia Bảo ký hợp đồng tín dụng 00011/HĐTD-HM ngày 20/11/2007 vay vốn sử dụng vào mục đích bổ sung vốn lưu động chỉ là hình thức, mục đích thực tế là để phục vụ việc kinh doanh bất động sản và đảo nợ ngân hàng của cá nhân Hoa. Các thủ tục vay vốn ngân hàng là do Thái Trần Thông hướng dẫn Hoa thực hiện. Với phương thức, ngân hàng giải ngân vốn vay đến các nhà mạng Viettel, Mobi, Vina để thanh toán tiền mua hàng cho công ty Gia Bảo. Khi nhập hàng về công ty Gia Bảo bán ngay ra thị trường, thu tiền và sử dụng vào mục đích kinh doanh bất động sản của Hoa cũng như thực hiện việc đảo nợ cho các khế ước vay trước đó... Hoa đã có hành vi gian dối sử dụng công ty TNHH Gia Bảo, nâng khống giá trị tài sản là hàng hóa tồn kho luân chuyển để vay vốn ngân hàng SeABank chiếm đoạt số tiền hơn 55 tỷ đồng.

Vì hàng hóa thế chấp cho ngân hàng được để lại tại kho của công ty TNHH Gia Bảo mang tính rủi ro cao nên SeABank Đà Nẵng chỉ định thủ kho độc lập nhằm đảm bảo việc bảo vệ, quản lý, thu thập thông tin kho hàng một cách độc lập, khách quan.  Việc chỉ định thủ kho độc lập cũng như thuê đội bảo vệ kho hàng của Công ty TNHH Gia Bảo đã được Hội sở SeABank yêu cầu chi nhánh Đà Nẵng thực hiện ngay từ hợp đồng tín dụng 00003/HĐTD-HM ngày 14/2/2007. Tuy nhiên, Thái Trần Thông là người đại diện SeABank Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ đã không chỉ định thủ kho độc lập nên không quản lý được kho hàng.

Hoàng Hiếu Trung (chuyên viên hỗ trợ khách hàng) và Nguyễn Ẩn (chuyên viên tín dụng) được giao nhiệm vụ kiểm tra kho định kỳ và quản lý hàng tồn nhưng cả hai đều không thực hiện. Cáo trạng của VKS thể hiện, Thái Trần Thông, Nguyễn Ẩn và Hoàng Hiếu Trung đã vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng dẫn đến hậu quả thiệt hại hơn 55 tỷ đồng.

Tại tòa, trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Hoa liên tục kêu oan cho rằng, phía ngân hàng đang cố tình hình sự hóa một hợp đồng kinh tế, đồng thời cung cấp nhiều giấy tờ chứng minh nội dung cáo trạng của VKSND TP Đà Nẵng là không đúng sự thật.

Từ những lời khai của bị cáo Hoa, những tài liệu bị cáo cung cấp tại tòa, VKSND TP Đà Nẵng thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ như: Nội dung vụ án lớn, tài liệu nhiều, thấy rằng trong phần thẩm vấn bị cáo đã đưa ra tài liệu chứng cứ chứng minh ngân hàng tự thu phí lãi 55 tỷ nhưng chưa được đối chiếu. Bị cáo Hoa có ý kiến, sau khi đàm phán với SeAbank phía SeAbank đồng ý tại Công văn số 64, biên bản họp ngày 11/3/2009 và các tài liệu khác cũng đã ghi nhận nội dung: Ngân hàng đồng ý việc bị cáo yêu cầu giảm lãi, phí đồng thời cấp tín dụng mới kèm theo các điều kiện giao 5 bất động sản theo giá đã định và các điều kiện khác về phương án trả nợ. Việc ngân hàng thu phí và lãi vượt nhiều trái quy định, không đúng thỏa thuận tín dụng  chỉ có 0.98%, bị cáo đã xuất trình được tài liệu thu vượt quá. 2 nội dung này là yêu cầu chính đáng của bị cáo cần làm rõ. Điều này không thể kết luận tại phiên tòa mà cần phải có thời gian...

Bị cáo Hoa trình bày và cung cấp tài liệu thể hiện việc bị cáo bị ép đưa 5 tài sản kèm theo thỏa thuận nhưng ngân hàng không thực hiện, hiện nay ngân hàng còn chiếm giữ 1 số tài sản của bị cáo, hiện bị cáo đang khởi kiện ở TAND Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng)... vấn đề này cũng cần được làm rõ.

Ngoài ra, bị cáo Hoa khai một trong những nguyên nhân dẫn đến không trả được nợ là do bị cáo mất hàng trị giá 47 tỷ vào tháng 12/2008, bị cáo có tài liệu chứng minh việc này. Việc mất hàng, bị cáo có thông báo cho ngân hàng; chi nhánh thông báo hội sở... được thể hiện trong biên bản 3 bên...

VKS cho rằng, đây là những nội dung có ý nghĩa định tội nhưng không thể bổ sung được, vì vậy VKS đề nghị HĐXX xem xét quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS để trả cho cơ quan điều tra làm rõ những vấn đề mới phát sinh không thể làm rõ tại phiên tòa được. Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng đồng ý kiến với VKS.

Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ những nội dung mới phát sinh trong vụ án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ thế chấp sim điện thoại vay tiền ngân hàng: VKS đề nghị Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung